Ít nhất 17 bang cùng ông Trump kiện bầu cử lên toà tối cao Mỹ

Thứ Năm, 10/12/2020, 07:49
Ít nhất 17 bang trên khắp nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump đã cùng tham gia vụ kiện ở Toà án Tối cao Mỹ do Texas khởi xướng nhằm vào 4 bang chiến địa trong cuộc bầu cử 2020.

Đài CBSNews của Mỹ ngày 9/12 (giờ Mỹ) cho biết, 17 tiểu bang ủng hộ đơn kiện của Texas gồm các bang Missouri, Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, Bắc Dakota, Oklahoma, Nam Carolina, Nam Dakota, Tennessee, Utah và Tây Virginia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Independent

Đây là sự đoàn kết chưa từng có tiền lệ trong bầu cử ở Mỹ. Trước đó, Tổng chưởng lý Texas, ông Ken Paxton, xác nhận bang của ông đã khởi kiện 4 bang chiến địa gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vì cho rằng quy trình bỏ phiếu mới ở các bang chiến trường đã làm sai lệch kết quả bầu cử tổng thống.

Cả 4 bang này đều có đông phiếu đại cử tri và đã từng bỏ phiếu cho ông Trump trong năm 2016 nhưng bất ngờ nghiêng về ông Joe Biden trong cuộc bầu cử vừa diễn ra. 

Ông Paxton theo đó yêu cầu Tòa án Tối cao hoãn thời hạn cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của Biden vào 14/12.

Reuters lý giải, vụ kiện của bang Texas đã được đệ đơn vượt cấp lên thẳng Tòa án Tối cao thay vì nộp trước tại một tòa án cấp thấp hơn vì nó liên quan đến kiện tụng giữa các bang với nhau. 

Trước động thái của 17 bang nói trên, Tổng thống Donald Trump hôm 9/12 cũng gửi đơn lên Tòa án Tối cao, yêu cầu được tham gia vụ kiện của Texas. Đề nghị này hiện chưa được xác nhận. "Chúng tôi sẽ can thiệp vụ kiện ở Texas cùng nhiều bang khác. Đây là vụ kiện lớn", ông Trump viết trên Twitter.

Sáng nay (10/12), ông Trump viết tiếp: "Chà! Ít nhất 17 bang đã tham gia cùng Texas trong vụ kiện bất thường chồng lại Gian lận Bầu cử lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Cảm ơn các bạn!".

Theo CBSNews, Toà án Tối cao Mỹ đã yêu cầu 4 bang bị kiện trả lời các cáo buộc trong ngày 10/12. Tổng chưởng lý các bang trên đã ra tuyên bố phản đối vụ kiện, cho rằng động của Texas làm xói mòn niềm tin vào  hệ thống bầu cử, sai về mặt hiến pháp.

Thiện Nhân
.
.
.