Những diễn biến bất thường của bệnh sốt xuất huyết

Thứ Ba, 13/08/2019, 08:13
Nếu tính từ đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 105.000 ca SXH, và số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH thì công tác truyền thông đã làm tới mức người dân thuộc lòng, đó là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra và có thể lây truyền cho cả trẻ em và người trưởng thành.


Bài 1: Triệu chứng lạ trên ca bệnh nặng

Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn ngày càng phức tạp, số ca mắc và số trường hợp tử vong do SXH vẫn gia tăng. Qua trao đổi với PV báo CAND, Tiến sĩ Phan Tứ Quý-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTC- CĐ) trẻ em - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh phân tích có 4 biểu hiện bất thường, có thể coi là “ thể lạ” trên lâm sàng ở 1 số ca SXH nặng. Trong đó, có những biểu hiện thậm chí trong y văn chưa ghi nhận.

Nếu tính từ đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 105.000 ca SXH, và số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH thì công tác truyền thông đã làm tới mức người dân thuộc lòng, đó là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra và có thể lây truyền cho cả trẻ em và người trưởng thành.

Quá trình truyền nhiễm được hình thành khi muỗi vằn đốt người bệnh, virus trong máu người bệnh sẽ truyền sang tế bào muỗi. Khi bị đốt, muỗi sẽ truyền virus sang cơ thể người bị đốt... Thế nhưng, cứ đến hẹn lại lên, mùa mưa tại phía Nam vẫn là mùa SXH. Là thời điểm lý tưởng cho bùng phát SXH do độ ẩm tăng cao, thuận lợi cho trứng muỗi phát triển thành bọ gậy (lăng quăng) trong môi trường.

Thực tế các ca mắc bệnh SXH thì ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở người trưởng thành chủ quan, không đến các cơ sở y tế dẫn đến tử vong do SXH.

Nhiều ca bệnh nhi SXH nặng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

BS Quý cho biết, hiện khoa HSTC-CĐ của BV này vẫn trong tình trạng quá tải kéo dài suốt từ tháng 6-2019 tới nay và chưa có hấu hiệu “hạ nhiệt”. Tuy mới chỉ có 1 bệnh nhi tử vong (tại Khoa) do SXH nhưng với các BS đó là một áp lực rất lớn.

Cho tới ngày 9-8, vẫn có 11 bệnh nhi SXH nặng đang nằm tại đây. BS cũng khẳng định, phác đồ điều trị của Bộ Y tế về SXH đã được tập huấn rất kỹ cho các bệnh viện, tuy nhiên, vẫn có nhiều ca bệnh tới trễ.

Đặc biệt, không có ca nào điều trị sai phác đồ nhưng năm nay trong diễn tiến lâm sàng các ca bệnh SXH nặng được đưa tới BV Bệnh Nhiệt Đới, có nhiều bất thường khiến các BS phải vất vả để đối phó. Trong đó có 4 biểu hiện bất thường, gồm: Vào “sốc” sớm; suy gan; thoát dịch (gây viêm cơ tim, viêm màng tim) và vào “sốc” trễ (sốc kéo dài).

Bất thường 1: Nếu như cách đây 1-2 năm, bệnh nhân SXH tới ngày thứ 5-6 thì mới vào sốc. Năm nay “lạ” một điều là có ca vào ngày thứ 3 đã vào sốc. Do bệnh nhân có tình trạng này, nên thời gian buộc phải truyền dịch nhiều, thời gian điều trị lâu, dẫn tới nguy cơ nhiều biến chứng. Truyền dịch nhiều cũng dễ bị nguy cơ suy hô hấp. Truyền nhiều cũng là nguy cơ gây thoát dịch ngoài cơ thể.

Bất thường 2: SXH gây suy gan. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều ca SXH người lớn năm nay. Có những ca khi vào viện người bệnh đã vàng da, vàng mắt, men gan tăng lên trên 10.000. Hầu hết khi nhận người bệnh SXH như vậy, các BS đều rất áp lực. Vì tiên lượng khó cứu.

Người bình thường men gan 30-40. Nếu có chút “bất thường” men gan sẽ lên 100-200. Vì vậy, các trường hợp men gan như trên được điều trị như trường hợp “hôn mê gan”. Việc chữa trị bằng bù nước, thuốc men nhưng: “Dù có ca phải lọc máu liên tục, nhưng vẫn nặng, khó cứu do suy gan, suy thận. Hoặc có cứu được cũng phải điều trị lâu dài”.

Cuối tháng 6-2019, 1 ca bệnh nhi bị SXH - suy gan rất nặng mà họ đã cứu sống được. Trong đó, men gan của bé này tăng tới gần 10.000, gây suy thận. Các bác sĩ đã phải tích cực chống sốc và lọc máu, đặt máy thở tích cực, lọc máu liên tục. Sau hơn 1 tuần họ đã mừng rỡ vì cứu sống được bé.

