Bộ Tài chính thanh minh về thanh lý xe công giá 46,2 triệu đồng
- Cần thận trọng trong việc khoán kinh phí sử dụng xe công
- Quảng Nam và Thaco nói gì về việc tặng xe công?
- Sau Cà Mau, Đà Nẵng trả lại “xe công” do doanh nghiệp tặng 2
- Thí điểm khoán kinh phí mức trần xe công không quá 9,3 triệu đồng/tháng
- Hàng chục lái xe sẽ đi đâu sau khi Hà Nội khoán xe công?
Tại thông cáo, Bộ Tài chính dẫn quy định của pháp luật về thanh lý tài sản nhà nước theo Điều 26 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định:
“Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý”. “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý.”
Như vậy, thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thanh lý tài sản (trong đó có xe ô tô công – bán hoặc tiêu hủy) thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc thanh lý tài sản thực hiện theo hình thức bán đấu giá thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được Bộ, ngành, địa phương giao nhiệm vụ phải thực hiện bán công khai, minh bạch theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
Bộ Tài chính cho biết xe công không do Bộ này tổ chức thanh lý |
Sau khi hoàn thành việc thanh lý các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo về Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Theo các quy định trên đây, Bộ Tài chính chỉ thực hiện trách nhiệm tổng hợp số liệu từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương.
Về tổ chức thực hiện thanh lý xe ô tô, thông cáo của Bộ cho biết: Căn cứ báo cáo của các Bộ, ngành và các địa phương về kết quả thanh lý, kết hợp với thông tin thanh lý xe ô tô tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (do các Bộ, ngành, địa phương nhập từ ngày 01/01/2016 đến ngày 6/3/2017), Bộ Tài chính đã tổng hợp được 761 xe ô tô mà các Bộ, ngành và địa phương báo cáo đã thanh lý, tổng số tiền thu được là 35,15 tỷ đồng (số tiền thu được sau khi thanh lý được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
Qua rà soát, số liệu tại báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính thấy rằng: 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin báo cáo số tiền thu được về Bộ Tài chính; 17 xe báo cáo đã thanh lý (trong đó có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề), không thu được tiền; 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) với tổng số tiền thu được là hơn 5,45 tỷ đồng. Vì vậy, nếu chia bình quân số xe thanh lý/ tiền thu được ra kết quả 46.2 triệu đồng/ xe mới chỉ là thông tin ban đầu, chưa phản ánh đầy đủ việc thanh lý tài sản là xe ô tô công.
Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục nhận báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương về kết quả xử lý xe ô tô theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.