Luật Bảo hiểm y tế mới: Khó khả thi

Thứ Hai, 20/04/2009, 15:30
Kể từ ngày 1/7/2009, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành với mục tiêu hướng tới một xã hội BHYT toàn dân.

Để luật được đi vào thực tế, ngày 17/4/2009 tại TP HCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo phổ biến Luật BHYT cũng như lấy ý kiến cho một dự thảo nghị định hướng dẫn cụ thể. Nhiều ý kiến đóng góp mang tính phản biện sâu sắc cho thấy còn nhiều vấn đề mà các nhà làm chính sách rất cần quan tâm.

Những phản biện từ thực tế

Mức đóng trong dự thảo nghị định đưa ra sẽ tăng 50% so với trước. Cụ thể, dự thảo quy định mức đóng BHYT kể từ 2010 sẽ tăng lên 4,5% của mức lương (hiện nay là 3%), rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Bùi Đình Công, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế (SYT) Sóc Trăng đưa một so sánh rất đáng lưu ý: "Trong khi lương cơ bản tăng từ 540.000 lên 650.000  đồng(tăng 20% lương) sẽ áp dụng từ 1/5/2009 mà phí BHYT tăng lên 50% như vậy là điều bất hợp lý!".

Và ông Công cho rằng tăng như vậy chúng ta chưa tập trung vào vấn đề toàn dân tham gia BHYT. Ông diễn giải: Tại Sóc Trăng đã có trên 40% người dân tham gia BHYT. Vậy còn lại là những đối tượng khó vận động. Đó là người cận nghèo và nghèo đã được dự án y tế của ĐBSCL hỗ trợ 30%, Nhà nước hỗ trợ 50%. Họ chỉ có đóng 20% mà vận động mãi không xong. Vậy với một mức đóng rất cao sắp tới e khó thực hiện.

Cùng quan điểm với ông Công, bà Tình - Giám đốc SYT Bến Tre nói: "Đối tượng cận  nghèo và HS-SV rất cần quan tâm. Dự án hỗ trợ trong y tế ĐBSCL cho các đối tượng này đang áp theo mức 3%. Tỷ lệ này qui ra mức đóng là 38.800đ/tháng. Nhưng có hộ vẫn không có tiền để đóng. Có khi phải cho họ đóng giống như "thế chân" trước 10.000 hay 20.000đ. Chừng nào đủ 38.800đ xã mới đưa về đại lý".

Song ghi nhận cũng có người đóng góp nhìn ở góc độ khác và mối quan tâm chính không phải là mức đóng mà "hiệu quả sử dụng quỹ".

Bà Phương - đại diện cho Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng về mức đóng tăng lên 4,5% so với thế giới ở đối tượng người lớn thì cũng không phải là cao lắm. Nhưng 4,5% so với trẻ đi học từ 6 tuổi tới 23 tuổi (tới tốt nghiệp ĐH) thì là cao vì đây là độ tuổi đi học, chi phí y tế rất thấp mà thế giới đã thống kê. Và 4,5% là áp dụng cho SV-HS (diện BHYT bắt buộc) vậy thì vấn đề ở đây là, ai là người đóng? Chính phủ có dự định hỗ trợ cho 1 HS tham gia BHYT là 30%. Như  vậy sẽ tạo nên gánh nặng lớn cho vấn đề ngân sách. Nên quy định cho chủ các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động phải "gánh" một phần cho người lao động. Như vậy ngân sách Nhà nước sẽ giảm bớt gánh nặng.

Cùng quan điểm với bà Phương, ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc SYT Long An cho rằng: 4,5% là đảm bảo quỹ BHYT có đủ sức chi trả cho hết các dịch vụ. Nên thực hiện áp dụng mức 4,5% ngay. Và đồng tình rằng BHYT Việt Nam đang mắc chứng bệnh "lạm dụng và kém hiệu quả, lãng phí" rất nhiều. Thủ phạm lãng phí đó chính là từ hoạt động của các cơ sở y tế.

Năng lực quản lý, dịch vụ phải theo... kịp luật

Từ góc độ nhà quản lý, Giám đốc SYT TP HCM Nguyễn Văn Châu lại có mối lo riêng. Theo ông: "Phương thức thanh toán theo 3 loại (phí dịch vụ, định suất và… theo luật). Nhưng theo luật là theo "định suất" với cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, theo phí dịch vụ với những trường hợp có thẻ nhưng không đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở. Theo ông Châu là không khả thi. Vì ngay năm 2008: BHYT đã thí điểm một số cơ sở khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện nhưng không thành công. Cuối cùng phải lấy Bệnh viện Nhân dân Gia Định làm nơi thu theo định suất thí điểm. Vì đây là nơi có tất cả mặt điều trị gần như chuẩn hoá.

Còn bây giờ Luật BHYT mới quy định khám theo định suất ngay từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu thì các đơn vị sẽ không làm được vì tình trạng thanh toán theo đa tuyến rất lớn. Có thể phải tới năm 2015 mới áp dụng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở theo Luật BHYT được vì phải chuẩn bị người, cơ sở vật chất

Nga Huyền
.
.
.