Công Phượng: Đừng cúi mặt xuống sân như thế!

Thứ Ba, 04/04/2017, 09:16
Phượng hay không? Hay chứ! Nếu không, làm sao có thể trở thành thủ lĩnh của một lứa U.19 đầy hy vọng? Nếu không, làm sao được chọn đóng quảng cáo cho một số thương hiệu lớn! Trong lứa của mình, đến tận lúc này, chắc chắn Phượng vẫn là gương mặt nổi nhất và đáng chú ý nhất.


Nhưng khi xem Phượng đá hiệp 1 trận Hoàng Anh Gia Lai - Quảng Nam ở vòng 11 V.League cuối tuần qua, nhiều người thấy bực mình quá thể. Một cổ động viên ruột của Hoàng Anh, tên Trịnh Thành Công chia sẻ với chúng tôi: "Ngồi xem trực tiếp trên sân Pleiku, thấy có nhiều tình huống nếu phối hợp cùng đồng đội thì có rất nhiều cơ hội ngon ăn. Vậy mà Công Phượng vẫn rất cá nhân. Có rất nhiều người hâm mộ xung quanh tôi đã nói: Cứ đá kiểu thế này, Phượng không bao giờ trở thành cầu thủ lớn". 

Cần nói rõ thêm, "đá kiểu thế này" có nghĩa là cứ cúi mặt xuống sân, nhất nhất tìm cách rê dắt bóng, đột phá vào hàng phòng thủ đối phương, chứ không chịu chuyền ban, phối hợp cùng đồng đội. 

Nếu xung quanh không có đồng đội, hoặc đồng đội đứng không hợp lý đã đành, đằng này rất nhiều tình huống, những Văn Thanh, Văn Toàn, Hồng Duy... đứng trống trải, chỉ đợi Công Phượng chuyền bóng là xâm nhập khu cấm địa đối phương, tạo ra những cơ hội ăn bàn mười mươi. 

Công Phượng (bìa phải) khi trở lại CLB đá thi đấu cá nhân quá đà.

Cái cách Công Phượng cúi mặt xuống sân, chỉ nhìn vào quả bóng và chỉ tìm cách rê dắt cá nhân, phục vụ mục đích của bản thân mình rõ ràng là bất ổn.

Thực tế xưa nay, cũng có những lần Công Phượng tạo đột biến từ những tình huống cúi mặt - rê dắt bóng như thế, mà rõ nhất là bàn thắng vào lưới U.19 Australia tại giải vô địch U.19 Đông Nam Á 2014. Trước thềm SEA Games 28 (năm 2015), trong một trận giao hữu của Đội tuyển U.23 Việt Nam với U.23 Myanmar trên sân Quảng Ninh, Công Phương cũng lại ghi bàn từ một pha bóng đặc sệt tính cá nhân này. 

Có nghĩa, nói một cách hình ảnh thì cứ 10 lần đi bóng, kể ra cũng có 1,2 lần Công Phượng ăn bàn. Nhưng thứ nhất, tỷ lệ "10 ăn 1" rõ ràng là một tỷ lệ thấp. Phượng không có đôi chân siêu việt như Messi - một Messi thực thụ, chứ không phải "những Messi Đông Nam Á" để có thể tạo ra một tỷ lệ tốt hơn từ thứ bóng đá ích kỷ của mình. 

Và thứ hai, trong bóng đá hiện đại, cầu thủ khôn ngoan phải là người biết lúc nào thì cầm bóng tạo đột biến, lúc nào thì phối hợp, chia bóng cùng đồng đội. Nhưng có vẻ Phượng chưa ý thức rõ, hoặc chưa đủ "chín" để rõ điều này.

Vậy vai trò của HLV, những người ở gần Công Phượng nhất, và có trách nhiệm với "đôi chân" Công Phượng nhất, ở đâu rồi? Khi Phượng lên khoác áo Đội tuyển Quốc gia, trong các buổi tập nội bộ của Đội tuyển, người ta thường xuyên nghe thấy HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng hò hét: "Đá đơn giản đi Phượng ơi". 

