Hồ thủy điện “no” nước trước mùa mưa lũ
- Trắng tay vì thủy điện xả lũ
- Bảo vệ quyền lợi của nông dân bị thủy điện xả lũ
- Hậu thủy điện xả lũ: Đùn đẩy trách nhiệm!
- Thừa Thiên- Huế: Thủy điện xả lũ, hạ du ngập nặng
- Kiểm điểm các thuỷ điện xả lũ không an toàn
Sáng 24-8, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, công tác phối hợp trong quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du trong mùa mưa lũ năm 2017 với sự tham dự của lãnh đạo các ban, ngành, địa phương; lãnh đạo các thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam, từ tháng 9-12 được xác định là mùa mưa lũ. Dự báo lượng mưa trong mùa mưa lũ năm nay tại Quảng Nam sẽ cao hơn nhiều so với trung bình năm 2016.
Số liệu đo đạc cho thấy mực nước thượng lưu các hồ thủy điện A Vương, Sông Tranh 2,… hiện còn rất cao so với mực nước tối thiểu quy định tại Phụ lục III - Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ (mực nước hồ A Vương 372,27m, cao hơn 32,72m tương đương hơn 200 triệu m3; mực nước hồ Sông Tranh 2 159,84m, cao hơn 19,84m tương đơn 242 triệu m3).
Các nhà quản lý tỏ ra quan ngại trước việc hồ thủy điện Sông Tranh 2 "no" nước trước mùa mưa lũ. |
Do đó, nhằm tăng dung tích cắt lũ trong đầu mùa lũ, tránh tình trạng “lũ chồng lũ”, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu các thủy điện A Vương, Sông Tranh 2,… có kế hoạch điều tiết kho nước trong hồ trước mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, đại diện của thủy điện A Vương cho biết nếu nhà máy hoạt động hết công suất thì đến ngày 15-9 mực nước trong hồ vẫn đạt đến 360m, cao hơn quy định 20m; còn đại diện thủy điện Sông Tranh 2 cho rằng đã có công văn gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để đề nghị xem xét, báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép hiệu chỉnh kế hoạch vận hành của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 trong tháng 8-2017 nhằm giúp nhà máy chủ động điều tiết hồ chứa vừa đảm bảo yêu cầu cung cấp điện theo phương thức vận hành của Tập đoàn vừa đảm bảo các yêu cầu về điều tiết hồ chứa đón lũ, giảm lũ cho vùng hạ du trong mùa mưa lũ năm 2017.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã yêu cầu các thủy điện phải có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.
Ngoài ra, các địa phương cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai, chậm nhất hoàn thành trước ngày 31-8 (đến nay chỉ có 3/18 huyện thực hiện xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai).
Ông Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải làm tốt công tác PCTT&TKCN trong mùa lũ năm nay. |
Ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan làm việc và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du và kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông tại tỉnh Thừa Thiên Huế đúng kế hoạch; sau đó nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du của tỉnh Quảng Nam, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là sau khi có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đặc biệt, ông Thanh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam xem xét, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt phương án thuê chuyên gia phục vụ công tác theo dõi, tham mưu ra quyết định vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa mưa lũ năm 2017.
Dự kiến tỉnh Quảng Nam sẽ thuê 2 chuyên gia là nhà khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên tham gia giám sát, tham mưu về phòng chống thiên tai và vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện.