Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo và quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được xây dựng, duy trì và có bước phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, khu vực, lĩnh vực và địa bàn dân cư, kết hợp chặt chẽ và cùng phát triển với các phong trào cách mạng khác do Đảng, Nhà nước, ban, ngành, đoàn thể phát động.
Hội nghị triển khai Chỉ thị của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. |
Ở mọi thời kỳ, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo về công tác này.
Công an các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt tích cực, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo và tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT thu được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở được các cấp, các ngành chú trọng hơn trước. Nhiệm vụ giữ vững ANTT xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo, tổ chức thực hiện gắn với xây dựng lực lượng Công an xã; công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác dân vận của lực lượng Công an tiếp tục được nâng cao về chất lượng, hiệu quả; công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng được thực hiện sâu rộng đã phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ ANTT, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại địa bàn các tỉnh biên giới, miền núi, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng Công an chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam thăm hỏi động viên lực lượng bảo vệ dân phố Thủ đô. |
Tại các địa bàn địa bàn tập trung đồng bào tôn giáo, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, tổ chức huy động các tổ chức tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Công an các địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tự giác thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng, chống cháy, nổ, xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, các ngày lễ kỷ niệm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021... Đến nay, Công an 30 địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước bên cạnh những điều kiện thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội đều diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề mới trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam trao bằng khen của Bộ Công an cho quần chúng có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. |
Tình hình và yêu cầu nhiệm vụ đó đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là cơ sở để xây dựng thế trận an ninh nhân dân và nền an ninh nhân dân vững chắc.
Nội dung, phương pháp, biện pháp tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng cần không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong từng giai đoạn, thời kỳ; phải đảm bảo thiết thực, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng lĩnh vực và từng chuyên đề. Mọi chủ trương, biện pháp, kế hoạch vận động toàn dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng khác trước hết phải hợp lòng dân, vừa sức dân, phù hợp với lợi ích của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu của đời sống nhân dân.
Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cần được tiến hành theo hướng xã hội hóa ngày càng cao; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.
Đi dân nhớ ở dân thương. |
Cần chú trọng công tác tuyên truyền để nhân dân được thông tin kịp thời, thường xuyên về tình hình an ninh, trật tự để tự mình phòng ngừa, cảnh giác và vận động mọi người cùng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Đồng thời, phải coi trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm hay trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá chất lượng các mô hình, nhân rộng kinh nghiệm mô hình hoạt động hiệu quả, tìm chọn xây dựng những mô hình mới phù hợp.
Lực lượng Công an nhân dân cần tăng cường phối hợp với với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mỗi ngành, đoàn thể cần quan tâm chỉ đạo triển khai các phong trào, mô hình phù hợp với tính chất, đặc điểm của ngành mình, tổ chức mình để vận động cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự...
Các hoạt động của phong trào phải được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, gắn với cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước và chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng đơn vị, địa phương, trong đó chú trọng “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Quần chúng hỗ trợ lực lượng Công an bắt tội phạm. |
Các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội; phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, trưởng xóm,... trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên hội viên và nhân dân.
Lựa chọn những người có năng lực phẩm chất tốt để bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Quan tâm bồi dưỡng chính trị, chuyên môn để cán bộ cơ sở có đủ năng lực làm nòng cốt tổ chức thực hiện phong trào. Tăng cường đầu tư ngân sách và thực hiện “xã hội hóa” nguồn kinh phí để hỗ trợ, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các lực lượng nòng cốt ở cơ sở.