Đá đơn giản - đấy là một mệnh lệnh mà ông Thắng dành cho Phượng. Thực tế, những trận đấu vừa qua của Đội tuyển, Phượng đã đá đơn giản hơn so với chính Phượng rất nhiều. Trước đó, trong màu áo của Đội tuyển U.23 Quốc gia, Công Phượng cũng được HLV người Nhật Toshiya Miura giáo dục nhiều về tinh thần bóng đá đơn giản. 

Cần nhấn mạnh: đơn giản, chứ không phải tối giản. Đơn giản hiểu theo nghĩa cần phải liên lạc, phối hợp với đồng đội nhiều hơn, nhưng khi có cơ hội, vẫn được thể hiện những khoảnh khắc sáng tạo của cá nhân mình. 

Vấn đề là bây giờ, khi quay về CLB chủ quản Hoàng Anh Gia Lai, căn bệnh "rê dắt quá đà" của Phượng lại phát tác. Rất có thể HLV trưởng Hoàng Anh – Gia Lai cho phép Phượng được đá cá nhân, kể cả khi đấy là thứ bóng đá... cá nhân tiêu cực. Câu hỏi đặt ra: thứ bóng đá cá nhân tiêu cực ấy có làm hại cuộc đời cầu thủ Công Phượng hay không?

Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với một chuyên gia bóng đá uy tín (đề nghị giấu tên) thì câu trả lời nhận lại là: để trở thành một cầu thủ lớn, nhất thiết phải học cách đá bóng bằng đầu, chứ không thể mãi đá bằng năng khiếu cá nhân. Chúng tôi nghĩ cụ thể hơn: để có thể đá bóng bằng đầu, Phượng phải học cách ngẩng mặt lên, nhìn ra xung quanh và cảm nhận xung quanh mình trước đã.

Cảm nhận xung quanh, thay vì luôn cúi mặt xuống nhìn chân, và thấy cả một thế giới như đang co lại dưới chân mình!

Trọng tài thừa nhận sai trong chiến thắng của Hoàng Anh Gia Lai

Phút 54 trận Hoàng Anh Gia Lai - Quảng Nam ở vòng 11 V.League, Công Phượng sút bóng đập xà ngang bật ra, Ngọc Quang đứng cận gôn, sút bồi vào lưới trống. 

Ngay lập tức, các cầu thủ Quảng Nam phản ứng dữ dội vì cho rằng Ngọc Quang đã ở vào thế việt vị, nhưng giám biên Phan Việt Thái khẳng định: "Đấy là tình huống ghi bàn hợp lệ". 

Tuy nhiên, sau khi trận đấu kết thúc, xem lại tình huống này qua truyền hình, trọng tài Phan Việt Thái đã thừa nhận sai lầm và khẳng định: "Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm". 

Thông tin từ Ban trọng tài Quốc gia cho hay, chắc chắn ông Phan Việt Thái sẽ bị phạt nặng. Có thể nói, nhờ sai lầm của vị giám biên này mà HA.GL đã giành được một trận thắng quý giá sau 3 trận liền đánh đâu thua đấy.                                                                        

Tuấn Thành    

Lời "điểm huyệt" của Miura

Ngày Công Phượng sang Nhật chơi bóng, cựu HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam - thầy Nhật Toshiya Miura đã nhận xét rất thẳng thắn rằng: "Phong cách đá bóng của Công Phượng không thật phù hợp với bóng đá Nhật".

Ông Miura từng kể với phóng viên Việt Nam rằng ở Nhật, từ cấp độ CLB đến cấp độ các đội tuyển quốc gia, một thứ bóng đá nhanh, nhuyễn, di chuyển nhiều luôn được đặt lên hàng đầu. Và theo đánh giá của ông thì đấy là xu thế phát triển tất yếu của bóng đá hiện đại. Ai không hợp với xu thế này rất dễ lạc hậu hoặc lạc dòng chảy chung.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.