Nhiều cách làm hiệu quả góp phần giữ bình yên địa bàn

Thứ Hai, 19/06/2017, 09:22
Từ những kết quả đạt được của mô hình “3 giảm, 4 giữ”, năm 2011, chính quyền tỉnh Hà Nam đã quyết định triển khai nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn tỉnh.


Trực tiếp xuống phường Lương Khánh Thiện, phường Minh Khai thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam - hai địa bàn được lựa chọn là “chiếc nôi” của mô hình “3 giảm, 4 giữ”, chúng tôi mới hiểu vì sao cấp ủy, chính quyền thành phố đã quyết định chọn 2 địa bàn này để xây dựng và thí điểm triển khai mô hình.

Hơn 10 năm về trước, trước thời điểm mô hình được xây dựng và triển khai, 2 địa bàn này vốn được xem là phức tạp nhất về tội phạm và tệ nạn, nhức nhối nhất là tệ nạn ma túy.

Theo chân Trung úy Đỗ Đình Thái, Cảnh sát khu vực và bác Đỗ Trọng Khoa, Trưởng ban Bảo vệ dân phố, chúng tôi tới thăm gia đình anh Hoàng Thế Bình, ở tổ 4, phường Lương Khánh Thiện, trong lúc cả nhà đang tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều.

Vừa nhìn thấy người quen, anh Bình và các thành viên đều dừng tay, đon đả đón khách. Với gia đình này, anh Thái, bác Khoa vốn chẳng xa lạ gì.

Tuổi trẻ bồng bột bị bạn xấu lôi kéo, anh Bình vướng vào nghiện ngập ma túy, rồi bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy với bản án 30 tháng tù.

Anh Bình tâm sự, có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình thì chính nhờ sự quan tâm, gần gũi, giúp đỡ động viên của anh Thái, bác Khoa, các cán bộ Công an phường cùng bà con lối phố đã giúp anh cởi bỏ mặc cảm, đứng dậy làm lại từ đầu.

Cũng giống như anh Bình, anh Nguyễn Trung Hiếu, ở tổ 2, phường Lương Khánh Thiện, cũng nghiện ma túy gần 6 năm trời, trong khi bao nhiêu tài sản trong nhà đều lần lượt đội nón ra đi. Khuyên chồng chẳng được, vợ anh chán nản bỏ đi để lại cho anh con thơ và người mẹ già, khiến cuộc sống của anh càng rơi vào bế tắc.

Biết được hoàn cảnh, CBCS Công an phường cùng bà con dân phố đã tích cực gần gũi động viên, giúp anh cai nghiện thành công, lại giúp anh tìm kiếm việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, tự nuôi bản thân và chăm lo gia đình.

Lực lượng Công an xã Thanh Sơn trao đổi với dòng họ Phạm Mạc về công tác giáo dục con em trong dòng họ không mắc tệ nạn xã hội.

Ghé vào tổ dân phố số 5,  phường Minh Khai, thăm hộ gia đình bác Bạch Công Trình, nghe bác Trình hào hứng kể chuyện cùng người dân vây bắt trộm khiến chúng tôi cũng thấy vui lây. Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng khi nghe hàng xóm hô hoán truy đuổi đối tượng trộm cắp xe máy, bác vẫn hăng hái cùng mọi người đuổi theo, truy bắt đến cùng.

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Công an phường Minh Khai cho hay, ngay sau khi  mô hình “3 giảm, 4 giữ” được phát động, với sự hăng hái vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể và quần chúng nhân dân, tình hình ANTT tại phường Minh Khai đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Tỷ lệ tội phạm giảm dần theo từng năm, từ 18 vụ năm 2013 xuống còn 12 vụ năm 2015; số đối tượng nghiện mới không phát sinh, bà con lối phố sống chan hòa tình cảm...

Từ những kết quả đạt được của mô hình “3 giảm, 4 giữ” ở phường Minh Khai và phường Lương Khánh Thiện, năm 2011, Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Hà Nam đã quyết định triển khai nhân rộng mô hình “3 giảm, 4 giữ” ra địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, 100% xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp đã xây dựng thành công mô hình này.

Hiệu quả nhận thấy rõ nét nhất chính là ý thức tự bảo vệ tài sản của bản thân và những người xung quanh; bảo vệ con em, người thân trong gia đình trước các tệ nạn xã hội được nâng cao và đặc biệt là hàng xóm, láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, tạo nên mạng lưới bảo vệ hiệu quả trước những vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT ở địa phương.

Đến nay, đã có trên  80% xã, phường, thị trấn; 86% cơ quan, doanh nghiệp, trường học và gần 85% khu dân cư đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”. Phạm pháp hình sự trong toàn tỉnh giảm 3,3%. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí...

Để có được những kết quả ấn tượng ấy, một trong những câu hỏi khiến chúng tôi không khỏi tò mò đó là tại sao mô hình “3 giảm, 4 giữ” có sức lan tỏa sâu rộng đến ý thức cộng đồng dân cư như vậy? Và chẳng có lời giải đáp nào sinh động hơn bằng chính mắt được “mục sở thị” một buổi sinh hoạt cộng đồng ở tổ dân phố số 2, phường Lê Khánh Thiện. 

Hỏi về mô hình “3 giảm, 4 giữ”, bất kỳ ai cũng đều dễ dàng diễn giải vanh vách về tiêu chí nội dung của mô hình. Mọi người nhắc nhở nhau cùng phấn đấu, vì bình yên của mỗi gia đình, bình yên chung của toàn cộng đồng.

Chẳng riêng gì buổi sinh hoạt tổ dân phố số 2, phường Lương Khánh Thiện, ngay như một buổi sinh hoạt tập thể của Hội phụ nữ phường Minh Khai, thì nội dung của mô hình “3 giảm, 4 giữ” cũng được các bà, các mẹ khéo léo lồng ghép các nội dung tuyên truyền bên cạnh truyền đạt những nội dung của công tác hội...

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Trương Minh Côn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam bộc bạch: Việc triển khai thực hiện mô hình được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tạo được chuyển biến về nhận thức tư tưởng và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân tham gia.

Qua 5 năm triển khai, nhân rộng mô hình, các vụ phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều giảm trung bình từ 3 đến 5%; nhiều địa phương không xảy ra trọng án, không có người chết về tai nạn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị được đảm bảo… Con số đó đã chứng minh hiệu quả mô hình “3 giảm, 4 giữ”.

Không dừng lại ở đó, từ mô hình “3 giảm, 4 giữ” nhiều địa bàn trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, chuyên đề, cuộc vận động quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở địa bàn cơ sở thiết thực, hiệu quả, như: mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” của huyện Kim Bảng, “Tổ an ninh tự quản ngõ xóm” của huyện Lý Nhân, “Liên kết an toàn về ANTT” của các huyện Kim Bảng, Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên với các huyện giáp ranh của Hòa Bình, Hưng Yên và TP Hà Nội.

Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình “3 giảm, 4 giữ” tại Hà Nam đã khẳng định chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, có tác dụng thiết thực. 

Qua đó, đã giúp cho công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội có chiều sâu hơn trước; phát huy được tính tích cực, tự giác của người dân tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở.

Tâm Minh
.
.