Vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích:

Mỹ gặp khó trong ứng xử với Saudi Arabia

Thứ Năm, 25/10/2018, 06:29
Trong một phát biểu trước Quốc hội ngày 23-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không chỉ đưa ra nhiều thông tin khá “sốc” về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát mà còn hứa sẽ cung cấp “sự thật trần trụi” về cái chết của ông này, khiến giới quan sát không khỏi hồi hộp trước những diễn biến mới có thể được công bố tiếp theo và cả phản ứng của Mỹ đối với Saudi Arabia trong tương lai.


Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: “Chính quyền Saudi đã có bước tiến triển khi thừa nhận đây là một vụ giết người. Từ bây giờ, chúng tôi hy vọng họ sẽ tìm ra tất cả những ai phải chịu trách nhiệm và khiến những người này bị trừng phạt thích đáng. Từ những người đã ra lệnh đến trực tiếp tiến hành, tất cả đều phải chịu trách nhiệm”.

Thêm vào đó, ông Erdogan còn cho biết vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi, 59 tuổi, đã được lên kế hoạch khi ông này lần đầu tiên đến Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hôm 28-9 để hoàn thành các thủ tục cần thiết cho việc hôn nhân với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông này đã được thông báo rằng cần quay lại Lãnh sự quán để tiếp tục hoàn thiện các giấy tờ.

Một ngày trước khi Khashoggi biến mất, nhiều nhân vật nước ngoài đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu xem xét các địa điểm, như khu rừng Belgrad gần Istanbul và thành phố Yalova ở phía Nam, Tổng thống Erdogan cho biết. Cảnh sát đã lùng sục khắp mọi ngóc ngách của những khu vực này để tìm kiếm những mảnh thi thể còn lại của Khashoggi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ tiết lộ thêm nhiều tình tiết về cái chết của Jamal Khashoggi.   Ảnh Getty Images

Ông Erdogan cho biết thêm, vào ngày ông Khashoggi đến Lãnh sự quán như đã hẹn và sau đó là bị giết, ổ cứng ghi lại dữ liệu camera giám sát của tòa nhà Lãnh sự đã “bốc hơi”. “Che đậy một vụ giết người dã man thế này làm tổn thương cho lương tâm con người. Chúng tôi mong đợi sự đồng cảm từ tất cả các bên liên quan, đặc biệt là từ phía lãnh đạo của Saudi Arabia. Chúng tôi có những dấu hiệu rõ ràng rằng vụ giết người này là kết quả của một kế hoạch từ trước chứ không phải là một sự việc tự phát”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Ngay sau phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một vài giờ đồng hồ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cho rằng hành động của Saudi Arabia là một “sự che đậy tồi tệ nhất” trong lịch sử và khẳng định bất kỳ người nào đứng đằng sau vụ việc cũng sẽ gặp “rắc rối lớn”. Cùng với đó, ông Trump cũng nhận định rằng vụ giết người và sau đó là che đậy cho hành vi của Saudi Arabia thực sự đã “thất bại hoàn toàn”.

“Tôi cho rằng họ lẽ ra không bao giờ nên nghĩ về điều này. Khi họ nghĩ về nó, mọi chuyện đều trở nên sai lầm. Lẽ ra điều này không nên xảy ra. Lẽ ra nó không nên được thực hiện. Lẽ ra không nên có bất kỳ một vụ giết người hay một sự che đậy nào”, ông Trump nhận định.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra tuyên bố rằng Mỹ đang thu hồi thị thực của một số quan chức Saudi Arabia, những người bị liệt vào danh sách tình nghi có liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Mỹ đang cân nhắc đến các lệnh trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền như Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đề xuất. “Các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp cuối cùng từ phía Mỹ đối với vấn đề này. Chúng tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng Mỹ không chấp nhận bất kỳ hành động thô bạo nào nhằm bịt miệng Khashoggi, một nhà báo, bằng bạo lực”.

Các động thái này là những bước đi đầu tiên của Mỹ trong việc trừng phạt Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi, người được cho là bị giết trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-10.

Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang gặp không ít khó khăn trong quyết định về các lệnh trừng phạt đối với Saudi Arabia, một phần là do nước này là đồng minh thân cận của Mỹ tại Vùng Vịnh, có vai trò quan trọng trong việc cân bằng thế trận và đối trọng với Iran tại khu vực, cũng như là một bạn hàng sẵn sàng chi mạnh tay cho các hợp đồng mua vũ khí của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh, ông vẫn không thay đổi quan điểm về việc tiếp tục buôn bán vũ khí với Saudi Arabia. “Nga và Trung Quốc sẽ thích một hợp đồng quân sự như vậy. Nếu chúng tôi phải làm như vậy, điều đó có nghĩa là chúng tôi đang tự làm tổn thương chính mình”, ông Trump nói.

Việc tiếp tục quan hệ rộng rãi với Riyadh ngay cả khi Mỹ đã tiến hành các lệnh trừng phạt đối với Saudi Arabia cũng đã được Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh. “Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Saudi Arabia. Cả ngài Tổng thống và tôi đều không vui vẻ gì với tình huống này. Nhưng lợi ích chiến lược chung của chúng tôi với Saudi Arabia vẫn sẽ tiếp tục duy trì”, ông Pompeo nhận định.

Ông Trump cũng cho biết, Giám đốc CIA Gina Haspel hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp điều tra vụ việc. Theo các nguồn thạo tin, sau khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, Giám đốc CIA Haspel đã yêu cầu được nghe một đoạn ghi âm liên quan vụ giết nhà báo Khashoggi.

Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này, Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ cùng thảo luận với Quốc hội để quyết định phản ứng cuối cùng của Mỹ đối với đồng minh. Trong khi đó, các nhà lập pháp của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều thể hiện sự ủng hộ với việc trừng phạt Saudi Arabia. Các thành viên trong Quốc hội cũng từng thể hiện sự giận dữ và không hài lòng với cách xử lý của ông Trump trong vụ việc này.

Dù nhiều chuyên gia cho rằng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với những tuyên bố mới của mình chỉ đang nỗ lực tạo sức ép lên Saudi Arabia và ở một mức độ nào đó, hối thúc ông Trump phải từ chối thẳng thừng các báo cáo về vụ việc của Riyadh, Tổng thống Trump đang đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn trong việc đưa ra những phản ứng phù hợp, nhất là sau khi Tổng thống Erdogan phát biểu rằng ông hứa sẽ cung cấp “sự thật trần trụi” về cái chết của Jamal Khashoggi.

Duy Tiến
.
.
.