Công ty Rạng Đông 'gian dối' vụ phát tán thủy ngân ra môi trường

Chủ Nhật, 08/09/2019, 16:19
Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT cho biết, qua kiểm tra thực tế cùng quá trình làm việc với  lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân (Hg) lỏng có độc tính cao hơn so với amalgam.


Sự cố cháy nổ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (sau đây gọi tắt là Công ty) xảy ra từ lúc 18h30 đến 23h30 ngày 28-8-2019.

Vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm (gồm Bóng đèn huỳnh quang: 480.000 sản phẩm, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng; Bóng đèn compact: 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 01 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%; Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram: 2.000.000 sản phẩm), nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại. 

Theo báo cáo ban đầu của Công ty, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31-8-2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng; khối lượng hóa chất còn lại là: 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; Hg lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.

Hiện trường vụ cháy.

Theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9-10-2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 1-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc, thì sự cố cháy nổ gây mất an toàn hóa chất và ô nhiễm môi trường nêu trên ở mức trung bình (cấp cơ sở), xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc trách nhiệm chỉ đạo, xử lý của địa phương. Ngay sau khi xảy ra sự cố, thành phố Hà Nội đã huy động lực lượng phòng cháy chữa cháy, các ngành chức năng tham gia ứng phó, xử lý kịp thời.

Trước lo ngại của người dân, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT theo dõi sát vụ việc; chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất, không khí, nước, trầm tích đáy và tàn dư tro xỉ sau sự cố để đánh giá dư lượng hóa chất còn lại trong các thành phần môi trường để đề xuất các biện pháp xử lý. Tổng cục Môi trường cung cấp thông tin như sau:

Từ ngày 30-8-2019 đến ngày 1-9-2019, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh gồm: môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất khu vực xung quanh, cụ thể như sau:

- 12 mẫu nước mặt tại các vị trí: Hồ Hạ Đình (2 mẫu); Hồ Rẻ Quạt (2 mẫu); sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 0,5 km về phía hạ lưu (2 mẫu); sông Tô Lịch cách cống xả tại ngõ 320 Khương Đình 1 km về phía hạ lưu (2 mẫu); sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu (2 mẫu); sông Tô Lịch tại Nghĩa Đô; sông Tô Lịch gần cầu Trung Hòa.

- 08 mẫu nước thải tại các vị trí: Cống xả số 1 cách ngõ 320 Khương Đình trước khi đổ ra sông Tô Lịch (2 mẫu); cống xả số 2 gần ngõ 320 Khương Đình trước khi đổ ra sông Tô Lịch (2 mẫu); hố ga thoát nước tại đường phía sau kho bị cháy; hố ga bên trong Công ty, cạnh sân bóng; hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty; mẫu nước trên sàn bên trong kho bị cháy.

- 06 mẫu không khí ngoài trời tại các vị trí: phía ngoài Công ty (tại hàng rào kho bị cháy, cách hàng rào kho bị cháy 200m, 500 m, 1.000 m); phía bên trong Công ty (trước cửa trạm oxy và phía bên trong khu nhà kho bị cháy).

- 13 mẫu trầm tích, bùn đáy: Hồ Rẻ Quạt; sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 0,5 km về phía hạ lưu (2 mẫu); sông Tô Lịch cách cống xả tại ngõ 320 Khương Đình 1 km về phía hạ lưu (2 mẫu); sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu (2 mẫu); cống xả số 1 cách ngõ 320 Khương Đình trước khi đổ ra sông Tô Lịch (2 mẫu); cống xả số 2 gần ngõ 320 Khương Đình trước khi đổ ra sông Tô Lịch (2 mẫu); sông Tô Lịch tại Nghĩa Đô; sông Tô Lịch gần cầu Trung Hòa.

- 03 mẫu chất thải rắn tại các vị trí bên trong kho chứa đèn huỳnh quang.

