Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam với hành trình tri ân Tháng 7
- Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa
- Gặp mặt đoàn đại biểu cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam
- Gặp mặt truyền thống cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam
- Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam
- Gặp gỡ, tri ân cán bộ Công an chi viện chiến trường an ninh Quảng Nam - Đà Nẵng
Một trong những gia đình đầu tiên Đoàn công tác BLL cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam tới thăm đó là gia đình Thiếu tướng, AHLLVT Phan Văn Lai, Trưởng BLL.
Gia đình Thiếu tướng Phan Văn Lai là gia đình truyền thống cách mạng. Anh trai của ông là Liệt sĩ chống Pháp, em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ ông được Nhà nước phong tặng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bản thân ông cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Thiếu tướng Phan Văn Lai và đoàn BLL cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam tới thăm, trao quà và thắp hương tri ân Liệt sĩ chống Pháp Dương Xuân Tiến ( cha của Thượng tá Dương Xuân Chiến) |
Sau Giải phóng, trở về Bắc, ông được Bộ Công an phân công công tác tại Tổng cục Chính trị CAND, sau này trở thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, rồi được điều sang làm Chánh Thanh tra Bộ Công an trước khi nghỉ hưu.
Sau buổi chuyện trò vui vẻ, Thiếu tướng Phan Văn Lai trực tiếp làm trưởng đoàn cùng các cán bộ thường trực trong BLL tiếp tục tới thăm gia đình Thượng tá Dương Xuân Chiến, thắp hương tri ân cho cha của Thượng tá Dương Xuân Chiến là Liệt sĩ chống Pháp Dương Xuân Tiến.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Dương Xuân Chiến tâm sự: cha ông là liệt sĩ chống Pháp và ông là con trai độc nhất trong gia đình. Lúc cha hy sinh, ông mới tròn 8 tuổi. Bởi gia cảnh đặc biệt, còn nhỏ, cha sớm hy sinh nên ông được Nhà nước quan tâm, cho đi học Trường đặc biệt dành cho các con em liệt sĩ Hà Nội ( tức trường Nguyễn Viết Xuân).
Năm 1965, khi đang học cấp 3, ông đã xung phong vào bộ đội, chiến đấu cho chiến trường miền Nam. Thời điểm đó, ông thuộc diện ưu tiên, miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng vì mong muốn trả thù cho cha, ông vẫn nhất quyết xung phong lên đường.
Sau đó, ông được phân công vào Binh chủng hóa học, thuộc Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, chiến đấu tại Mặt trận B5 (Chiến trường Trị thiên – Huế). Sau giải phóng, ông ra Bắc chuyển ngành sang Công an, công tác tại Cục Công tác Chính trị CAND, trực tiếp làm phóng viên Phòng Truyền hình “Vì An ninh Tổ quốc”.
Thiếu tướng Phan Văn Lai và đoàn BLL cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam tới thăm, trao quà cho Đại úy Vũ Văn Thống tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương. |
Tiếp tục cuộc hành trình tri ân, đoàn chúng tôi đã tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Ích Trung. Bản thân ông vừa là thương binh vừa bị nhiễm chất độc màu da cam. Ông Trung cho biết: thời điểm đó, ông được cử chi viện cho Đội công tác vũ trang huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Năm 1971, ông được điều ra Bắc, công tác tại Vụ Nghiên cứu tổng hợp - Văn phòng Bộ Công an.
Đầu năm 1972, trước đòi hỏi cấp thiết của chiến trường, ông lại được Bộ Công an cử chi viện lần thứ hai cho chiến trường miền Nam, lần này ông chi viện trực tiếp cho chiến trường Quảng - Đà và đến cuối năm 1972 ông lại được rút trở về miền Bắc, công tác tại Văn phòng Bộ Công an.
Tiếp đó, đoàn đã lần lượt tới thăm, trao quà cho Đại tá Nguyễn Hữu Chí (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện 198 Bộ Công an). Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là cán bộ quân y tại Trung đoàn 18, Quân khu 5. Sau ngày giải phóng ông chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện 198 Bộ công an.
Trong những ngày chiến trường khói lửa, ông bị thương, hiện đang là thương binh hạng 4/4. Một gia đình chính sách khác cũng là hội viên trong BLL mà đoàn tới thăm, tri ân , trao quà lần này đó là gia đình Đại tá Nguyễn Huy Can.
