Có một Công Phượng khác
- Lứa đàn em không bằng Công Phượng?
- Thầy Giôm và lớp đàn em Công Phượng...
- "Kiểu rê dắt của Công Phượng phù hợp với... đá gôn tôm"
- Công Phượng: Đừng cúi mặt xuống sân như thế!1
- Công Phượng & “áp lực ngàn cân”
- U22 Việt Nam 1-0 Ngôi sao K-League: Chơi đẹp, thắng xứng đáng
Trận đấu ấy có một tình huống U.22 Việt Nam cướp bóng phản công nhanh. Phượng là người bắt đầu nhịp phản công ấy. Dưới anh là một cầu thủ và bên cạnh anh là hai cầu thủ khác.
Nếu theo thói quen vốn có của mình trước đây, chắc chắn Phượng sẽ cúi mặt, chỉ nhìn thấy quả bóng, và sẽ dùng mọi bản năng cá nhân để cố gắng cầm bóng, loại bỏ cầu thủ đối phương để hướng về càng gần khung thành đối phương càng tốt. Nhưng lần này thì khác hẳn.
Phượng đỡ gọn gàng, nhả rất nhanh trái bóng cho cầu thủ phía dưới mình rồi di chuyển mau lẹ lên trên. Sau đó bóng tấn công của U.22 Việt Nam cũng được đập - nhả rất nhanh, và kết thúc bằng một cú sút khá nguy hiểm. Đấy là một pha phản công rất cơ bản, và cái cách mà các cầu thủ U.22 Việt Nam phối hợp đơn giản, ít chạm với tốc độ nhanh nhất có thể là rất đúng với những gì mà lý thuyết bóng đá chỉ ra.
Nhưng để có thể đá đúng như bài vở, thay vì sa đà vào một thứ bóng đá mang nặng tính chủ nghĩa cá nhân rườm rà, Công Phượng có lẽ đã phải trải qua cả một cuộc cách mạng.
Công Phượng (trái) đang dần thay đổi một cách tích cực. |
Cuộc cách mạng ấy một phần đến từ HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng, khi trong khoảng 2 năm trở lại đây ông Thắng liên tục đề nghị Công Phượng đá nhanh, đá đơn giản. "Đá đơn giản đi Phượng" - đấy là câu nói mà HLV Hữu Thắng thường đưa ra trong các buổi tập.
Một phần quan trọng khác đến từ sự góp ý của giới quan sát và các nhà chuyên môn. Nói như chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế thì Công Phượng là một cầu thủ có kỹ thuật nhưng chưa biết lúc nào thì nên sử dụng kỹ thuật tạo đột biến, lúc nào nhất định phải phối hợp nhanh, đơn giản, hiệu quả với các đồng đội xung quanh.
Những gì thể hiện trong trận đấu giao hữu với các ngôi sao Hàn Quốc và trước đó là trận đấu với U.22 Hàn Quốc trong khuôn khổ vòng loại U.23 châu Á 2018 cho thấy rõ ràng, Công Phượng đã biết lắng nghe, và bước đầu thay đổi.
Nhưng sự thay đổi ấy có lẽ không chỉ đến từ một quá trình nhận thức chuyên môn đơn thuần. Trong câu chuyện này, bên cạnh vấn đề chuyên môn có lẽ còn là vấn đề tinh thần, tư tưởng.
Suốt thời gian dài vừa qua, Công Phượng được coi như một đội trưởng nghiễm nhiên, tất yếu của Đội tuyển. Chiếc băng đội trưởng cộng với sự quan tâm đặc biệt của truyền thông, dư luận khiến Công Phượng bị mang cái áp lực của "một cầu thủ đặc biệt". Là "cầu thủ đặc biệt" nên mỗi khi có bóng cũng phải luôn cố làm được một điều gì đó "thật đặc biệt".
HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng nhận xét rất đúng rằng chính điều này đã làm hại Phượng. Ông nói với bảo giới: "Mà chẳng riêng gì Công Phượng, bất cứ cầu thủ nào vào sân mà phải mang tâm lý cố chứng tỏ bản thân mình luôn rất khó đá".
Thế nên ông Thắng đã có những buổi nói chuyện riêng, mang tính chất tâm sự với cậu học trò cưng của mình. Ông bảo Phượng: "Hãy thoải mái chơi bóng, mà không phải cố chứng tỏ bất cứ điều gì". Rồi ông cũng trao băng đội trưởng cho các cầu thủ khác, thay vì cứ nhất nhất khoác nó lên cánh tay Công Phượng.
Sự cởi bỏ về tâm lý rõ ràng đã giúp Phượng trở thành một Công Phượng khác. Một Công Phượng đơn giản và đồng đội hơn. Một Công Phượng biết lúc nào thì nên phối hợp, lúc nào thì nên tạo đột biến cá nhân. Mong là một "Công Phượng mới", chứ không phải một "Công Phượng rườm rà" sẽ tiếp tục thể hiện được mình ở sân chơi SEA Games 29 - sân chơi quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam năm 2017.
HLV Nguyễn Hữu Thắng lo khâu dứt điểm Trao đổi với báo giới trước chuyến tập huấn quan trọng tài Hàn Quốc, HLV trưởng Đội tuyển U.22 Quốc gia Nguyễn Hữu Thắng cho biết một trong những vấn đề ông lo ngại nhất chính là khâu dứt điểm của hệ thống tấn công. Trong trận giao hữu với các ngôi sao đến từ giải vô địch quốc gia Hàn Quốc mới đây, một mình tiền đạo cắm Hà Đức Chính đã bỏ lỡ tới 3 cơ hội ngon ăn chỉ trong khoảng 15 phút. Không riêng gì Đức Chính, những cầu thủ khác cũng bỏ lỡ cơ hội trong những tình huống mà ông Thắng bảo là "đá vào trong dễ hơn đá ra ngoài". Nhà cầm quân này cho biết lý do một phần nằm ở tâm lý nóng vội khi dứt điểm, nhưng phần quan trọng nằm ở độ nhạy bén chưa cao của các cầu thủ, và ông hy vọng cả hai vấn đề này sẽ được giải quyết trọn vẹn trong 10 ngày tập luyện cuối cùng ở Hàn Quốc tới đây. Tuấn Thành |
Tập huấn 10 ngày tại Hàn Quốc Đêm muộn hôm qua các thành viên của U.22 Việt Nam đã đáp chuyến bay từ Hà Nội tới Hàn Quốc, chính thức bước vào chu kỳ tập luyện nước rút 10 ngày. HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết trong 10 ngày đó U.22 Việt Nam sẽ đá giao hữu 2 trận với lần lượt các CLB mạnh của Hàn Quốc là Mokpo City và Busan, và đây sẽ là cơ hội cuối cùng để 24 cầu thủ thể hiện khả năng trước khi ban huấn luyện chốt danh sách 20 cầu thủ cuối cùng tham dự SEA Games. Trưa 10-8, U.22 Việt Nam sẽ bay thẳng từ Hàn Quốc tới Malaysia, chính thức bước vào chiến dịch chinh phục huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games 29. Ngọc Anh |