Bất thường 3 - SXH thoát dịch (rất nguy hiểm vì gây viêm cơ tim, viêm màng tim). Theo BS Quý, bản chất của căn bệnh SXH là gây “thoát dịch” qua các con đường thoát tự nhiên của con người như: qua đường thở - phổi, hô hấp, tiêu hoá, mạch máu.

Do vậy, khi SXH gây thoát dịch (trong ổ bụng, trong phổi, hay trong màng tim) đều vô cùng nguy hiểm. Cơ thể bình thường thì trong cơ quan nội tạng con người không có dịch, nay virus SXH hoành hành, gây có dịch trong ổ bụng, sẽ làm nội tạng bị ảnh hưởng, có không ít ca bị gây suy thận, suy tim. Năm 2018 có 1 ca bệnh nhi SXH tử vong tại khoa do nguyên nhân sốc điện giải, thoát dịch gây chèn ép cơ tim,  chèn ép màng phổi và màng tim.

Các biện pháp điều trị thông thường không đáp ứng điều trị. Năm nay khoa cũng “đau đớn” vì 1 ca (15 tuổi, nữ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bị chèn ép tim do sốc SXH làm tràn dịch màng tim. Trường hợp bé này các bác sĩ đã cố gắng hồi sức tích cực, theo dõi 24/24 nhưng sau 3 ngày bé vẫn tử vong.

Hiện, trong 11 ca đang nằm trong khoa, các bác sĩ cũng khá lo lắng với 1 bé đã có triệu chứng suy hô hấp thoát dịch, chèn ép phổi. Cũng theo phân tích của BS Quý, có một số ca năm nay SXH kèm viêm cơ tim. Những năm trước đây, với các trường hợp SXH viêm cơ tim thì đa số khó cứu.

Năm 2018, khoa cũng tiếp nhận 1 bệnh nhi  SXH gây viêm cơ tim và đã phải gửi sang BV Chợ Rẫy áp dụng kỹ thuật chạy máy ECMO (lọc máu tuần hoàn ngoài cơ thể). Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhi vẫn tử vong do sốc nhiễm trùng.

Cũng theo số liệu của BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2019 tới nay BV đã tiếp nhận, điều trị 7.218 ca SXH (trẻ em là 1.317 ca), 2 ca tử vong. Riêng từ đầu tháng 6-2019 tới nay, BV tiếp nhận điều trị 2.766 ca SXH (549 ca trẻ em). Tại Khoa HSTC - CĐ trẻ em của BV, họ đã  phải căng mình làm việc từ tháng 6, và hầu như trong suốt 30 ngày của tháng 7. Trong khoa luôn có 5-10 bé bị SXH nặng nằm. Hiện, trong khoa cũng đang điều trị cho 11 bệnh nhi bị SXH nặng. Khoa có 10 giường, nhưng phải lo cho 17 bệnh nặng gồm: 11 bệnh nhi SXH (đa số từ 12-15 tuổi); có 4 ca béo phì, bệnh nặng và 6 ca bị bệnh khác cũng phải nằm hồi sức. Do vậy, có một số em phải nằm băng ca.

Ngoài ra, bất thường thứ 4 là “vào sốc trễ”, hay “sốc kéo dài”. Trong 11 ca bệnh Nhi đang nằm, có 2 trường hợp vào sốc trễ. Thông thường SXH, bệnh nhân vào sốc ngày thứ 4, nhưng, năm nay xuất hiện các bệnh nhân vào sốc (ngày thứ 6). Tình trạng này dễ chủ quan cho rằng, đã vào ngày thứ 6 của bệnh SXH, là đã qua giai đoạn nguy hiểm, nhưng thực chất bệnh nhân đang ở lúc nguy hiểm nhất. 

Theo BS Quý: “Trong các bất thường của ca bệnh nặng SXH năm nay, thì tình trạng vào sốc sớm, thoát dịch nhanh, chèn ép cơ tim, chèn ép màng tim là rất khó cứu. Đều là những biểu hiện rất bất thường mà Y văn SXH chưa từng ghi nhận”.

Được biết, mới đây nhất, Bộ Y tế cũng đã gửi tới các BV thông báo về việc điều chỉnh một số bước trong Phác đồ điều trị bệnh SXH. Đặc biệt là việc điều chỉnh về thời điểm truyền dịch nhiều hay ít cho bệnh nhân.

Ngoài ra, cũng theo BS Quý, cũng xuất hiện 1 số ca rơi vào tình trạng sốc kéo dài. Sau điều trị 6 tiếng, chưa ra sốc, huyêt áp, nước tiểu, chỉ số xét nghiệm… chưa ổn định, đều được coi là những ca bất thường. Với những ca này, tim mạch chắc chắn bị ảnh hưởng; hoặc được chỉ định truyền dịch mãi mà cũng không bù nước nổi.

Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.