Bản thân Đại tá Nguyễn Huy Can vừa là thương binh vừa nhiễm chất độc da cam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ông được cử chi viện cho An ninh Tuy Phước (tỉnh Bình Định).
Sau ngày hòa bình lập lại, ông công tác tại Công an Bình Định làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định. Sau này ra Bắc, ông được phân công công tác tại Tổng cục Hậu cần - Kĩ thuật, Bộ Công an, sau này trở thành Cục trưởng Cục Kho vận của Tổng cục.
Một trường hợp rất đặc biệt, để lại ấn được khó quên trong chuyến hành trình tri ân lần này của BLL, đó là đoàn đã tới Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để thăm hỏi, trao quà cho Đại úy Vũ Văn Thống. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại úy Vũ Văn Thống chiến đấu tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân khu 7.
Trong những ngày chiến đấu ác liệt ở chiến trường miền Nam với 5-6 bị thương tưởng không qua khỏi. Sau ngày đất nước thống nhất ông chuyển ra Bắc, vì điều kiện sức khỏe yếu, ông được Bộ Công an bố trí công tác tại Nhà khách Bộ Công an.
Thiếu tướng Phan Văn Lai và đoàn BLL cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam tới thăm, trao quà cho Đại tá Nguyễn Ích Trung |
Cũng bởi trên mình mang đầy vết thương nên mỗi khi trái gió trở trời, ông luôn bị những cơn đau hành hạ. Ông Thống cho biết: mấy ngày nắng nóng rồi đột ngột rồi chuyển bão vừa qua, cơn đau ngực của ông càng trở nên dữ dội.
Được đưa cấp cứu kịp thời vào Bệnh viện, các bác sĩ phát hiện mảnh đạn ở phổi đang bị nhiễm trùng nặng, nếu không phẫu thuật kịp thời thì tính mạng khó mà qua khỏi, bởi vậy kíp trực quyết định phải phẫu thuật khẩn cấp ngay. Mặc dù vẫn còn phải nằm trên giường bệnh, sau khi vừa trải qua ca phẫu thuật cắt đi một phần phổi cách đây mấy ngày.
Thấy đồng đội tới thăm, dù sức khỏe còn yếu, nhưng ông Thống vẫn đòi ngồi dậy trò chuyện cùng mọi người. Ông Thống cho biết, ngoài mảnh đạn găm ở phổi vừa mới được các bác sĩ phẫu thuật gắp ra và cắt bỏ một phần phổi thì hiện trên cơ thể ông vẫn còn 2 mảnh đạn nữa trên đầu và một mảnh đạn ở đùi.
Tuy vết mổ chưa lành, nhưng khi thấy đồng đội tới thăm ông vẫn ngồi dậy, trò chuyện cùng mọi người rôm rả, khiến chúng tôi ai cũng thấy vui lây.
Chia sẻ về chuyến hành trình tri ân đầy í nghĩa này, Thiếu tướng Phan Văn Lai cho biết: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Ăn quả nhờ kẻ trồng cây, Tổ quốc không bao giờ quên công ơn to lớn của các thương binh, liệt sĩ”, BLL cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã coi công tác tri ân các thương binh, liệt sĩ và những người có công là việc làm đại nghĩa đối với đồng đội.
Những năm qua, BLL ngoài tổ chức Gặp mặt hàng năm với các hội viên là thương binh, thân nhân liệt sĩ, những người bị nhiễm chất độc da cam, bị địch bắt, bị tù đày vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7; BLL còn tổ chức tới thăm hỏi, động viên, trao quà, vận động các hội viên tích cực ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa nhà dột nát, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị trợ cấp những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Bên cạnh đó, BLL còn đề xuất và được Bộ Công an đồng ý Xây dựng Đài tưởng niệm các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam tại Quảng trường Học viện An ninh nhân dân; làm bia tưởng niệm, ghi danh các anh hùng liệt sĩ là cán bộ Công an chi viện trong Nhà truyền thống của Học viện An ninh nhân dân khi xây dựng xong Nhà truyền thống...
Đó là những việc làm thiết thực, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ, những gia đình chính sách mà BLL đã làm và sẽ tiếp tục làm.
“ Chúng tôi hy vọng, bằng những tình cảm chân thành và sự tri ân sâu sắc thông qua việc thăm hỏi, tặng quà và động viên các gia đình, để mỗi gia đình sẽ thêm ấm lòng trong những ngày tháng 7 lịch sử này”- Thiếu tướng Phan Văn Lai chia sẻ.