Ngày "chết chóc" tại Italia: COVID-19 liệu đã đạt đỉnh điểm?

Thứ Năm, 19/03/2020, 09:41
Chỉ cách đây một tháng, cả thế giới đang dồn mọi sự chú ý tới Trung Quốc, thì giờ đây, mọi tâm điểm đều hướng đến thành Rome. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới nào. Cũng trong 24 giờ qua, Italia ghi nhận tới 4.207 ca nhiễm mới, với 475 bệnh nhân từ vong.

475 người tử vong chỉ trong 24 giờ qua vì COVID-19 tại Italia. Những con số không biết nói dối. Italia giờ đây đang đối diện chuỗi ngày "chết chóc", với lo ngại dịch bệnh vẫn chưa đạt đến định điểm.

Thống kê do Worldmeters thực hiện cho thấy, tính đến hết ngày 18/3, Italia ghi nhận tới 35.713 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), với 2.978 ca tử vong.

Cuộc sống tại Italia đảo lộn hoàn toàn vì COVID-19. Ảnh: BI

The Guardian nhận định, Italia vừa trải qua ngày chết chóc nhất trong cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ II, buộc đất nước hơn 60 triệu dân áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc với hàng loạt các biện pháp hạn chế tụ tập, đi lại tối đa.

Đại dịch COVID-19 đang chưa có dấu hiệu chậm lại tại Italia, với tâm dịch tiếp tục là vùng Lombardy phía Bắc nước này. Dựa trên những gì đã diễn ra với Trung Quốc, nhiều nhà quan sát đã nỗ lực đưa ra nhận định về việc liệu COVID-19 đã đạt đến đỉnh điểm tại Italia?

Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Italia (CNR) hy vọng sẽ có sự "giảm đáng kể" tốc độ tăng trưởng của các bệnh lây nhiễm mới ở khu vực Lombardy, dẫn đến sự bình ổn số ca trên cả nước trong khoảng từ 25/3 đến 15/4, CNA đưa tin.

"Các ước tính này có thể không chắc chắn vì các yếu tố khác nhau đang diễn ra và phải liên tục được kiểm tra lại theo dữ liệu mới nhất có sẵn", CNR cho biết trong một tuyên bố, nhấn mạnh hành vi của người dân và chiến lược của chính phủ là chìa khóa quan trọng.

Trong khi đó, một nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và công nghệ của Đại học Genova ước tiính dịch bệnh sẽ đạt đỉnh tại Italia vào khoảng 23 đến 25/3, dựa trên một mô hình dự đoán sự tiến hóa của COVID-19 với "tỷ lệ sai sót chấp nhận được".

"Tuy nhiên, đạt đỉnh điểm không có nghĩa rằng đại dịch sẽ kết thúc. Điều đó chỉ có nghĩa dịch bệnh đã bắt đầu chậm lại, và rằng vài ngày sau, dịch sẽ đạt đến điểm bão hòa của các trường hợp chăm sóc đặc biệt", giáo sư Giorgio Sestili thuộc Đại học Genoa cho biết.

Tiến sĩ Giorgio Palù, giáo sư virus học và vi trùng học của Đại học Padova, nói rằng, ông từng hi vọng sẽ nhìn thấy dấu hiệu thay đổi đầu tiên của dịch bệnh sau một tuần cả nước bị phong tỏa, nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực. 

"Hôm qua chúng tôi dự kiến sẽ có một sự thay đổi sau gần 10 ngày áp dụng biện pháp mới này. Nhưng ca nhiễm vẫn tăng", ông nói. "Vì vậy, tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể dự đoán ngay lập tức". Hiện, vẫn có hơn 2.000 người đang phải điều trị tích cực do nhiễm COVID-19 nặng trên khắp Italia. 

An Nhiên
.
.
.