Áp dụng Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi: Lúng túng chờ hướng dẫn

Thứ Bảy, 12/12/2015, 08:59
Theo kế họach, ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Ngày triển khai thi hành luật đã cận kề, tuy nhiên các đơn vị có nhiệm vụ thực thi lẫn tuyên truyền đều tỏ ra lúng túng.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh bức xúc cho rằng, những người làm công tác bảo hiểm xã hội như ông đang mắc kẹt giữa nhu cầu của người dân với quy định mới và không biết phải ứng xử như thế nào.

Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, việc tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc phải theo hộ gia đình. Quy định này lẽ ra phải thực hiện từ năm 2015 nhưng vì thời điểm này bất khả thi nên đã tạm thời được điều chỉnh. Sau 1 năm, tình hình vẫn không có gì khả quan hơn. Lý do là rất nhiều hộ gia đình không đủ khả năng mua bảo hiểm cho tất cả các thành viên hoặc không muốn mua bảo hiểm cho tất cả các thành viên. Việc mua bảo hiểm y tế thường chỉ được ưu tiên dành cho những người già, người có sức khỏe yếu, đang mang bệnh…

Hiện tại, thời gian gia hạn cho bảo hiểm y tế năm 2015 chỉ còn hơn chục ngày. Người dân liên tục yêu cầu cơ quan bảo hiểm bán, gia hạn bảo hiểm cho năm 2016. Nếu tiếp tục duy trì hình thức vừa cho người dân tham gia bảo hiểm y tế riêng lẻ từng cá nhân, vừa tuyên truyền, động viên các hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế cho mọi thành viên như năm trước, người làm bảo hiểm e ngại năm 2016, Nhà nước sẽ không tiếp tục “du di” như năm 2015. Lúc đó, người làm công tác bán bảo hiểm y tế không biết lấy đâu ra kinh phí để đền. Ngược lại, nếu không gia hạn mới, không cấp bảo hiểm y tế mới, những người làm công tác này cũng bị phê bình không nhẹ…

Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Minh Hiếu khẳng định, với các hộ dân sống bằng nông, lâm, ngư nghiệp, việc mua bảo hiểm y tế bắt buộc theo hộ gia đình sẽ khó thuyết phục và cần phải có những lộ trình nhất định. Việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cũng cần được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể bằng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, kể cả văn bản hướng dẫn sau Thông tư. Nhưng, hiện nay, chúng ta mới chỉ có Nghị định. Thông tư hướng dẫn vẫn đang chờ. Chưa kể, đội ngũ thực thi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cũng cần được tập huấn, nắm bắt và có những tài liệu chuẩn mực, song đến nay vẫn chưa có một kế hoạch nào cụ thể cho các hoạt động này.

Quá tải trong các bệnh viện là một trong những lý do khó “phủ sóng” bảo hiểm y tế toàn dân.

Đó là chưa kể, các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đang quá tải. Người bệnh sử dụng dịch vụ, trả phí còn phải chờ đợi mỏi mòn. Người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế càng phải chờ lâu hơn. Như thế, càng khó thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm y tế cả hộ gia đình…

Việc triển khai thực thi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng đang gặp nhiều lúng túng là chia sẻ chung của hầu hết các đại biểu đại diện các sở, ngành, tổ chức, đơn vị sử dụng lao động trong buổi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 11-12 tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu thắc mắc, nếu tính bảo hiểm xã hội theo quy định mới, người nghỉ hưu sau không được hưởng lợi bằng người nghỉ hưu sớm hơn, có thể thấp hơn đến 10%.

Quy định mới tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng. Với lao động nữ, sau mỗi  năm, lương hưu được tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%. Tuổi hưu của lao động nữ là 55. Nếu áp mức tính như trên, khó có ai được hưởng mức tối đa 75% theo quy định. Công tác thu – đóng bảo hiểm theo quy định mới cũng gặp khó bởi nhiều quy định chưa cụ thể, rõ ràng…

Đại diện Mặt trận Tổ quốc, ông Võ Văn Thiện cũng cho rằng, mặc dù lực lượng có thể tham gia tuyên truyền nhiều, rộng khắp nhưng cán bộ mặt trận tham gia tuyên truyền nhiều lĩnh vực cùng lúc. Nếu không trang bị tài liệu, không tập huấn, tìm hiểu, khó tuyên truyền thuyết phục người dân. Cho đến nay, tài liệu cho cán bộ mặt trận cũng chưa hề thấy…

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ vẫn còn cần tiếp tục… sửa đổi trong những năm sắp tới để phù hợp với những thay đổi của xã hội. Việc tính lương hưu theo quy định mới có giảm là xét về mặt cơ học và chưa tính đến các điều kiện bổ sung khác. Trước đây, việc chi trả lương hưu cao hơn thực tế so với mức đóng vào  nên quỹ mất cân đối. Việc chi trả lương hưu sau này sẽ thực hiện theo mức cân đối giữa đóng và hưởng nhưng vẫn đảm bảo nâng cao đời sống cho người lao động…

Về Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khương cũng cho rằng mô hình bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là cần thiết, thể hiện tính nhân văn, người khỏe “gánh” cho người bệnh. Lâu nay, người dân thường chỉ quan tâm mua bảo hiểm y tế cho người già, người bệnh, dẫn đến vỡ quỹ. Nếu trong một gia đình, người khỏe không “san sẻ” với người bệnh thì rất khó thuyết phục người ngoài “gánh” cho người bệnh của gia đình.

Ông Khương cũng đồng ý việc tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình cần có lộ trình và cần có các hướng dẫn cụ thể hơn về thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sửa đổi. Hiện tại, các thông tư hướng dẫn và lộ trình triển khai đã được xây dựng, chờ Chính phủ phê duyệt, trong đó xu hướng cho người dân tham gia bảo hiểm y tế cá nhân vẫn tiếp tục duy trì song song với vận động, yêu cầu người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình…

Ngọc Nguyễn
.
.
.