Chuyện người quản lý:

Công nghiệp ôtô “nuôi” 10 năm không lớn

Thứ Hai, 25/06/2012, 20:40
Giấc mơ một ngày nào đó Việt Nam cho ra đời được những chiếc xe mang thương hiệu của chính mình và một giấc mơ đẹp, nhưng 10 năm đặt niềm tin vừa qua cho lại được kết quả gì?

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2012, thị trường ôtô trong nước có thể chỉ tiêu thụ được khoảng 81.000 xe các loại, quay lại mức sản lượng của năm 2007. Trong khi vào đầu năm, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) dự kiến con số thấp nhất cũng phải đạt 130.000 - 140.000 xe. Sau 10 năm được Nhà nước bảo hộ bằng các chính sách thuế, ngành CN ôtô không những chẳng phát triển mà còn thụt lùi về sản lượng, tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ trên dưới 40%.

Cái gọi là “ngành công nghiệp ôtô Việt Nam” đến nay thậm chí còn bị mang ra so sánh với một cô diva theo cách hài hước kiểu “không tưởng” như “Thanh Lam mà khôn ngoan thì Việt Nam đã có... công nghiệp ô tô”. Thậm chí, cái gọi là “quy hoạch phát triển ngành” hiện cũng chưa trình được lên Chính phủ bởi “ách tắc ở nhiều khâu”.

Trong khi đó, chỉ 6 năm nữa thôi, các sản phẩm ôtô nội địa sẽ phải đối mặt với “cơn lốc” từ các nước ASEAN khác khi các dòng sản phẩm đến từ khu vực này sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Nếu sản phẩm trong nước thua trắng trên sân nhà, thì coi như 16 năm nuôi của Chính phủ thành công cốc.

Trước “thành công” và “sự tiến bộ” của ngành CN này trong suốt 10 năm được bao bọc vừa qua, tại buổi lễ tổng kết hoạt động ngành Công thương cuối năm 2011, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề cập đến việc “xem xét lại” xem ta có thể có một nền CN ôtô sánh cùng thế giới hay chỉ “góp với thế giới cái bù loong cho vui”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào từng nói: “Nước công nghiệp không thể đi bộ!”, thậm chí cũng chẳng nước công nghiệp nào đi xe máy. Thế nhưng, 10 năm qua Chính phủ đã chịu thất thu thuế, nhân dân đã chịu dùng hàng giá cao, chất lượng thấp, đã chịu lùi lại trước văn minh để nuôi nấng “đứa con thơ”, mong ngày vươn vai Phù Đổng.

Tiếc thay, đứa con ấy mãi chẳng ngồi vững, chưa nói gì đến biết đứng, biết đi. Ngành công nghiệp ôtô nội địa không sản sinh ra một thành tựu nào, yếu kém với tỷ lệ nội địa hóa quá thấp, rút cuộc cũng chỉ làm việc “tay chân” là nhập khẩu và lắp ráp và vẫn liên tục kêu gọi “bảo hộ”.

Ngày Thông tư 20 của Bộ Công thương ra đời với các qui định xiết chặt việc nhập khẩu ôtô, nhiều nhà nhập khẩu đã “uất ức” phát biểu: Mỗi một cái ôtô nhập về, Nhà nước thu được 100% thuế, còn ôtô sản xuất trong nước thì thu được chẳng bao nhiêu. Mà các nhà máy ấy thậm chí cũng chẳng giải quyết được bao nhiêu việc làm, không phải như dệt may, da giày... sao vẫn được chiều chuộng vậy? Cái uất ức ấy không phải không có lý.

Giấc mơ một ngày nào đó Việt Nam cho ra đời được những chiếc xe mang thương hiệu của chính mình và một giấc mơ đẹp, nhưng 10 năm đặt niềm tin vừa qua cho lại được kết quả gì? Có nên chăng bố mẹ nhịn ăn nhịn mặc để ép 1 đứa con quá yếu ớt cả thể chất và tư duy vào đại học?

Nam Phương
.
.
.