Cái “được” và “mất” của Mỹ nếu tấn công Syria

Thứ Sáu, 13/04/2018, 11:17
Cộng đồng quốc tế trong nhiều giờ qua đang nín lặng chờ đợi quyết định có tấn công Syria hay không của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy, Mỹ sẽ được gì và mất gì khi thực hiện việc này.


Lợi bất cập hại

Nói về cái “được”, nếu Mỹ quyết định tấn công Syria, điều đầu tiên mà người đứng đầu Nhà Trắng đạt được là ông Donald Trump có thể làm hài lòng các nhà xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Mỹ đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 33% thị phần toàn cầu, trên cả Nga và Trung Quốc. Với việc sử dụng tên lửa hành trình dự trù cho cuộc tấn công, trong đó mỗi quả trị giá khoảng 832.000USD, ông Donald Trump đã ít nhiều gửi đi thông điệp lạc quan đến ngành sản xuất vũ khí Mỹ.

Còn “mất”, trước tiên, cần phải rõ ràng rằng, nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của quân đội Syria vào lúc này thì sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2017. Trước hết là bởi thế và lực của chính quyền Tổng thống Syria Al Assad hiện giờ đã khác trước.

Thời điểm hiện tại, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại và quân đội Syria đã giành quyền kiểm soát được nhiều tỉnh thành lớn như Aleppo, Albukamal, Hama. Không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động, mà sức mạnh quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng được củng cố nhờ những loại vũ khí tối tân được Nga chuyển giao như tiêm kích tàng hình Su-57, xe tăng “Kẻ hủy diệt”, các loại súng trường, pháo hạng nặng. Điều này khiến máy bay chiến đấu của Mỹ có thể gặp nhiều nguy hiểm hơn khi thực hiện nhiệm vụ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn về tình hình Syria.

Tiếp đến, Mỹ sẽ vấp phải sự đáp trả mạnh tay từ phía Nga. Moscow đã cảnh báo, Mỹ sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu can thiệp quân sự ở Syria, liên quan đến vụ tấn công hóa học mới đây ở quốc gia Trung Đông này. Phía Nga cũng tuyên bố không chỉ ủng hộ Tổng thống Assad chống lại một cuộc tấn công tương tự, mà còn trả đũa các lợi ích Mỹ trong khu vực.

Một vài quả tên lửa không xoay chuyển được cục diện

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích chính trị, trong kịch bản Mỹ phát động cuộc tấn công nhằm vào Syria, một vài quả tên lửa hành trình sẽ không giúp thay đổi cục diện tại quốc gia Trung Đông này và cũng không dễ dàng lật đổ Tổng thống Assad bởi chính phủ Syria đang được sự yểm trợ đắc lực của các đồng minh, đặc biệt là Nga và Iran.

Trên thực tế, ông Donald Trump đã có hành động đáp trả bằng tên lửa hành trình sau cáo buộc chính phủ Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học năm 2017. Song do thiếu một kế hoạch để gây áp lực dài hạn, hành động quân sự của nhà lãnh đạo Mỹ đến nay vẫn thất bại trong việc ổn định tình hình Syria.

Ngay chính Tổng thống Mỹ hôm 11-4 (giờ địa phương) cũng đã “hạ giọng” rằng, ông không có ý định đặt ra thời hạn cho vụ tấn công Syria, mặc dù nhà lãnh đạo này ngay trước đó có nhấn mạnh về việc tên lửa của Mỹ đang tiến đến Syria.

Có thể người đứng đầu Nhà Trắng đã nhận ra rằng, điều Mỹ cần hiện giờ không phải là tấn công Syria mà là một chiến lược phối hợp để bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ trong cuộc chiến đa chiều tại Syria – điều mà Tổng thống Donald Trump cùng các cố vấn của ông vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, cũng theo kịch bản trên, Mỹ cần phải suy xét kỹ lưỡng cách thức mà chính quyền Tổng thống Assad, Nga hoặc Iran đáp trả các lực lượng của Mỹ đang triển khai tại Syria.

Chính phủ Syria có thể đã có phương án hành động chống lại cuộc tấn công tiềm năng của Mỹ khi hệ thống phòng không Syria đã bắn hạ 5 trên tổng số 8 tên lửa bị nghi của Israel nhằm vào căn cứ quân sự nước này hôm 9-4.

Cũng có ý kiến khẳng định rằng, cáo buộc vẫn chỉ là cáo buộc và các bằng chứng chưa đủ mạnh để chứng minh Nga hay chính quyền Tổng thống Assad chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này. Bất cứ ai có tư tưởng công bằng và minh bạch đều nhận ra rằng, chẳng có lý do gì để Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học bởi quân đội Syria đang giành thế thượng phong tại Đông Ghouta và sắp giải phóng được toàn bộ khu vực. Thêm vào đó, điều này có thể dẫn tới sự can thiệp quân sự từ nước ngoài. Tựu trung, chính quyền ông Assad chẳng được lợi lộc gì khi thực hiện cuộc tấn công như vậy.

Trong khi đó, cộng đồng thế giới đã lên tiếng về tình hình căng thẳng ở Syria, trong đó, Thụy Điển - một ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố phản đối các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, cho rằng đó sẽ là hành động vi phạm công pháp quốc tế.

Theo Đại sứ Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog, điều người dân Syria cần lúc này là hòa bình và công lý, không phải sự leo thang quân sự, đồng thời nhấn mạnh mọi hành động cần phải thực hiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OCPW) đã quyết định đưa một nhóm chuyên gia tới Syria để điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học. Cùng với đó, OPCW sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 16-4 để thảo luận về vấn đề này.

Trong ngày 12-4 (giờ địa phương – ngày 13-4 giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành phiên họp kín để thảo luận về đe dọa hành động quân sự đối với Syria. Bolivia, một trong 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an, đã đề nghị tiến hành cuộc họp này để thảo luận về “sự leo thang những phát biểu gây hấn về Syria và những đe dọa hành động quân sự đơn phương”.

Nga triển khai cảnh sát quân sự tới Douma

Hãng Sputnik dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 12-4, cảnh sát quân sự Nga đã được triển khai tại Douma với nhiệm vụ bảo đảm luật pháp và duy trì trật tự trong thị trấn. Từ cuối tháng 2 tới nay, kể từ khi quân chính phủ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm giành lại kiểm soát khu vực Đông Ghouta, hơn 165.000 người đã rời khu vực này đi sơ tán, riêng ở Douma là 41 nghìn người.

Cùng ngày, Thiếu tướng Yuri Yevtushenko, người đứng đầu Trung tâm của Nga hòa giải các bên đối địch tại Syria cho biết, các lực lượng Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn thị trấn Douma, thành trì cuối cùng của phiến quân ở khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Thiếu tướng Yevtushenko cho biết quốc kỳ Syria được treo trên một tòa nhà ở thị trấn Douma, báo hiệu sự kiểm soát của các lực lượng chính phủ Syria đối với địa điểm này, từ đó nắm quyền kiểm soát đối với toàn bộ khu vực Đông Ghouta.

Các diễn biến mới này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tiến hành biện pháp quân sự tại Syria nhằm đáp trả vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma.

Trần Linh (theo Sputnik, RT)
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.