Kết quả quan trắc thông số Hg trong không khí, nước mặt, nước thải, đất và chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) từ ngày 30-8-2019 đến 1-9-2019 như sau:

- Có 01/12 mẫu nước mặt hàm lượng Hg vượt QCVN 08-MT:2015 về chất lượng nước mặt là 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch (cách cống xả gom nước thải của Công ty tại ngõ 320 Khương Đình 1,5km). 

So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Việt Nam là thành viên cũng cho kết quả tương tự vượt 1,3 lần đối với hàm lượng Hg có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các điểm quan trắc còn lại, hàm lượng Hg trong nước mặt đạt giá trị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã nêu. 

Giá trị Hg trong đất đo được tại các điểm quan trắc dao động từ 0,12-0,65 mg/kg, trong đó giá trị cao nhất được ghi nhận tại Vườn hoa trong khuôn viên của Công ty. Tham khảo tiêu chuẩn của Canada, nồng độ Hg quan trắc được trong môi trường đất đều không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.

- Có 01/8 mẫu nước thải có giá trị Hg vượt QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp là 2,76 lần tại Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty;

- Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN 43:2017/BTNMT về chất lượng trầm tích. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty (ngõ 320 Khương Đình) là 01 km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 43:2017/BTNMT 6,1 lần;

- Có 01 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài (được xem là môi trường không khí xung quanh tại đô thị) có giá trị Hg vượt QCVN 06:2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ).

So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) cũng cho kết quả hàm lượng Hg tại vị trí nêu trên vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người (WHO ước tính nồng độ được phép khi tiếp xúc qua đường hô hấp với kim loại Hg trong không khí trong thời gian dài là 0,2 µg/m3; ngưỡng rủi ro tối thiếu ATSDR là 0,2 µg/m3).

Các mẫu không khí còn lại tại các vị trí: trước cửa trạm oxy bên trong Công ty, phía bên ngoài tường khu nhà kho bị cháy cạnh khu dân cư 342 Khương Đình, cách Công ty 200 m, 500 m và 1.000 m có dư lượng Hg trong không khí bảo đảm chất lượng môi trường không khí xung quanh theo QCVN 06:2009/BTNMT và tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, ATDSR.

Các kết quả quan trắc nêu trên chỉ phản ánh hiện trạng môi trường sau 02 - 05 ngày xảy ra sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, trong quá trình cháy, hầu hết lượng Hg trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy.

Tại thời điểm cháy, lượng Hg và các chất khí độc hại đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh; theo dữ liệu khí tượng thủy văn và mô hình lan truyền ô nhiễm, ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200 m tính từ tường rào của Công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 m.

Kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh ngoài hàng rào Công ty cho thấy mặc dù hàm lượng Hg không vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng đã xác định được hàm lượng đáng kể (thời điểm quan trắc, trời mới mưa, mát với nhiệt độ thấp), đặc biệt do đặc thù Hg là kim loại tồn tại ở dạng lỏng, không tan trong nước, rất nặng và dễ sa lắng, dễ bốc hơi ngay cả ở nhiệt độ thường và có thể còn nằm lại trên các mái nhà, cây cối, trên các bề mặt và các vật dụng lưu chứa hở, nên có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại môi trường.

Do vậy, khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của Công ty cần thực hiện các biện pháp như: phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở…

Đối với người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám sức khỏe định kỳ; đối với người người dân trong bán kính từ 200 m – 500 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc Hg.

Để xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, Bộ TN&MT đề nghị Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường; đối với chất tàn dư sau vụ cháy, tiến hành thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để tiến hành xử lý theo quy định; phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy bằng bột lưu huỳnh, sau đó bê tông hóa đối với chất thải nguy hại.

Tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hoá, nguyên liệu vật liệu sử dụng đã bị cháy, đặc biệt là việc sử dụng thuỷ ngân lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, báo cáo các cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng thuỷ ngân phát tán ra môi trường. Tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho cán bộ, công nhân và người lao động của Công ty.



Hiệp Bình
.
.
.