8 phút của Công Phượng, bài học để đời của bóng đá Việt Nam

Thứ Tư, 19/10/2016, 15:28
Cái gọi là cuộc đối đầu giữa Tuấn Anh và Công Phượng trên đất Nhật Bản rốt cuộc đã không diễn ra như người ta chờ đợi. Trong trận đấu chiều Chủ nhật vừa qua, Tuấn Anh đã không được Yokohama FC điền tên vào danh sách đăng kí. Trong khi, Công Phượng cũng chỉ được đội chủ nhà Mito Hollyhock tung vào sân khi đồng hồ đã chỉ sang phút thứ 86. Dù vậy, 8 phút có mặt ngắn ngủi của CP16 (theo cách Mito Hollyhock đặt cho Công Phượng) trên sân cũng cho những nhà làm bóng đá Việt Nam thấy được nhiều bài học quý giá…


Bóng đá chuyên nghiệp là cú… "áp phe"

Mito Hollyhock thực sự đã biến trận đấu ở vòng 36 J-League.2 thành cơ hội tuyệt vời để làm hình ảnh, đặc biệt là với các khán giả Việt Nam. Ngay từ trước khi cuộc đối đầu với Yokohama  FC diễn ra vài ngày, trang Facebook của Mito Hollyhock đã đăng tải bài viết nhắc cho các CĐV Việt Nam nhớ đây là đội bóng có "cầu thủ quốc gia Việt Nam NGUYỄN TUẤN ANH hiện đang thi đấu" (trích nguyên lời giới thiệu của Mito Hollyhock).

Trong khi đó, trang web có tên là Công Phượng TV - website được Mito Hollyhock phối hợp với công ty truyền thông Densu (Nhật Bản) lập ra để quảng bá hình ảnh của Công Phượng tại Nhật Bản thông qua các video clip có sự hiện diện của cầu thủ này cũng liên tục phát đi những lời quảng cáo: "16/10 đừng bỏ lỡ trận đấu gay cấn giữa Công Phượng và Tuấn Anh".

Chưa hết, trang Công Phượng TV còn thông báo sẽ truyền hình trực tiếp trận đấu giữa FC Mito Hollyhock và Yokohama FC.

Chính những điều này đã dọn đường để người hâm mộ bóng đá Việt Nam tự kỷ ám thị rằng trận đấu giữa Mito Hollyhock và Yokohama FC sẽ chính là màn so tài giữa 2 cầu thủ được yêu mến nhất hiện nay Công Phượng và Tuấn Anh. Sự chờ đợi ấy lớn đến mức, truyền hình cáp Việt Nam thậm chí còn truyền hình trực tiếp trận đấu này qua kênh Bóng đá TV.

Công Phượng bên chiếc áo lưu niệm được Mito Hollyhock sử dụng để quảng bá trước trận đấu.

Nói tóm lại, Mito Hollyhock đã rất thành công trong việc sử dụng chiêu trò, đánh đúng vào thị hiếu để thu hút sự chú ý của người hâm mộ Việt Nam. Qua đó có thể quảng bá hình ảnh của CLB này cũng như cả tỉnh Ibaraki (nơi đội bóng này đóng quân) tới thị trường nước ta.

Không dừng lại ở đó, Mito Hollyhock còn rất biết cách lấy lòng những CĐV Việt Nam. Trước trận đấu, họ sử dụng triệt để hình ảnh của Công Phượng để quảng cáo. Ảnh Công Phượng cầm chiếc áo đấu có in hình cầu thủ này trong màu áo Mito Hollyhock đã được cách điệu theo phong cách truyện tranh được đưa lên trang chủ của CLB.

Mito Hollyhock còn đặt biệt danh cho tiền đạo gốc Nghệ An là CP16 (ghép tên Công Phượng và số áo của cầu thủ tại Mito Hollyhock) - một trào lưu đang thịnh hành của các fan bóng đá Việt Nam. Áo lưu niệm của Công Phượng thuộc dự án AFC One Goal cũng được bày bán rộng rãi trong các quầy hàng lưu niệm bên ngoài sân vận động K's denki Mito, như thể anh là một ngôi sao đích thực của CLB, chứ không phải chỉ là 1 cầu thủ dự bị, có số lần ra sân đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, kiều bào Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản còn được nhận vé mời vào sân theo dõi trận đấu. Chính nhờ những bước đi chiến lược ấy của Mito Hollyhock mà ước tính trong số 8.000 khán giả đến theo dõi trực tiếp trận đấu, đã có khoảng 400 CĐV Việt Nam.

Trong đó, có không ít người đã đặt vé máy bay từ Việt Nam sang để được chứng kiến Công Phượng đối đầu với Tuấn Anh trên đất Nhật Bản (Mito Hollyhock đã phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức tour xem Công Phượng thi đấu).

Bước vào trận đấu, sự chu đáo của Mito Hollyhock dành cho người Việt Nam càng đáng ngưỡng mộ. Các CĐV vào sân  K's denki Mito được phát cờ Việt Nam để cổ vũ. Một tấm băng rôn mang dòng chữ: "Go! Nguyen Cong Phuong" cũng được nhà tài trợ Z.com giăng lên trên khán đài.

Trong khi đó, đội chủ nhà Mito Hollyhock dù có màu áo truyền thống là màu xanh nhưng lại gây bất ngờ khi ra sân với trang phục màu đỏ lạ lẫm (giống màu áo của ĐT Việt Nam), trong đó, quốc kỳ Việt Nam được in trên ngực áo, bên cạnh quốc kỳ Nhật Bản.

Nhà tài trợ Aeon cũng dành cho Công Phượng sự ưu ái đặc biệt. Ngoài một tấm biển trên sân K's denki Mito, Aeon còn tổ chức một loạt sự kiện, bao gồm xem trận đấu giữa Mito Hollyhock và Yokohama tại 2 trung tâm thương mại Aeon Mall ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, qua những gì người Nhật chuẩn bị cho trận đấu này thì vụ chuyển nhượng của Công Phượng sang Nhật rõ ràng là một cú áp phe sặc mùi thương mại. Người Nhật đã tìm cách để khai thác tối đa thương vụ này với mục tiêu xâm nhập, lấy thiện cảm của thị trường Việt Nam. Và trong chiến lược ấy, Mito Hollyhock không hề cô đơn, ngược lại họ có sự đồng hành, hỗ trợ của một loạt đối tác đồng hương như Densu, Z.com hay Aeon Mall... Đấy đều là những công ty đang có hoạt động làm ăn và muốn phát triển tại thị trường nước ta.

Bóng đá phải hợp tác với doanh nghiệp, phải gắn liền với các hoạt động thương mại, kinh doanh. Đấy là định hướng trong phát triển bóng đá chuyên nghiệp của Nhật Bản. Mà ở đó ngay cả 1 CLB  làng nhàng ở giải hạng 2 như Mito Hollyhock cũng đã nằm lòng và thực hiện cực tốt. Hướng đi ấy là một thành tố bắt buộc nếu muốn làm bóng đá chuyên nghiệp.

Bóng đá không thể được coi là chuyên nghiệp nếu các đội bóng chỉ như những "chiếc tàu há mồm", không tạo ra những nguồn thu đáng kể. Đáng tiếc rằng, đó là hiện trạng chung của V-League, nơi các CLB gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bầu sữa của các ông bầu, của địa phương mà chưa hề chú trọng đến các yếu tố thương mại trong bóng đá, ngay cả với những yếu tố mang tính truyền thống như bán áo đấu, sản phẩm lưu  niệm…

Hi vọng, những gì Mito Hollyhock đã thực hiện qua cú áp phe mang tên CP16 sẽ giúp những đội bóng Việt Nam có  thêm những kinh nghiệm đắt giá trong việc chiều lòng khán giá cũng như biến môn thể thao vua thành một công cụ kinh doanh. Thế nhưng có lẽ sau tất cả, bài học giá trị nhất vẫn là tinh thần nghiêm túc và sự chuyên nghiệp của người Nhật trong chuyên môn.

Đã thi đấu là phải hết mình

Với sự quảng bá rình rang của người Nhật trước trận đấu, đặc biệt là từ những đối tác thương mại của 2 đội bóng, chắc chắn không ít người đã mặc định rằng Công Phượng và Tuấn Anh sẽ được ra sân ngay từ đầu. Nhất là khi cả Mito Hollyhock và Yokohama FC đều không còn những mục tiêu gì cụ thể.

Cả 2 CLB đều đã ở những vị trí tương đối an toàn với khoảng cách điểm khá xa so với nhóm có nguy cơ xuống hạng. Yokohama FC đang xếp thứ 7, Hollyhock đứng thứ 14/22 đội. Trong khi đó, cơ hội thăng hạng lại gần như chẳng có.

Và theo logic thông thường như vậy thì Mito Hollyhock và Yokohama FC hoàn toàn có thể trao cơ hội cho Công Phượng và Tuấn Anh để chiều lòng người hâm mộ Việt Nam, cũng như những nhà tài trợ. Chỉ có điều thực tế thì phũ phàng hơn những fan bóng đá Việt Nam tưởng rất nhiều.

Các CĐV Việt Nam được phát cờ tổ quốc để vào sân cổ vũ.

Nếu như Tuấn Anh bị cho là dính chấn thương, không thể tham dự trận đấu thì Công Phượng bất chấp việc đã được Mito Hollyhock sử dụng hình ảnh một cách triệt để, cũng vẫn chỉ được vào sân khi thời gian thi đấu chính thức chỉ còn 4 phút. May mắn cho CP16 là trận đấu có thêm 4 phút bù giờ, nên tiền đạo này đã có tổng cộng 8 phút chạy trên sân.

Động thái này thể hiện người Nhật nghiêm túc và rạch ròi giữa yếu tố chuyên môn với phi chuyên môn như thế nào. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để lấy lòng giới mộ điệu Việt Nam (đến mức còn mặc áo đấu màu đỏ, có in cờ Việt Nam trên ngực). Nhưng đấy là ở bên ngoài sân đấu. Còn trên sân cỏ thì lại là một câu chuyện khác. Yếu tố chuyên môn và HLV là người quyết định cuối cùng. Ở đó, mọi thứ được định đoạt rất sòng phẳng qua thước đo duy nhất là năng lực của cầu thủ, chứ không tồn tại bất kì sự ưu ái hay can thiệp nào cả.

Thậm chí, ngay cả một trận đấu không có nhiều ý nghĩa về mặt thành tích (đồng thời lại có bối cảnh rất đặc biệt về thương mại) thì cũng chẳng có sự du di nào cả. Hẳn cũng không hề quá lời khi nói rằng tính chuyên nghiệp ăn sâu vào máu ấy chính là một nền tảng cho sự thành công của người Nhật, không chỉ trong lĩnh vực bóng đá. Cái khí chất ấy đồng thời cũng là thứ mà những người hâm mộ Việt Nam thèm muốn.

Lâu nay, V-League vẫn chưa thể thoát khỏi những điều tiếng, những bóng ma nghi ngờ về sự tiêu cực, nhường điểm. Đặc biệt là động lực thi đấu của các CLB đã hết mục tiêu phấn đấu. Bầu không khí thật giả lẫn lộn ấy như một chiếc vòng kim cô khiến bóng đá Việt Nam không thể bứt phá, phát triển.

Việc Mito Hollyhock chỉ dành cho Công Phượng 4 phút ngắn ngủi có thể khiến các CĐV Việt Nam chưng hửng. Nhưng có lẽ chỉ khi nào các HLV cũng như các cầu thủ có thái độ nghiêm túc, trân quý giá trị của từng phút được thi đấu trên sân như những gì ông thầy của Công Phượng, Takayuki Nishigaya đã thể hiện thì bóng đá Việt Nam mới có hi vọng thoát khỏi vùng trũng.

Khi phi hành gia người Mỹ, Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, ông đã nói câu bất hủ: "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại". Còn sau trận đấu giữa Mito Hollyhock và Yokohama FC, người hâm mộ Việt Nam hoàn toàn có quyền kết luận: "Đây là trận đấu 8 phút ngắn ngủi của riêng Công Phượng, nhưng lại là bài học vô giá đối với bóng đá Việt Nam".

Trận đấu của riêng Công Phượng diễn ra như thế nào?

Giống như những gì vẫn diễn ra trong màu áo Mito Hollyhock, Công Phượng lại một lần nữa bắt đầu trận đấu trên băng ghế dự bị. Nhưng lần này, may mắn hơn nhiều vòng đấu khác, Công Phượng đã được HLV Takayuki Nishigaya tung vào sân ở cuối trận (có lẽ đây là món quà mà Mito Hollyhock dành cho người hâm mộ Việt Nam vốn chờ đợi trận đấu này).

Phút 86, CP16 được đưa vào sân thay Frank, cộng thêm 4 phút bù giờ là tổng cộng tiền đạo này 8 phút có mặt trên sân. Nhưng lần thứ 5 được ra sân ở J.League 2 mùa này của Công Phượng lại chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Toàn bộ thời gian có mặt trên sân, Công Phượng chỉ "xách xe không" mà chạy. Anh thậm chí còn không có được một lần chạm bóng. Một phần vì đội bóng của Mito Hollyhock của Công Phượng bị Yokohama dồn ép, một phần vì các đồng đội gần như bỏ quên sự hiện diện của anh, mà chủ yếu chỉ dồn bóng cho Eiji Shirai - tiền đạo đá chính.

Tình huống duy nhất mà Công Phượng trực tiếp tham gia, đó là pha tranh chấp của anh với cầu thủ của Yokohama trong một tình huống Mito Hollyhock phòng ngự bóng bật ra. Tiếc rằng pha bóng ấy lại cho thấy sự hạn chế của Công Phượng so với các đối thủ. Dù ban đầu có lợi thế về không gian, nhưng Công Phượng lại để đối thủ tì đè, bứt lên và giành bóng.

Tóm lại, cái gọi là trận đấu giữa Công Phượng và Tuấn Anh trên đất Nhật rốt cuộc chỉ là 8 phút chạy và chạy của cá nhân CP16 trên sân K's denki Mito.

Tất Đức
.
.
.