Những công trình dân sinh tiền tỷ bị bỏ hoang

Chủ Nhật, 09/04/2017, 10:44
Bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, một số tỉnh thành ở miền Trung đã đầu tư xây dựng các công trình dân sinh như nhà máy cấp nước sạch, trạm bơm thủy lợi, kênh mương... với kinh phí từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khởi công, nhiều công trình đã phải chịu cảnh “đắp chiếu”, gây lãng phí.


Những năm trở lại đây, tại tỉnh Thừa Thiên- Huế có rất nhiều công trình phục vụ dân sinh như trường học kết hợp nhà tránh bão lũ, đập thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, kè biển chống sạt lở... được khởi công xây dựng bằng các nguồn vốn. Bên cạnh những công trình được sử dụng đúng công năng, đem lại hiệu quả thì vẫn còn nhiều công trình bỏ hoang phơi mưa nắng.

Một trong số đó là công trình thủy lợi Phú Sơn-Trung Tiến được đầu tư xây dựng từ năm 2003 tại xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) với kinh phí 2 tỷ đồng với các hạng mục như trạm bơm, trạm biến áp, kênh mương bê tông. Suốt 14 năm qua, công trình thủy lợi này vẫn bị “đắp chiếu” trong khi hàng chục héc ta ruộng đất tại xã Lộc Tiến phải bỏ hoang do thiếu nước.

Công trình cấp nước sạch ở xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bỏ hoang.

Tương tự tình trạng trên là công trình kênh mương xây dựng với kinh phí 3,5 tỷ đồng từ vốn đầu tư của Nhà nước thuộc dự án thủy lợi Tây Nam Hương Trà được tỉnh Thừa Thiên- Huế khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn không phát huy được hiệu quả.

Ông Ngô Quang Thảo, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân thừa nhận: “Công trình thủy lợi hoàn thiện từ nhiều năm trước nhưng nay vẫn bỏ hoang gây lãng phí rất lớn, khiến 150ha đất đồng ruộng của nông dân địa phương gặp khó khăn trong việc tưới tiêu khi vào mùa vụ sản xuất, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng do thiếu nước...”.

Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, hơn 1.800 hộ dân sinh sống tại 11 thôn của xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) luôn phải sử dụng nguồn nước giếng khơi và các nguồn nước hợp vệ sinh khác vì địa phương chưa có hệ thống cấp nước sạch theo tiêu chuẩn. Đặc biệt vào mùa khô, người dân các thôn của xã Hải Chánh luôn đối mặt với cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Trước vấn đề này, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước xã Hải Chánh với tổng số vốn hơn 20,4 tỷ đồng do Công ty CP Nước sạch Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Công trình này sau đó được điều chỉnh với nguồn vốn lên đến hơn 30 tỷ đồng, trong đó 19 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, hơn 8,3 tỷ đồng do Chính phủ Italia tài trợ và 3 tỷ đồng còn lại được huy động từ đơn vị chủ đầu tư dự án.

Tháng 6-2014, công trình được khởi công xây dựng trên diện tích khoảng 1ha tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, gồm các hạng mục như trạm bơm có diện tích sàn 54m2, khu xử lý cụm lắng đứng, lọc nhanh hộp khối, bể lọc nhanh, bể lọc đứng có ngăn trộn, bể chứa nước sạch dung tích 500m3, 2 trạm bơm và nhà hóa chất 100m2, nhà điều hành 67m2, bể xử lý bùn, hệ thống cấp điện cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác...

Người dân xã Hải Chánh rất đỗi vui mừng khi đến cuối năm 2015, các hạng mục xây dựng thuộc công trình cấp nước sạch này đã hoàn thiện tiến độ đạt 80%. Tuy nhiên từ đó đến nay, công trình này lại bị ngừng xây dựng và bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Do công trình được xây dựng trên khu đất cao, bao quanh là hệ thống tường rào bê tông kiên cố nên từ khi bị bỏ hoang, nhiều hộ dân địa phương đã tận dụng nơi này thành nơi chăn thả trâu, bò.

Theo ông Hồ Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh: “Nếu hoàn thành đúng kế hoạch thì công trình sẽ đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho 1.556 hộ dân (8.190 nhân khẩu) của xã, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Khi thấy công trình bỏ hoang, xã đã kiến nghị lên HĐND các cấp cùng các cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục, đưa công trình vào sử dụng nhằm tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư nhưng vẫn chưa có kết quả”.

Trao đổi với PV, ông Lê Thành Ty, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Trị cho hay, nguyên nhân khiến công trình bị ngưng giữa chừng là do thiếu vốn.

Ông Ty còn cho biết, gói hàng hóa, vật tư, trang thiết bị nhà máy cấp nước Hải Chánh trị giá 8,3 tỷ đồng là nguồn vốn đầu tư ODA song phương của Chính phủ Italia hỗ trợ theo chương trình “Hỗ trợ hàng hóa, vật tư ngành nước giai đoạn II” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên hiện đơn vị chủ đầu tư vẫn phải đang chờ cấp gói hỗ trợ này.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị cần có biện pháp khắc phục để đưa các công trình thủy lợi đã xây dựng bị bỏ hoang lâu năm kể trên vào sử dụng; riêng công trình cấp nước sạch xã Hải Chánh chưa hoàn thiện cần được tiếp tục xây dựng để tránh lãng phí nguồn vốn, giúp nhân dân sớm được hưởng lợi từ dự án đầu tư.

Anh Khoa
.
.
.