Thông điệp "kỷ nguyên toàn cầu mới" của Tổng thống Mỹ tại Liên hợp quốc

Thứ Năm, 23/09/2021, 08:36

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, việc Washington rút quân khỏi Afghanistan là bước ngoặt lịch sử, thể hiện rằng quan điểm về "những cuộc chiến không hồi kết" sẽ được nước Mỹ thay thế bằng "những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ". Ngoài ra, Washington cũng cam kết sẽ hỗ trợ tích cực cho các đồng minh và phản đối việc các nước lớn chèn ép nước nhỏ hơn nhằm làm thay đổi hiện trạng lãnh thổ thông qua vũ lực, cưỡng ép kinh tế, khai thác công nghệ hay bóp méo thông tin.

Sẵn sàng hợp tác dù tồn tại bất đồng

Hôm 21/9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York, đưa ra hàng loạt thông điệp và khẳng định các cam kết của Washington.

Tổng thống Joe Biden nêu rõ: "Khi tôi đứng đây ngày hôm nay, nước Mỹ lần đầu tiên sau 20 năm đã không còn chiến tranh. Chúng tôi đã chính thức sang một trang mới. Tất cả sức mạnh, năng lượng, cam kết, ý chí và nguồn lực quốc gia sẽ hoàn toàn tập trung vào những gì hiện hữu phía trước, chứ không phải những gì thuộc về quá khứ".

1.jpg -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nguồn: NYTimes.

Để giải thích cho tuyên bố này, ông Biden nhấn mạnh, một kỷ nguyên của những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ đã chính thức mở ra - kỷ nguyên hành động toàn cầu mới. Cụ thể, nước Mỹ sẽ chia sẻ lợi ích bằng những cam kết viện trợ phát triển, giúp sức cho đồng minh và nhiều nước bạn để đầu tư vào những cách thức mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thế giới.

Ông Biden nêu rõ sẽ theo đuổi các quy tắc thương mại nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các quốc gia và khẳng định tầm quan trọng của việc cho phép tự do hàng hải trên các vùng biển. Thêm vào đó, Washington không chủ trương tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới hay một thế giới bị chia cắt, mà sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình để cùng giải quyết những thách thức chung, ngay cả khi các bên có những bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác.

"Chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả cho sự thất bại của chính mình nếu không cùng nhau giải quyết các mối đe dọa cấp bách như COVID-19, biến đổi khí hậu hay các mối đe dọa kéo dài như phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Biden nói.

Các cam kết và khẳng định của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh giới chính trị gia bảo thủ đang đặt dấu hỏi lớn về việc liệu Mỹ có thực sự trao quyền cho những liên minh truyền thống, sau bất đồng mới nảy sinh với Pháp liên quan đến thỏa thuận đóng tàu ngầm năng lượng hạt nhân với Australia hay cuộc rút quân trong hỗn loạn tại Afghanistan.

Không những vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 20/9 còn cảnh báo rằng, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngăn cản nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tuyên bố của ông Biden đã truyền đi một thông điệp tích cực, khẳng định Mỹ luôn cạnh tranh mạnh mẽ nhưng cũng là một đồng minh, một đối tác đáng tin cậy với các quốc gia khác trên thế giới, sau 4 năm cựu Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Thomas Wright, chuyên gia về trật tự và chiến lược quốc tế tại Viện Brookings phân tích: "Ông Biden hoàn toàn có thể hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, nhưng một kế hoạch dự phòng là điều cần thiết nếu mong muốn hợp tác không thành hiện thực. Và bài phát biểu hôm nay là bước đầu tiên của hướng đi này".

CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho hay, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay, không giống như với Moscow thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bởi hai nước phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc về kinh tế và vẫn tồn tại nhiều lĩnh vực có lợi ích chung, từ chống biến đổi khí hậu đến kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Do đó, dù cạnh tranh vẫn luôn diễn ra, nhưng thách thức chung sẽ vẫn có thể cùng hợp tác giải quyết.

Sức mạnh quân sự là công cụ cuối cùng

Trong bài phát biểu dài 30 phút, ông Biden không chỉ đề cập tới khía cạnh hợp tác phát triển bằng viện trợ, đầu tư, mà còn trấn an đồng minh và các nước bạn bằng cam kết an ninh thiết thực. "Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình và đồng minh, trong đó có nỗ lực tăng cường các hoạt động chống khủng bố. Trong 8 tháng qua, tôi đã ưu tiên xây dựng lại các liên minh, vực dậy các mối quan hệ đối tác và công nhận các mối quan hệ đó là yếu tố cần thiết và trọng tâm đối với an ninh và thịnh vượng lâu dài của Mỹ", ông Biden cho biết. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng lưu ý, vũ lực sẽ được coi là giải pháp cuối cùng nhằm tránh một lần nữa rơi vào các cuộc chiến dai dẳng như ở Afghanistan hay Iraq.

"Sức mạnh quân sự Mỹ là công cụ cuối cùng của chúng tôi, không phải phương án đầu tiên. Nó không nên trở thành câu trả lời cho mọi vấn đề mà chúng ta gặp phải trên khắp thế giới. Thật vậy, ngày nay, nhiều mối quan tâm lớn của chúng ta không thể được giải quyết bằng vũ lực. Bom đạn không thể chống lại COVID-19", Tổng thống Mỹ dẫn chứng cho tuyên bố của mình. Ngoài ra, lãnh đạo Mỹ phản đối việc các nước mạnh lấn lướt các nước yếu hơn. Ông Biden nói: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ các đồng minh và bạn bè của chúng tôi, đồng thời phản đối nỗ lực của các nước lớn chèn ép các nước nhỏ hơn nhằm làm thay đổi nguyên trạng lãnh thổ thông qua vũ lực, cưỡng ép kinh tế, khai thác công nghệ hay bóp méo thông tin".

Truyền thông quốc tế đánh giá, phần lớn bài phát biểu của Tổng thống Biden tập trung vào những thách thức vượt qua các ranh giới quốc tế. Bên cạnh vấn đề biển đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,5 triệu người trên thế giới, ông Biden cũng mô tả tham nhũng là một tai họa "làm gia tăng sự bất bình đẳng, bòn rút tài nguyên của một quốc gia, lan rộng qua biên giới và gây đau khổ cho con người". Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận được tràng pháo tay lớn khi kết thúc bài phát biểu với ý tưởng rằng, các nhà lãnh đạo trên thế giới cần phải quyết định những gì họ sẽ để lại cho các thế hệ mai sau.

Linh Đan
.
.
.