Những ẩn họa khôn lường từ giao thông đường thủy tại ĐBSCL
- Ẩn họa từ những bất cập giao thông thủy ở Lai Châu
- Hiểm hoạ từ phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải
- Hơn 3.000 tàu thủy chở khách quá hạn đăng kiểm
ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) của khu vực có tổng chiều dài 14.826,4km; trong đó, ĐTNĐ quốc gia là 2.882km và ĐTNĐ địa phương là 11.944,4km.
Từ 2005-2015, toàn vùng xảy ra 1.206 vụ tai nạn giao thông (TNGT) ĐTNĐ (chiếm 60,30% số vụ cả nước), làm chết và mất tích 668 người. Riêng năm 2015, toàn vùng xảy ra 57 vụ TNGT ĐTNĐ, làm chết 45 người, bị thương 15 người, chìm đắm 69 phương tiện, gây thiệt hại 7,34 tỉ đồng…
Cách nay mấy hôm, anh Mai Văn Tính (23 tuổi, ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cùng vợ điều khiển ghe gỗ biển số CT 03603 chở 30 tấn xi măng lưu thông trên nhánh sông Tiền từ hướng Hồng Ngự đi Cao Lãnh. Ghe lưu thông đến thủy phận thuộc ấp Thạnh An, xã Tân Long (huyện Thanh Bình) thì bất ngờ bị sà lan phía sau tông mạnh, làm sập cabin gỗ. Sự cố xảy ra đã làm chị Trinh (19 tuổi, vợ anh Tính) bị chấn thương vùng đầu, ngã xuống sông tử vong.
Do thuyền trưởng ngủ gật, chiếc sà lan này đã đâm chìm 5 bè cá diêu hồng của người dân huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). |
Khi xảy ra tai nạn, sà lan này được giao cho ông Sánh điều khiển. Qua làm việc, ông Sánh thừa nhận không có bằng cấp chuyên môn, không có kinh nghiệm xử lý tình huống nên gây tai nạn.
Cuối tháng 3-2016, ông Võ Văn Bình (50 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Đồng Tháp) điều khiển canô không biển số, chở 4 người lưu thông trên kênh xáng Sa Đéc – Lấp Vò (qua thủy phận thuộc huyện Châu Thành). Trong lúc lưu thông, ông Bình không làm chủ tay lái đã tông vào nhà sàn của người dân nằm cặp bờ kênh thuộc ấp Hòa Nhì (xã Tân Bình).
Vụ tai nạn khiến Bình cùng một người trên canô bị thương nặng. Qua điều tra, ông Bình không có chứng chỉ chuyên môn, trong lúc điều khiển phương tiện thủy đã không làm chủ được tay lái, tốc độ dẫn đến tai nạn…
Hôm về Miệt Thứ, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Út (ngụ xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Ông Út thú thật: “Nhà tôi có một chiếc vỏ lãi, nhưng ba năm nay chưa đi đăng kiểm lần nào”.
Nói về lý do không đi đăng kiểm, ông Út cho biết: “Trước giờ chạy đại vậy, chứ không đi đăng kiểm vì có thấy ai bắt bớ gì đâu. Nói thật là thôn quê chúng tôi ít thấy lực lượng chức năng đi tuần, nên mọi người cứ chạy thoải mái”.
Theo ông Út, bản thân ông cũng không nghe chính quyền nhắc nhở về chuyện đăng ký, đăng kiểm vỏ lãi. Một nông dân khác là ông Nguyễn Văn Em (ngụ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng) cũng có một chiếc vỏ lãi. Năm năm nay chiếc vỏ lãi ấy cứ chạy “lụi” trên các tuyến sông mà chẳng cần biết có phải đăng ký hay không.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Đăng kiểm Kiên Giang cho biết, theo số liệu thống kê có gần 60.000 phương tiện vỏ máy được đăng ký đăng kiểm. Trong khi con số vỏ máy ở trong dân là khoảng 80.000 chiếc.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi số liệu này từ khi nào, ông Vinh cho biết là số liệu thống kê từ năm 2007. Và từ đó cho đến nay chưa thống kê lại lần nào.
Ông Vinh cũng nhấn mạnh, lý do người dân không đến đăng ký đăng kiểm vỏ máy là ý thức của người dân chưa chấp hành đúng pháp luật. Hầu hết các phương tiện chưa đăng ký đăng kiểm là những phương tiện nhỏ lẻ, người dân chỉ dùng để di chuyển trong gia đình, không kinh doanh.
Tại Đồng Tháp, năm 2015, tổng số phương tiện thủy đăng kiểm đang hoạt động trên địa bàn quản lý được là trên 21.000 phương tiện.
“Trung bình mỗi năm, số phương tiện tái đăng kiểm chưa đến 3.000 (chiếm 15%). Thực tế số phương tiện không đăng kiểm là rất lớn vì vào thời điểm năm 2007, trung tâm đã tiến hành tổng điều tra số lượng phương tiện bắt buộc phải đăng kiểm lên đến 49.091 chiếc. Từ đó đến nay, số phương tiện được đóng mới mỗi ngày mỗi tăng” - ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cho biết.
Được biết, từ đầu năm 2016, trung tâm đã hợp đồng đến từng huyện, thị xã, phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng bố trí lịch đăng kiểm, địa điểm phù hợp để người dân đỡ tốn thời gian, tiền bạc cho việc đăng kiểm phương tiện. Nhưng 6 tháng đầu năm, chỉ cóá trên 1.100 phương tiện tái đăng kiểm.
Tương tự như vậy, tại Cần Thơ, công tác đăng ký, đăng kiểm trong những tháng đầu năm 2016 cũng hết sức khiêm tốn, chỉ khoảng 1.000 lượt phương tiện.
“Luật Đường thủy nội địa đã có hiệu lực từ lâu, trong đó các phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm đúng quy trình. Tuy nhiên, do phong tục tập quán của người dân ĐBSCL là bơi lội giỏi nên họ chủ quan trong việc đăng ký đăng kiểm. Chính vì vậy, họ cứ nghĩ đóng xong phương tiện là đi, không cần đăng ký đăng kiểm. Hiện chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền cho người dân ý thức được việc đăng ký, đăng kiểm đúng quy định mà thôi” - một cán bộ tại Trung tâm Đăng kiểm địa phương này cho biết.