Nhiều công trình tiền tỷ bỏ hoang

Thứ Năm, 22/06/2017, 08:59
Trong những năm qua, nhiều công trình phúc lợi dân sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được đầu tư, xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân miền núi. Tuy nhiên, do thiếu tính toán, không phù hợp với thực tế… khiến hàng loạt công trình bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn...


Từ kênh thủy lợi 25 tỷ bỏ hoang…

Nhằm phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho hơn 200ha cây trồng tại địa bàn xã Cư Mlanh, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, năm 2008, tuyến kênh Hồ thủy lợi Ea Súp Thượng được khởi công xây dựng. Là hệ thống kênh mương bê tông kiên cố có chiều dài hơn 4km, với tổng kinh phí đầu tư lên đến 25,34 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 

Đầu năm 2012, công trình hoàn thành và được bàn giao lại cho Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý. Tuy nhiên, chỉ sau ngày khánh thành, công trình đã bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng và không phát huy tác dụng.

Ông Thái Văn Châu (45 tuổi, trú tại thôn 5, thị trấn Ea Súp) cho biết, cũng như bao bà con sinh sống dọc theo tuyến kênh, khi thấy được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình dẫn nước về tận ruộng thì mừng lắm. 

“Sau một thời gian xây dựng, tuyến kênh này chỉ có nước duy nhất trong ngày khánh thành. Còn từ đó đến nay bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm và nhiều đoạn đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù nằm sát bờ kênh nhưng gia đình tôi phải bỏ ra hàng chục triệu đồng mỗi năm để đào ao, lấy nước tưới tiêu cho hơn 6ha cây ăn trái. Đầu tư công trình hoành tráng như vậy mà không có tác dụng thì khác nào “ném tiền qua cửa sổ”, ông Châu thất vọng nói.

Công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Cư Bông nằm “đắp chiếu” sau khi chạy thử được 2 tuần.

Ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN&PTNT), đơn vị chủ đầu tư, cho biết về vấn đề xây dựng công trình, đơn vị đảm bảo thi công theo đúng thiết kế dự án đầu tư và đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt. 

“Theo quy định, sau khi hoàn thành, toàn bộ công trình đã được bàn giao lại cho Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk khai thác, quản lý, vận hành. Đơn vị này có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và sử dụng phát huy hiệu quả, chủ đầu tư không có trách nhiệm trong việc này”, ông Vượng cho hay. 

Tuy nhiên, khi được phóng viên thông tin về tình trạng công trình đang bị xuống cấp, không phát huy hiệu quả thì ông Vượng cho rằng, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, làm việc với tỉnh Đắk Lắk và có báo cáo với Bộ NN&PTNT để có hướng khắc phục.

Còn ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk tại huyện Ea Súp lại cho rằng, để phát huy tác dụng tưới tiêu của tuyến kênh thì phải đầu tư, xây dựng thêm hệ thống kênh cấp 1,2 và 3. 

“Những tuyến kênh hệ thống này không nằm trong danh mục dự án. Do vậy, để xây dựng phải trích từ nguồn kinh phí của huyện. Tuy nhiên, do kinh phí chưa có nên chưa thể triển khai. Cũng vì lý do này mà tuyến kênh bị bỏ hoang, không phát huy tác dụng. Là một huyện biên giới, nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu của bà con là rất cao, nhất là vào mùa khô. Do đó, để phát huy hiệu quả khai thác của tuyến kênh, các cấp cần quan tâm cho đầu tư các tuyến kênh đấu nối để tránh gây lãng phí tiền của Nhà nước”, ông Dũng kiến nghị.

Đến công trình nước sạch tiền tỷ “đắp chiếu”

Đó là công trình nước sạch ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar. Là một trong những công trình được xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, với tổng kinh phí đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng với mục đích cấp nước sạch cho 275 hộ dân thuộc buôn Trưng, thôn 20 và thôn 21 của xã Cư Bông. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành vào năm 2015, chỉ sau 2 tháng hoạt động, công trình đã phải “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa.

Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc HTX Toàn Thắng (đơn vị quản lý vận hành và khai thác) thì chỉ sau 2 tháng chạy thử, đơn vị đã bị thua lỗ gần 13 triệu đồng nên không có kinh phí để tiếp tục vận hành. “Bên cạnh đó, nguồn nước để cho công trình hoạt động được lấy từ đập Buôn Trưng nhưng mỗi khi mùa khô đến, nước ở con đập này thường bị khô hạn nên công trình đành phải bỏ hoang”, ông Hải cho hay.

Còn theo phản ánh của các hộ dân, sau khi công trình nước sạch đi vào hoạt động, người dân chỉ được sử dụng nguồn nước trong đúng một tuần và ngừng sử dụng cho đến nay. Từ đó, nhiều hạng mục của công trình bị xuống cấp, máy móc, hệ thống lọc nước không thể vận hành, đường ống dẫn nước sạch đến nhà dân bị hư hỏng nặng, nhiều máy bơm nước bị mất trộm…

Ông Võ Hồng Khanh (67 tuổi, trú tại thôn 20) cho hay, nhiều năm nay người dân ở đây không có nước sạch để dùng mà phải sinh hoạt bằng nguồn nước từ hệ thống máy bơm, giếng đào... “Chúng tôi mong mỏi có nguồn nước sạch để sử dụng từ lâu. Sau khi thấy Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thì bà con nơi đây vui mừng lắm. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần đi vào hoạt động, công trình ngưng cấp nước và bị bỏ hoang từ đó đến nay”, ông Khanh chia sẻ.

Theo ông Phạm Tấn Lực, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Ea Kar, trước đây nguồn nước tại đập Buôn Trưng rất dồi dào, nhưng gần đây do diện tích rừng xung quanh bị tàn phá, nguồn sinh thủy bị cạn kiệt, dẫn đến đập Buôn Trưng bị cạn nước và công trình phải ngừng hoạt động. “Hơn nữa, khi công trình hoạt động không hiệu quả, bị thua lỗ và phải ngừng hoạt động, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Toàn Thắng lại không báo cáo lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời nên công trình đành phải “đắp chiếu””, ông Lực cho hay.

Cũng theo ông Lực, sau khi có phản ánh của phóng viên, đơn vị sẽ cho tiến hành khảo sát, tìm hướng giải quyết những khó khăn, khắc phục các nguyên nhân để đưa công trình vào hoạt động. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cần nhanh chóng vào cuộc, tìm phương án khắc phục các nguyên nhân, tu sửa các hạng mục, công trình này để đưa vào hoạt động tránh lãng phí tiền của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan trong việc để các công trình bị bỏ hoang, xuống cấp.

Văn Thành
.
.
.