Công nghiệp ô tô trông đợi “chính sách đặc sắc” để phát triển

Thứ Ba, 22/10/2019, 14:08
Ngành công nghiệp ô tô cần có chính sách đặc sắc nếu muốn bắt kịp các nước trong khu vực. Đây cũng là thông điệp được đưa ra tại hội thảo: Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng ô tô, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 22/10 tại Hà Nội.


Tại hội thảo, các đại diện sẽ thảo luận làm rõ thực trạng, bất cập và hạn chế trong triển khai thực hiện các chính sách và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả mục tiêu của chiến lược công nghiệp hoá.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để phát triển công nghiệp ô tô, song nhìn chung, ngành công nghiệp này của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia, thậm chí cả Philippines.

Bên cạnh đó sản lượng tiêu thụ xe tại Việt Nam hiện chỉ ở mức dưới 300.000 xe/năm, nhưng Thái Lan tiêu thụ khoảng 1 triệu xe/năm. Tuy vậy, nhu cầu mua sắm ô tô của người dân Việt Nam đang ngày càng cao. 6 tháng đầu năm 2019 tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với khối lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước tăng chưa tới 8% so với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều xe ô tô từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia do những ưu đãi về thuế quan khiến giá xe nhập từ các nước này rất cạnh tranh.

Với sản lượng sản xuất không đủ lớn, ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất ô tô cũng khó có cơ hội phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa của xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam chưa cao.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, áp lực cạnh tranh sản xuất, tiêu thụ xe ô tô của Việt Nam với các nước trong khu vực là rất lớn và trực tiếp. Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng năng ngang ngửa với Thái Lan, nhưng Việt Nam lại có quá nhiều bất lợi trong sản xuất xe ô tô, khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu khá nhiều.

Đại diện VAMA dẫn chứng, một nắp bình xăng do nhà sản xuất trong nước chào hàng có giá 3,8 USD, trong khi chi tiết này nhập khẩu chỉ có giá 1,5 USD. Hay Việt Nam thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu sản xuất thép, nhựa cao cấp phục vụ cho công nghiệp ô tô, buộc phải nhập khẩu với chi phí logistic rất cao.

Để ngành công nghiệp ô tô phát triển, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, cần có ưu đãi về chính sách thuế đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, ngoài ra, đối với công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cần có hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay và quỹ phát triển. 


Lưu Hiệp
.
.
.