Ẩn họa từ những bất cập giao thông thủy ở Lai Châu

Thứ Sáu, 26/02/2016, 09:28
Từ khi thủy điện Sơn La đưa vào sử dụng, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã có một nguồn lợi không nhỏ từ hệ thống giao thông đường thủy. Phương tiện thủy tăng mạnh sau khi có lòng hồ thủy điện. Thế nhưng, hiện đang tồn tại tình trạng người dân thì không có chứng chỉ vận hành tàu thuyền, phương tiện cũng không được đăng kiểm. Công tác quản lý của lực lượng Cảnh sát giao thông vì thế mà gặp nhiều khó khăn.

Tại bến Lai Hà, sông Nậm Na thuộc bản Phiêng Ban, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, những chiếc thuyền của bà con bản Phiêng Ban đang neo đậu, cạnh đó là những đống củi vừa được chuyển lên bờ. Anh Lường Văn Duyên chỉ vào con thuyền gỗ nói: “Thuyền này tôi tự làm để chở củi, chở ngô”. Anh kể, trước đi lại khó khăn, giờ có nước thủy điện, đi lại dễ dàng hơn.

Anh Điêu Văn Tiếng cho biết: “Tôi đi thuyền từ nhỏ nhưng không đi nhiều. Trước đây con sông này nhiều thác ghềnh, đi thuyền sợ lắm. Giờ thì thoải mái rồi, chúng tôi dùng thuyền đi thăm bà con, chở hàng hóa…”. Câu chuyện của hai cư dân bên bờ sông Nậm Na cho thấy, có một sự thay đổi không hề nhỏ từ khi vận hành thủy điện ở khu vực này.

Cảnh sát giao thông tỉnh Lai Châu tuyên truyền, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các thủy điện như: Thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu trên sông Đà; thủy điện Huội Quảng trên sông Nậm Mu, thủy điện Nậm Na 1,2,3 trên sông Nậm Na đưa vào sử dụng, hệ thống giao thông đường thủy nội địa được hình thành rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Các tuyến đường thủy này gồm 3 tuyến sông chính là sông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Mu. Tuyến sông Đà có tổng chiều dài 270km, sông Nậm Na dài 94km, sông Nậm Mu dài 75km. Tuyến đường thủy nội địa có 8 công trình cầu vượt bắc qua sông Đà và Nậm Na.

Trước khi có thủy điện, vào mùa khô, nước trên các tuyến sông, suối thường cạn, tàu thuyền khó khăn đi lại. Nhưng vào mùa mưa lũ, nước lũ đầu nguồn đổ về lớn, lại thường xuyên có lũ ống. Trong khi đó, lòng sông lắm thác gềnh, nước chảy siết, nếu sử dụng các tuyến đường thủy này để đi lại, kiếm sống thì chẳng khác gì đánh đu với tử thần. Phương tiện mà cư dân hai bên bờ sử dụng để đi lại trên sông chủ yếu là thuyền gỗ độc mộc, bởi thế, nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn.

Sau khi một số công trình thủy điện tích nước và đưa vào khai thác, hệ thống giao thông thủy đã phát huy hiệu quả. Phấn khởi trước những thuận lợi mà giao thông thủy mang lại, bà con địa phương sống hai bên dọc sông sử dụng thuyền để đánh bắt thủy sản, đi lại làm nương rẫy và vận chuyển hàng hóa. Được coi là đường giao thông có lưu lượng phương tiện sử dụng khá cao, nhưng hoạt động giao thông ở đây đã cho thấy nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Đại úy Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 3 Lai Hà (Phòng CSGT Công an tỉnh Lai Châu) cho biết, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Đội còn phụ trách 2 tuyến giao thông đường thủy trên sông Nậm Na và sông Đà. Nhận nhiệm vụ là vậy nhưng cán bộ CSGT của Đội chưa có sự chuẩn bị trước về cả kiến thức và phương tiện để duy trì an toàn giao thông đường thủy. Công tác đảm bảo an toàn cho người dân trên sông chủ yếu chỉ là tuyên truyền, nhắc nhở bà con mang áo phao và dụng cụ nổi.

Đại tá Nguyễn Văn Luy, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Lai Châu nói về những bất cập của giao thông thủy: Toàn bộ các tuyến đường thủy nói trên duy nhất chỉ có tuyến Sơn La - Lai Châu đã được quy hoạch công bố dài 175km (từ thượng lưu đập thủy điện Sơn La đến cảng Nậm Nhùn hạ lưu đập thủy điện Lai Châu) có hệ thống phao tiêu biển báo.

Những tuyến đường thủy còn lại dù người dân đã khai thác, sử dụng nhưng chưa được các cơ quan chức năng khảo sát, quy hoạch. Chưa có hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu, bến neo đậu tàu, thuyền, phân cấp quản lý. Hoạt động giao thông thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu đều mang tính tự phát, người điều khiển phương tiện phần lớn chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy. Tuyến đường thủy chưa được phân tuyến, phân luồng đặt phao tiêu, biển báo và bến neo đậu tàu, thuyền…

Sau khi có lòng hồ thủy điện, các phương tiện giao thông thủy phát triển mạnh, hiện toàn tỉnh có khoảng trên 660 thuyền gắn động cơ và thuyền chèo tay. Hầu hết số phương tiện thủy trên 5 mã lực chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Bên cạnh đó, đăng kiểm viên đường thủy của địa phương còn thiếu, toàn tỉnh hiện mới có một đăng kiểm viên vỏ tàu, chưa có đăng kiểm viên máy tàu nên rất khó khăn trong công tác đăng kiểm tại địa phương. Lai Châu cũng chưa có cơ sở đào tạo dạy nghề cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên người lái phương tiện thủy nội địa, vì vậy công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ còn nhiều khó khăn. Thực trạng đó ảnh hưởng đến công tác đảm bảo TTATGT đường thủy.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Lai Châu có tổng số 25 bến thủy và 1 cảng chuyên dùng thủy điện Lai Châu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ đầu tư xây dựng 1 cảng chuyên dùng thủy điện Lai Châu để phục vụ công trình thủy điện Lai Châu ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn.

Trước sự phát triển giao thông thủy ở địa phương và những khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, Phòng CSGT Công an tỉnh Lai Châu đã đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục triển khai công tác phổ biến pháp luật, bồi dưỡng tập huấn miễn phí cho người lái phương tiện và hỗ trợ đăng kiểm viên, cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện… Đồng thời bổ sung hệ thống phao tiêu, biển báo, xây dựng bến bãi neo đậu tàu thuyền và các trang thiết bị cho công tác đảm bảo ATGT. Những việc đó cần làm ngay thì mới mong hoạt động giao thông thủy trên địa bàn lòng hồ thủy điện diễn ra an toàn.

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.