Việt Nam quyết liệt phòng, chống dịch; số người chết vì COVID-19 tại Italia đã vượt Trung Quốc

Thứ Sáu, 20/03/2020, 08:50
Ngày hôm qua, Việt Nam tiếp tục đón nhận hàng ngàn công dân trở về từ các quốc gia khác và cũng đã ghi nhận thêm 9 ca nhiễm COVID-19 mới. Trong khi hai bệnh nhân số 19 và 26 đang phải đặt máy thở và lọc máu thì bệnh nhân số 18 đã hoàn toàn khỏe mạnh, số 22 đang phục hồi tốt…

Đến 23h30 ngày hôm qua (19/3), Bộ Y tế thông báo đã phát hiện thêm 9 ca dương tính với virus SARS-COV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam lên con số 85 (trong đó 16 người đã được điều trị và khỏi bệnh hoàn toàn). Những ca nhiễm mới được xác nhận đều là người từ nước ngoài mới nhập cảnh về Việt Nam trong những ngày gần đây.

Trong ngày hôm qua, sân bay Quốc tế Nội Bài đã đón 1.911 khách nhập cảnh trên 26 chuyến bay quốc tế, trong đó có 737 khách là người Việt. Số khách này đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Myanmar, Lào, Thổ Nhĩ Kỳ… Cụ thể, có 6 chuyến bay từ Nhật, 4 chuyến bay từ Thái Lan, 2 chuyến từ Singapore, 2 chuyến từ Malaysia.

Tại sân bay Quốc tế Vân Đồn, hai chuyến bay mang số hiệu VN357 và VN331 của hãng hàng không Vietnam Airlines đã hạ cánh an toàn, đưa 98 công dân Việt Nam đang học tập, công tác tại Nhật Bản về nước. Tính đến nay, sân bay Vân Đồn đã đón tổng cộng 18 chuyến bay, với gần 2.347 công dân Việt Nam và 160 khách nước ngoài trở về an toàn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Công an tỉnh Quảng Ninh làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Vân Đồn.

Còn tại Gia Lai, địa phương này vừa tiếp nhận 80 công dân Việt Nam đang lao động, làm việc tại Campuchia về nước qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai). Những công dân này ngay sau đó được di chuyển tập trung bằng xe ô tô về Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, an ninh Trung đoàn 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) để cách ly tập trung trong vòng 14 ngày. Riêng công dân từng trở về Campuchia từ Singapore đã được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình, bệnh nhân nam số 18 trở về từ Deagu (Hàn Quốc) đang điều trị tại tại đây đã khoẻ mạnh hoàn toàn. Đến sáng ngày 19/3, bệnh nhân đã hoàn toàn khoẻ mạnh, 2 lần xét nghiệm âm tính và đã không còn sốt, ho. Mọi chỉ số sức khoẻ bình thường.

Mặc dù bệnh nhân này đã đủ điều kiện ra viện, tuy nhiên phía Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đang trao đổi với các chuyên gia để có phương án thực hiện cách ly theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân tại nhà hay tại cơ sở y tế sau khi khỏi bệnh.

Đối với trường hợp bệnh nhân số 32 (cô gái 24 tuổi trở về từ Anh bằng chuyên cơ riêng), sau 10 ngày điều trị, hiện sức khỏe đã ổn định, không còn sốt, ho ít, thở êm, tự thở khí trời, ăn uống bình thường. X-quang phổi bình thường, đã ngừng kháng sinh và dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế.

Riêng với 2 trường hợp bệnh nhân nặng là nữ bệnh nhân người Việt 64 tuổi (số 19) kèm bệnh lý nền là rối loạn tiền đình và nam bệnh nhân người Anh 69 tuổi (số 26) kèm bệnh lý nền là tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 hiện vẫn được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).

Cả hai bệnh nhân này đã được đặt thở máy (từ ngày15/3), lọc máu. Hai bệnh nhân vẫn đang được theo dõi sát, các y bác sĩ nỗ lực cùng các chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực, hô hấp, truyền nhiễm… được Bộ Y tế tăng cường điều động từ Bệnh viện Bạch Mai liên tục hội chẩn trực tuyến hàng ngày để hỗ trợ điều trị cho hai bệnh nhân này.

Riêng nữ bệnh nhân số 19 do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên Hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng- Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO.

Tại Thừa Thiên Huế, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh này vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thủ tục cần thiết để công bố hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế đối với 4 người Trung Quốc. Đồng thời, tiến hành xử lý hành chính đối với 4 người này và làm các thủ tục buộc xuất cảnh theo quy định.

Tại Hà Nội, tính đến 23h30’ ngày 19/3, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 19 ca nhiễm COVID-19. Số người có tiếp xúc gần là 1.469, số trường hợp hiện đang phải giám sát y tế là 756/1.469. Hiện thành phố cũng đang tiến hành cách ly 8.196/17.104 người tại cộng đồng.

Số liệu do Sở Y tế Hà Nội cung cấp.

Trên thế giới, số ca nhiễm COVID-19 đã vọt lên con số 245.073 ca với 10.041 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua Trung Quốc ghi nhận thêm 39 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở quốc gia này lên con số 80.967. Giới chức Trung Quốc cũng yêu cầu tất cả những người nhập cảnh buộc phải cách ly 2 tuần. Rất có thể, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu hết dịch COVID-19 vào cuối tháng 4 tới.

Trong khi đó, ở phần còn lại, con số thống kê cho thấy diễn biến của bệnh COVID-19 rất đáng báo động với 6 nước có số ca nhiễm trên 1 vạn là Italy, Iran, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ và Pháp. Chỉ tính riêng tại 6 quốc gia này, số ca mắc COVID-19 đã bỏ xa Trung Quốc.

Biểu đồ số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới.

Tại Italy, nước này vẫn “ổn định” ở vị trí số 2 sau Trung Quốc về số ca nhiễm nhưng đã vượt về số ca tử vong do COVID-19 với 5.322 ca mới, nâng tổng số người mắc lên con số 41.035 và số người tử vong đã là 3.405.

Tại Iran, số ca mắc mới/tổng số ca nhiễm hiện đang là 1.046/18.407. Trong khi tại Tây Ban Nha, con số tương ứng là 3.308/18.077.

Nước Mỹ cũng đã lọt vào danh sách quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 1 vạn, với tổng số 11.354 ca mắc COVID-19, số ca mới là 2.095.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định dịch COVID-19 đang "trong tầm kiểm soát" đồng thời tiết lộ các nhà khoa học nước này đang tập trung điều chế các loại thuốc và vaccine chống dịch bệnh. Nước Nga cũng đã công bố lệnh phong tỏa nhập cảnh nhằm ngăn dịch COVID-19 lan rộng, tuy nhiên hiện đã ghi nhận tổng cộng a ca nhiễm, với b ca nhiễm mới và đã có ca tử vong đầu tiên.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Còn theo giới quan sát, COVID-19 đã khiến lục địa già lao đao, cả về y tế, lẫn kinh tế. Thất nghiệp và phá sản có nguy cơ bùng nổ ngay trong lòng mái nhà chung Liên minh châu Âu (EU).

Số liệu thống kê về COVID-19 từ Worldometer.

Lãnh đạo các nước thành viên EU nhất trí đóng cửa biên giới toàn khối trong 30 ngày nhằm ngăn chặn sự lan rộng của COVID-19, sau khi nhiều nước thành viên tự động đóng cửa biên giới. Hành trình “không biên giới” của mái nhà chung EU buộc phải gián đoạn, nhường chỗ cho một hành trình khác khó khăn hơn.

K.Hiền
.
.
.