Giao thông thuỷ ở Cần Thơ: Hiểm hoạ từ phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải

Thứ Ba, 04/07/2006, 08:25

Giao thông thủy là ưu thế trong vận chuyển hàng hóa ở Cần Thơ với trên 200km đường thuỷ (chưa kể các tuyến giáp ranh với các tỉnh khác). Thế nhưng, tình trạng ghe, tàu, xà lan vận chuyển vật liệu xây dựng không tuân thủ nguyên tắc an toàn, chở quá tải đang diễn ra khá phổ biến.

Ông Năm, chủ ghe chở cát có trọng tải 60 tấn (quê tỉnh Vĩnh Long), hàng ngày thường xuyên mua cát từ các điểm khai thác cát trên sông Hậu chở về bơm cát cho một số công trình tại khu đô thị mới Nam Cần Thơ lý giải về lỗi vi phạm của mình: "Khi các xáng cạp múc cát từ dưới sông lên ghe thì phải có nước. Dù biết quá tải nhưng ghe vừa chạy, tui vừa hút nước thì sẽ không còn quá tải nhưng nước chưa rút ra là bị mấy ông CSGT đường thủy "thổi" rồi. Mà chở cát đúng tải, không quá vạch mớn nước thì chúng tôi chỉ đủ tiền đổ dầu, lấy đâu có lời". Chính cái kiểu suy nghĩ ấy nên phương tiện của ông đã nhiều lần phải nộp phạt vì lỗi vi phạm.

Tình trạng vi phạm chở quá tải diễn ra phổ biến tại Cần Thơ, vi phạm lâu thành quen, nhiều chủ phương tiện cứ làm liều. Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tàu 350 tấn ở Bạc Liêu "hồn nhiên" cho biết: "Đâu phải mình tui vi phạm, anh hỏi hết giới ghe, tàu chở vật liệu xây dựng xem họ có vi phạm không? Ai xui xẻo thì bị phạt thôi(!?)". Chính "cái xui cố ý" ấy nên ông Phương phải lãnh biên bản xử phạt hành chính vi phạm an toàn giao thông vì lỗi chở quá tải là 350.000 đồng.

Ông Phương thường xuyên lên vùng An Giang, Kiên Giang mua gạch chở về Cần Thơ bán. Tàu của ông được phép chở 13 tấn nhưng ông thường chở đến 15-16 tấn. Theo lý giải của ông, trót lọt thì kiếm lời mỗi chuyến 400.000 - 500.000 đồng. Với cách suy nghĩ chủ quan, cố tình vi phạm nên họ tìm mọi cách "mua chuộc" lực lượng kiểm tra. Thời gian qua, lực lượng CSGT đường thủy Cần Thơ đã phát hiện 14 trường hợp đưa hối lộ với số tiền 2,85 triệu đồng, báo cáo lên cấp trên xử lý.  

Trong 6 tháng đầu năm 2006, lực lượng CSGT đường thủy - Công an TP Cần Thơ đã kiểm tra, phát hiện 1.825 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong đó có đến 1.116 phương tiện vi phạm lỗi chở quá tải.

Chưa có điểm hạ tải, tạm giữ phương tiện vi phạm

Đại úy Nguyễn Văn Tích, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát - Phòng CSGT đường thủy - Công an TP Cần Thơ cho biết: "Tình trạng vi phạm an toàn giao thông thủy - chở quá tải chiếm trên 80% số trường hợp mà chúng tôi xử lý trong 6 tháng đầu năm. Nhiều chủ phương tiện chở quá tải, xử lý cả 10 lần nhưng họ cứ vi phạm, vì hiện nay chưa có biện pháp xử phạt kèm theo như tạm giữ phương tiện hoặc cho hạ tải. Nhiều khi xử phạt rồi cho phương tiện tiếp tục đi, chúng tôi rất lo vì các phương tiện chở quá tải rất nguy hiểm khi gặp mưa to, gió lớn…".

Cũng theo Đại úy Nguyễn Văn Tích thì tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng ở TP Cần Thơ kèm theo lợi nhuận cao từ vận chuyển là nguyên nhân khiến các phương tiện giao thông thủy chở vật liệu xây dựng vi phạm quá tải tăng cao. Căn cứ theo Nghị định 09/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính an toàn giao thông thủy thì các phương tiện vi phạm chở quá tải vạch mớn nước an toàn từ 1/2 đến 1/5 chiều cao của phương tiện, bị xử lý từ 50.000 đồng đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính về vi phạm trật tự an toàn giao thông thủy chưa đủ "nặng ký" để làm giảm tình trạng chở quá tải.

Cũng theo Nghị định này, ngoài việc xử phạt hành chính, các địa phương được phép tạm giữ phương tiện vi phạm và cho hạ tải đối với những phương tiện chở quá tải, không đảm bảo an toàn giao thông thủy. Tuy nhiên, Cần Thơ vẫn chưa thực hiện được biện pháp này vì chưa có bãi hạ tải, lưu giữ phương tiện vi phạm.

Trong nhiều cuộc họp, Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý tình trạng các phương tiện giao thông thủy vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để các phương tiện vi phạm an toàn giao thông vẫn chưa thực hiện hiệu quả.

Thượng tá Bùi Văn Đấu, Trưởng phòng CSGT đường thủy - Công an TP Cần Thơ cho biết: "Theo chỉ đạo của Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ và Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ, chúng tôi tiến hành khảo sát những địa điểm để xây dựng bãi hạ tải đối với những phương tiện vi phạm quá tải. Thế nhưng, vẫn chưa tìm được địa điểm thuận lợi. Nguyên nhân do không còn quỹ đất ven sông, khu vực này đều đã có chủ quản lý, sử dụng, muốn trưng dụng một phần đất lớn để làm bãi hạ tải phải đền bù, giải tỏa cho người dân với kinh phí rất lớn". Vì vậy trước mắt, lực lượng CSGT đường thủy vẫn chỉ có biện pháp tăng cường TTKS, xử lý và nhắc nhở giáo dục chủ phương tiện nhằm nâng cao nhận thức của họ trong việc chấp hành an toàn giao thông đường thủy

Nam Giao
.
.
.