Bác bỏ thông tin Việt Nam xuất hiện chủng virus cúm lạ

Thứ Năm, 01/02/2018, 20:34
Những tuần gần đây, ở các bệnh viện (BV) đã có nhiều bệnh nhân bị cúm phải nhập viện. Riêng BV Nhi Trung ương đã phát hiện hơn 400 trẻ mắc cúm, trong đó, có khoảng gần 200 bệnh nhi phải nhập viện điều trị. Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết dịch cúm đang gia tăng ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên … và làm chết nhiều người.


Do bệnh cúm rất dễ lây truyền, đặc biệt biệt là virus cúm A H7N9 có thể gây tử vong cao nên nhiều người hết sức lo lắng. Trên mạng xã hội, ngày 31-1, một số người tung tin virus cúm ở Việt Nam đã biến đổi và tăng độc lực, thậm chí kháng tất cả các loại thuốc điều trị, gây hoang mang cho mọi người. Nhiều người nhao đi tìm mua thuốc để phòng bệnh.

Tuy nhiên, không như tin đồn, trao đổi với phóng viên Báo CAND vào chiều 1-2, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: Hiện chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính, hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người và cũng chưa phát hiện thấy các chủng virus mới nào tại Việt Nam.

Để chủ động trước dịch cúm, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Đến nay hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng virus cúm, kể cả chủng virus cúm có độc lực cao

Mặc dù tại Trung Quốc đã phát hiện nhiều trường hợp cúm A(H7N9) với 5 đỉnh dịch xảy ra vào các tháng cuối năm và dịp Tết, song ở nước ta, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vẫn phát hiện trường hợp cúm A(H7N9) kể cả trên người và trên gia cầm. Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người.

Số người mắc cúm nhập viện tăng nhưng chỉ là mắc cúm mùa

Theo ông Phu, virus cúm có 3 typ là A, B, C, trong đó cúm typ A là typ thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Trên thế giới, một số phân typ cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1… 

Vài năm trở lại đây, thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8. Theo WHO, cúm có đặc tính biến đổi thường xuyên, các gen của virus cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các virus rút cúm đe dọa cho sức khỏe con người.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018, có chỉ đạo các địa phương tăng cường hệ thống giám dịch bệnh, tăng cường truyền thông chủ động phòng chống dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng theo các tình huống dịch bệnh.

Ths. Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, thời điểm đông xuân rất thuận lợi cho virus cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác. Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng...

Bác sĩ Hải cũng cho hay, trẻ mắc cúm thường tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol), nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm. 

Ngoài ra, khi trẻ nằm viện thì nên hạn chế việc nhiều người thăm nom, vì dễ mang mầm bệnh khác cho trẻ và mang virut cúm ra cộng đồng. Đặc biệt, thuốc Oseltamivir không phải là thuốc bắt buộc để điều trị cúm mùa thông thường, mà chỉ sử dụng trong một số trường hợp cúm nặng. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, tránh tình trạng dùng thuốc không đúng bệnh, gây kháng thuốc kháng sinh sau này. 


Thanh Hằng
.
.
.