Công nghiệp ôtô Việt Nam nên học Thái Lan về nội địa hoá

Thứ Bảy, 03/06/2017, 10:11
Đây là chia sẻ của ông Widjanarko Koko, Giám đốc phụ trách thương mại của Toyota Indonesia về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam tại Diễn đàn: “Việt Nam - Indonesia: Hợp tác kinh doanh về ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô, xe máy” do Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 2-6.

Từ những năm 1960, chính phủ Indonesia đã có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển mạng lưới công nghiệp phụ trợ và sản xuất ôtô trong nước. Đặc biệt tỉ lệ nội địa hóa ôtô của Indonesia ở mức cao, lên đến trên 60% và đang tiếp tục phấn đấu để nâng cao hơn nữa.

Từ những kinh nghiệm thực tế này, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều, qua đó, lựa chọn cho mình những mô hình phù hợp để có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi, theo ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước thành viên ASEAN năm 2017 đã giảm xuống còn 30% (mức thuế suất áp dụng năm 2016 là 40%) và sang năm 2018, sẽ về mức 0%.

Năm 2016, Việt Nam là thị trường ôtô phát triển nhanh thứ hai trên thế giới, với gần 305.000 xe đã được bán, trong đó, Việt Nam đã chi hơn 2,3 tỷ USD để nhập khẩu 115.000 xe ôtô nguyên chiếc (CBU). Việt Nam đã nhập khẩu gần 3.900 xe ôtô nguyên chiếc từ Indonesia với tổng giá trị 45 triệu USD.

Chỉ tính riêng 4 tháng năm 2017, Indonesia là thị trường lớn thứ 2 về cung cấp ôtô nhập khẩu cho Việt Nam, với 5.981 xe, tương đương hơn 102 triệu USD, gấp hơn 2 lần tổng giá trị nhập khẩu cả năm 2016. Trong cùng thời điểm Việt Nam đã nhập khẩu linh kiện ôtô từ Indonesia với giá trị trên 53 triệu USD.

Một số DN Việt Nam đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho các hãng xe lớn.

Theo ông Widjanarko Koko, Giám đốc phụ trách thương mại của Toyota Indonesia, tình cảnh của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp xe hơi và các nhà cung cấp linh phụ kiện ôtô Việt Nam hiện nay giống như Indonesia trong 10 năm trước khi Indonesia loại bỏ thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc (CBU) về 0%, lượng xe nhập khẩu tăng thêm 10%.

Trước tình cảnh đó, các hãng ôtô Indonesia phải tìm mọi cách để liên kết với Toyota tại Thái Lan, Việt Nam, để chọn mua các linh phụ kiện từ các nhà cung ứng nhằm giảm tối đa chi phí, cạnh tranh với các xe nhập khẩu khác.

“Ngành công nghiệp ôtô của Indonesia thành công hôm nay là nhờ chúng tôi học tập mô hình của Thái Lan để xây dựng ngành công nghiệp ôtô cho mình và đã thành công. Thái Lan có hơn 2.000 nhà cung ứng lớn. Tại Việt Nam, các bạn chỉ có hơn 800 nhà cung cấp, như vậy làm thế nào để nội địa hoá tốt hơn. Có lẽ để thành công, Việt Nam cũng nên học Thái Lan để xây dựng các kênh cung ứng linh kiện và làm tốt hơn vấn đề này”, ông Koko nói.

Theo đại diện Công ty Astra Toto Parts, đơn vị cung ứng phụ kiện lớn cho các DN ô tô Indonesia: Ngành công nghiệp phụ trợ Indonesia phát triển do đòi hỏi của DN chứ không phải từ định hướng chính sách của Nhà nước. Ngành ôtô Indonesia trước đây không được hỗ trợ của Nhà nước về phát triển phụ trợ.

Chính phủ Indonesia cũng không có chính sách nội địa hoá ôtô mà việc nội địa hoá ôtô là đòi hỏi từ thực tế của các DN ôtô trong nước và từ cuộc chiến về giá. Điều này bắt buộc DN phải nội địa hoá nhanh chóng bởi nếu không sẽ không thể cạnh tranh được.

Bên cạnh đó, đại diện Toyota Motor Manufacturing Indonesia (TMI) cho biết, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang 88 quốc gia trên toàn cầu và Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các DN ôtô Indonesia. Năm 2017, TMI tiếp tục sử dụng các nguyên liệu trong nước như thép, nhôm, cao su tổng hợp, nhằm cải thiện hơn nữa các hoạt động tại Indonesia. Đây không chỉ là tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các nhà cung cấp cấp I mà còn với các nhà cung cấp cấp II. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng việc đã gửi 500 nhân lực ra nước ngoài đào tạo.

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cũng cho rằng: So với tất cả các nước trong ASEAN, thì Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh được với Indonesia vì họ có ngành công nghiệp ôtô lâu đời hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có điểm lạc quan trong cạnh tranh ngành ôtô khi số dân lên tới 93 triệu dân và là một thị trường quan trọng.

Đồng thời, người Việt Nam cũng có những kỹ năng rất tốt và nếu được đào tạo thì vẫn có thể thích nghi và tham gia vào ngành sản xuất ôtô. Hướng phát triển cụ thể của Việt Nam khi tham gia vào ngành công nghiệp ôtô là nên nghiên cứu xem chúng ta mạnh điểm nào, yếu điểm nào để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ôtô chứ không phải quá đặt nặng vào việc thiết kế, sản xuất thành phẩm mới là ôtô "Made in Việt Nam".

Do đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc tham gia liên kết, sản xuất theo chuỗi như ngành công nghiệp phụ trợ, phụ tùng ôtô, gia công linh kiện và từng bước hướng tới việc làm chủ để sản xuất ra sản phẩm.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, cho rằng, DN Việt cần có sự liên kết và chủ động sáng tạo trong việc tiếp cận công nghệ để có thể sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu, từng bước đặt chân được vào chuỗi cung ứng đó. Bởi, để sản xuất ra một mẫu xe mới, các hãng xe mất từ 3-5 năm để tìm kiếm các nhà cung ứng linh kiện. Vì vậy, các DN phải chủ động ngay từ ban đầu thì mới có thể thành công, không bị tụt lại phía 

L.Hiệp
.
.
.