Xây dựng thuỷ điện trong vùng lõi VQG Yok Đôn: Luật nào cho phép phá rừng quốc gia?
- Nan giải nạn phá rừng ở Krông Pa, Gia Lai
- Khởi tố vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh
- Giải quyết dứt điểm tình trạng di dân tự do phá rừng tại Mường Nhé
VQG Yok Đôn nằm trên địa bàn các xã: Krông Na (huyện Buôn Đôn), xã Ea Bung, Chư M'Lanh (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) và xã Ea Pô (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Nơi đây có tổng diện tích 115.545ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 80.947ha, phân khu phục hồi sinh thái là 30.426ha và phân khu dịch vụ hành chính là 4.172ha.
Rừng ở Yok Đôn chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Yok Đôn cũng là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này. Khu vực này có hệ sinh thái tương đối phong phú với 63 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư, 464 loài thực vật… Trong số này, có một số loài quý hiếm như voi rừng, trâu rừng, bò tót khổng lồ…
Việc tỉnh Đắk Lắk cho phép Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới - TECCO khảo sát, lập dự án Nhà máy Thủy điện Đrăng Phốk với công suất 28MW thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận cũng như giới khoa học. Các chuyên gia cho rằng đây là việc làm trái luật và sẽ phải trả giá đắt.
Dự án thuỷ điện Đrăng Phốk vốn đã được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đồng ý về mặt chủ trương từ năm 2007. Dự kiến, diện tích rừng đặc dụng phải chuyển đổi làm dự án này khoảng 63ha, trong đó diện tích chuyển đổi vĩnh viễn khoảng 53ha (trải dài theo 9km bờ sông Serepok) và diện tích chuyển đổi tạm thời là 10ha.
Do vị trí xây dựng nhà máy nằm ngay trong vùng lõi VQG Yok Đôn nên lãnh đạo VQG Yok Đôn kiên quyết phản đối. Tuy nhiên, tháng 5-2013, tỉnh Đắk Lắk vẫn cho TECCO tiếp tục thực hiện dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Nếu được thông qua, đây sẽ là công trình thứ 8 trên dòng Serepok.
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho biết, việc xây dựng thuỷ điện trong vùng lõi VQG là không thể chấp nhận.
Với công suất 28 MW, đây là công trình thuỷ điện nhỏ, không có giá trị nhiều về mặt thương phẩm điện trong khi lại phải đánh đổi bằng tổn thất lớn về sinh thái, môi trường.
"Tây Nguyên đang phải trả giá vì việc phát triển thuỷ điện ồ ạt. Tôi cho rằng, Tây Nguyên đã làm quá nhiều thuỷ điện rồi, chỗ nào có tiềm năng đều đã làm hết rồi. Hạn hán ở Tây Nguyên cũng là do thuỷ điện đã tích hết nước các dòng sông trong khi thảm thực vật thì không còn. Nếu vẫn cố tình xây dựng Đrăng Phốk, Tây Nguyên sẽ phải hứng chịu tổn hại không lường hết. Không ở nước nào cho phép phá rừng trong vùng lõi VQG để làm thuỷ điện. Như thế là trái luật", GS Hồng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư kí Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Đrăng Phốk sẽ là bài toán đánh đổi mà tổn thất gây ra là cực kì nghiêm trọng. "Nguyên tắc là không được xây dựng gì trong khu vực vùng lõi VQG, đó là luật rồi. Lẽ ra tỉnh Đắk Lắk phải nhận thức được điều này. VQG là rất hiếm, rất quý, phải bảo vệ nghiêm ngặt", TS Tứ nói.
Đứng trên góc độ sinh thái, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam khẳng định, việc chuyển đổi vĩnh viễn 53 ha diện tích rừng khu vực vùng lõi sẽ gây ra sự xáo trộn mạnh mẽ về mặt sinh thái.
Trước lập luận của chủ đầu tư cho rằng khu vực dự kiến xây dựng thuỷ điện là rừng nghèo, ông Long nói: "Không thể lấy cớ rừng nghèo để phá rừng làm thuỷ điện, lí do này không thuyết phục. Ngay cả một cái đầm lầy, người ta tưởng nó không có ý nghĩa gì nhưng nó lại điều tiết tất cả mọi thứ bên trong, nó là một hệ sinh thái tự nhiên. Kể cả là rừng nghèo, theo quy luật tự nhiên, nó vẫn biến đổi để phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng... Các tác động cưỡng bức từ bên ngoài sẽ để lại hậu quả nguy hiểm. Đứng trên góc độ bảo tồn, khu vực VQG phải được giữ nguyên vẹn, ngay cả vùng đệm cũng không được tác động chứ đừng nói là vùng lõi. Thậm chí nếu có người dân sinh sống trong vùng lõi VQG, Ban quản lí còn phải xem xét, chuyển họ ra ngoài để tránh xáo trộn".