Luật Bảo hiểm Y tế: Nhiều điểm mới gây băn khoăn

Thứ Bảy, 05/09/2009, 16:58
Trong hai ngày 4 và 5/9, hội nghị triển khai luật, nghị định, thông tư hướng dẫn bảo hiểm y tế đã diễn ra tại Hà Nội. Trong đó có nhiều nội dung mới đáng chú ý và cần được giải đáp cho người dân hiểu.

Nhiều điểm mới

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế, từ ngày 1/10/2009, trẻ dưới 6 tuổi sẽ thực hiện khám chữa bệnh bằng BHYT thay vì khám chữa bệnh theo hình thức thực thanh thực chi. Do đó, các địa phương, cơ sở y tế cần chuẩn bị sớm cơ sở vật chất, tập huấn cho cán bộ… để đảm bảo khi triển khai sẽ thuận lợi cho người dân. Với các trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì tạm thời vẫn tiếp tục trình thẻ khám chữa bệnh miễn phí hoặc giấy khai sinh.

Đối tượng mua thẻ BHYT tự nguyện với mệnh giá bằng 45% lương, song sẽ có thêm hình thức miễn giảm theo hộ gia đình từ 10-40%. Theo đó, hộ gia đình tham gia BHYT tự nguyện sẽ được miễn giảm từ người thứ hai là 10%, người thứ ba là 20%, người thứ tư là 30% và từ người thứ năm trở lên là 40%.

Quỹ BHYT sẽ thanh toán 50% chi phí của thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục của Bộ Y tế nhưng đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, người bệnh chỉ được quỹ BHYT thanh toán nếu tham gia liên tục đủ từ 36 tháng trở lên.

Các kĩ thuật cao chi phí lớn cũng sẽ được thanh toán nhưng không quá giá trị 40 tháng lương tối thiểu, tương đương với 26 triệu đồng. Các cơ sở y tế ngoài công lập muốn khám chữa bệnh theo BHYT ngoài giờ hành chính thì cần kí hợp đồng với cơ quan BHYT mới được thanh toán.

Các đối tượng người cận nghèo phải đóng 50% mệnh giá thẻ BHYT theo quy định, còn 50% do ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Nhưng riêng tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đối tượng cận nghèo sẽ chỉ đóng 20% mệnh giá thẻ, vì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% và dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ thêm 30%.

Theo bà Tống Thị Song Hương, ngoài ngân sách đảm bảo 50% mệnh giá thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo, Bộ Y tế rất khuyến khích các địa phương huy động nguồn tài trợ thành lập các quỹ hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo mua BHYT.

Nhiều băn khoăn

Tại hội nghị, vấn đề được nhiều người rất quan tâm là việc áp dụng hình thức bệnh nhân phải cùng chi trả với BHYT từ 5% đến 20% chi phí khám chữa bệnh. Cách đây không lâu, hình thức cùng chi trả đã được đưa ra áp dụng, nhưng phải nhanh chóng hủy bỏ và kéo theo tình trạng "vỡ quỹ" BHYT ở nhiều địa phương.

Theo giải thích của phía Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc đưa ra áp dụng hình thức cùng chi trả đã được cân nhắc kỹ, nhằm tránh lặp lại tình trạng vỡ quỹ và bệnh nhân tự hạn chế, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh của bản thân, tránh những đòi hỏi xét nghiệm, thuốc... như đã diễn ra. Tuy nhiên, đa số người bệnh đều khó có thể hiểu biết để cân nhắc, giám sát việc nên hay không nên áp dụng thủ thuật, thuốc nào. Đó là chưa kể tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện khiến bác sỹ rất khó có thời gian tư vấn kĩ cho bệnh nhân.

Với nhiều bệnh nhân mãn tính, con số 5%, 20% chi phí khám chữa bệnh sẽ là số tiền không hề nhỏ. Một nội dung rất mới gây băn khoăn nữa là việc thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông (TNGT).

Theo đó, chỉ những người bị TNGT không vi phạm Luật Giao thông mới được thanh toán BHYT, còn người vi phạm luật sẽ không được thanh toán. Các trường hợp bị TNGT nhập viện chưa xác định có vi phạm hay không thì tạm thời tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh, sau đó xuất trình chứng nhận không vi phạm của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ được BHYT thanh toán.

Theo kinh nghiệm của các bác sỹ, hiện chỉ xác định được các trường hợp bị TNGT có Công an đưa vào viện, trường hợp đội hay không đội mũ bảo hiểm, có hơi rượu hay không… còn rất nhiều nội dung khác rất khó thẩm định được. Khi xảy ra tai nạn bất ngờ trên đường, ai, cơ quan nào sẽ xác minh bệnh nhân vi phạm hay không vi phạm luật? Nếu không được hướng dẫn cụ thể, rất có thể người bị TNGT sẽ bị thiệt thòi, gặp nhiều phiền hà khi muốn thanh toán BHYT

Thanh Loan
.
.
.