Hà Giang phong tỏa thôn; Mỹ tiếp tục chuỗi ngày bi thảm
Phong toả chặt thôn của thiếu nữ người Mông mắc COVID-19
Theo công bố của Bộ Y tế, trong ngày hôm qua (16/4) Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc COVID-19 là bệnh nhân số 268, người dân tộc Mông, 16 tuổi, trú tại bản Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Liên quan đến ca bệnh mới này, lực lượng chức năng trên địa bàn đã thiết lập 6 chốt kiểm soát toàn bộ các đường ra vào để phong tỏa thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nhằm phòng dịch lây lan Đồng thời bố trí các tổ tự quản, tổ y tế tại khu vực này.
Tuy nhiên, một thông tin đáng mừng là kết quả xét nghiệm 76 người có liên quan đến bệnh nhân này (56 người là F1 và 20 người F2) hầu hết đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 268 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 160 người từ nước ngoài và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện số người đang cách ly là 73.758 trường hợp, trong đó 369 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 11.628 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 61.761 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Thống kê tình hình COVID-19 ở Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế. |
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hôm qua đã có 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 2 người ở Quảng Ninh (BN52, BN149) và 3 người của Công ty Trường Sinh (BN168, BN188, BN231).
Ngoài ra, cũng đã có 36 ca có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 đến 2 lần. Dự kiến hôm nay sẽ có 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Thế giới chưa thể sớm qua cơn bĩ cực
Thống kê COVID-19 trên thế giới. Nguồn: Worldometer. |
Trong 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận thêm hơn 95 ngàn ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên hơn 2,18 triệu trường hợp. Với gần 7 ngàn ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do căn bệnh này hiện đã lên tới hơn 145 ngàn người.
Hiện 15 quốc gia trên thế giới có số ca tử vong trên 1.000 người, trong đó có 5 quốc gia có số ca tử vong trên 10.000 người bao gồm Mỹ và 4 nước châu Âu là Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Anh.
Mỹ vẫn là nước “dẫn đầu” về cả số ca bệnh và số ca tử vong do COVID-19. Thậm chí các con số thống kê cho thấy nước này đang “áp đảo” nhóm kế sau khi mà số ca bệnh - ca tử vong là 677.570 – 34.617 so với 184.948 – 19.315 của Tây Ban Nha, 168.941 – 22.170 của Italia, 165.027 – 17.920 của Pháp và 103.093 – 13.729 của Anh.
Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn 9.200 nhân viên y tế của Mỹ đã mắc COVID-19. Con số này có thể thấp hơn thực tế, vì hầu hết các báo cáo về các trường hợp nhiễm bệnh không ghi chú liệu người nhiễm có làm việc trong ngành y tế hay không.
Đám đông người biểu tình mang theo cả súng ra đường ở Lansing, bang Michigan, Mỹ. |
Tình hình nước Mỹ trở nên bất ổn khi mà hàng ngàn người đã tụ tập ở khu hành chính Lansing của bang Michigan ngày 15/4 cùng khẩu hiệu lên án sắc lệnh cấm ra đường đến hết ngày 30/4 nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan của thống đốc bang Gretchen Whitmer. Nhiều tuyến đường ở thủ phủ Lansing ùn tắc vì ôtô của người biểu tình không chịu di chuyển, nhiều người mang theo cả súng.
Nhật Bản cũng đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp toàn quốc về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản. Quyết định này sẽ trao cho các thống đốc các tỉnh thành quyền yêu cầu các trường học và một số doanh nghiệp đóng cửa cho đến khi kỳ nghỉ Tuần lễ vàng kết thúc vào đầu tháng 5.
Tình hình bi đát đến nỗi đã có hơn 100 nước "xếp hàng" chờ IMF cho vay tiền ứng phó dịch với đại dịch COVID-19.
Theo dự báo của IMF, nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm 3% GDP trong năm 2020, mức cao nhất kể từ cuộc "Đại khủng hoảng" vào những năm 1930, vốn là một phần nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ II. Kinh tế thế giới có thể khôi phục dần từ năm 2021, song đây là dự đoán không chắc chắn bởi còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch.