Những bác học Mỹ nổi tiếng từng là di dân

Thứ Sáu, 03/03/2017, 10:07
Tổng thống mới nhậm chức Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với di dân. Dường như ông đã “quên” rằng nước Mỹ được như ngày hôm nay cũng nhờ sự đóng góp rất lớn của các di dân.


Đặc biệt, có rất nhiều nhà khoa học di dân đã chọn Mỹ làm quê hương thứ 2 và đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nước này để vươn lên vị trí quốc gia đứng đầu cả về khoa học, kinh tế, quân sự và quyền lực.

Xuyên suốt lịch sử Mỹ, những người nhập cư đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong định hình phát triển và thành tựu của đất nước. Họ đến Mỹ để tìm kiếm những cơ hội không có được ở quê nhà; trong nhiều trường hợp, họ chạy trốn sự ngược đãi tôn giáo hay chủng tộc, hoặc chạy trốn khỏi những cuộc chiến đẫm máu hoặc các thảm họa tự nhiên.

Các nhà khoa học từ đủ mọi ngành nghề đã tề tựu về Mỹ thông qua các hành trình di dân. Và cùng với đó, họ đã mang theo những kiến thức quý báu của mình, góp phần to lớn cho những tiến bộ trong lĩnh vực của họ, những khám phá khoa học tiên tiến từ vật lý, y học cho đến sinh học, hóa học...

Các nhà khoa học nhập cư cũng nhận được một số tước hiệu cao nhất trong khoa học vì những đóng góp của họ. Kể từ năm 2000, 40% giải thưởng Nobel của người Mỹ về các lĩnh vực hóa học, dược phẩm và vật lý (31 trong tổng số 78 giải) được trao cho những người nhập cư, theo Forbes.

Sau đây là danh sách 11 nhà khoa học nhập cư tại Mỹ đã có những đóng góp rất to lớn cho nền khoa học của nhân loại nói chung và nước Mỹ nói riêng. Họ đã đi qua nhiều nước, nhưng cuối cùng chọn Mỹ làm quê hương cuối cùng. Danh sách này sắp xếp theo năm sinh năm mất, không theo mức quan trọng của những đóng góp khoa học:

+ John James Audubon: Nhà tự nhiên học kiêm họa sĩ (1785 - 1851)

John James Audubon.

John James Audubon sinh ra ở Saint Domingue (nay là Haiti) và lớn lên ở Nantes, Pháp. Ông được gửi qua Mỹ năm 1803 lúc 18 tuổi để trốn nghĩa vụ quân sự ở Pháp.

Audubon nghiên cứu và ghi chép tài liệu về thế giới tự nhiên, ông đặc biệt yêu thích việc quan sát, nghiên cứu các loài chim. Ông xác định được 25 loài chim và 12 phân loài mới, nhưng ông nổi tiếng nhất với khả năng phi thường trong việc vẽ những chú chim trong đời sống tự nhiên của chúng, chi tiết đến cả giải phẫu học. Cuốn sách được xem như thành tựu lớn nhất của ông là cuốn “Các loài chim ở Mỹ” (Birds of America), trong đó in 435 bức tranh màu nước của ông, được xem là tập hợp tác phẩm nghệ thuật nổi bật về đời sống hoang dã. 

+ John Muir: Nhà tự nhiên học, nhà văn (1848 - 1914)

John Muir.

Nhà văn, nhà tự nhiên học John Muir sinh ra ở Scotland, di cư đến Wisconsin cùng gia đình vào năm 1849. Yêu thích đời sống hoang dã từ khi còn bé, Muir dành nhiều thời gian quan sát và ghi lại vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Ông đặc biệt say đắm phong cảnh ở California, đặc biệt là các vùng núi Yosemite và Sierra Nevada.

Muir xuất bản 10 cuốn sách và 300 bài báo kể về những chuyến khám phá của ông, cỗ vũ cho các hoạt động thừa nhận và bảo vệ thiên nhiên. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập các công viên quốc gia như Yosemite, Petrified Forest, Mount Rainier và Grand Canyon. Ông đã làm việc chặt chẽ với Tổng thống Theodore Roosevelt để thiết lập các chương trình bảo tồn trên khắp đất nước.

+ Albert Einstein: Nhà vật lý lý thuyết (1879 - 1955)

Albert Einstein.

Sinh ra ở Đức, Albert Einstein trải qua một con đường khá phức tạp trước khi trở thành công dân Mỹ.

Einstein từ bỏ quốc tịch Đức năm 1896 khi mới 17 tuổi và nhập quốc tịch Thụy Sĩ năm 1901. Ông lấy lại quốc tịch Đức năm 1914, nhưng sau đó lại từ bỏ và rời khỏi đất nước vào năm 1933 do xu hướng bài Do Thái và sự nổi lên của đảng Phát xít. Sau khi đến Mỹ và làm giáo sư vật lý lý thuyết ở Đại học Princeton, Einstein trở thành công dân Mỹ năm 1940, duy trì cả quốc tịch Thụy Sĩ.

Einstein được trao giải Nobel Vật lý năm 1921 “cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện”, với nhận định đột phá rằng ánh sáng vừa có tính chất của hạt vừa tính chất của sóng. Công trình về hiệu ứng quang điện của ông có tính chất bước ngoặt khai sinh ra lý thuyết lượng tử.

Ông cũng nổi tiếng vì phát triển các thuyết tương đối, trong đó thuyết tương đối hẹp mô tả quan hệ giữa thời gian và không gian, thuyết tương đối tổng quát khẳng định lực hấp dẫn có liên quan tới độ cong của thời gian và không gian. Đây là thuyết lớn đầu tiên về vật lý kể từ thuyết về lực hấp dẫn của Newton năm 1687. Ông được biết đến nhiều nhất qua phương trình về sự tương đương khối lượng - năng lượng E = mc2 (được xem là phương trình nổi tiếng nhất thế giới).

Einstein đã công bố hơn 300 bài báo khoa học và hơn 150 bài viết khác về những chủ đề khác nhau, ông cũng nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự trong khoa học, y học và triết học từ nhiều cơ sở giáo dục đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ông được tạp chí Time gọi là “Con người của thế kỷ”. Những thành tựu tri thức lớn lao của ông đã khiến tên gọi “Einstein” đã trở nên đồng nghĩa với từ “thiên tài”.

+ Gerty Cori: Nhà hóa sinh (1896 - 1957)

Gerty Cori.

Bà sinh ra ở Prague, Czechoslovakia (nay là CH Séc), Gerty Cori (neé Radnitz) nhận bằng Tiến sĩ dược từ Trường đại học Đức ở Prague năm 1920, nhập cư vào Mỹ cùng chồng là Carl Ferdinand Cori năm 1922, và trở thành công dân Mỹ năm 1928.

Cori được bổ nhiệm làm giáo sư hóa sinh tại Trường Y dược của Đại học Washington ở St. Louis năm 1947. Bà cộng tác với chồng (cũng là một nhà hóa sinh) trong hầu hết các nghiên cứu của mình. Họ cùng chia sẻ giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1947, cùng với Bernardo Alberto Houssay, vì việc giải mã một loại glucose, giúp các nhà khoa học hiểu được vai trò của hormone trong hoạt động trao đổi chất đường và tinh bột.

+ Albert Claude: Nhà sinh học tế bào (1898 - 1983)

Albert Claude.

Albert Claude sinh ở Longlier, Bỉ và có bằng y dược năm 1982 từ Trường đại học Belgium’s Université de Liège. Claude đến New York vào năm này và làm việc tại Viện Nghiên cứu Rockefeller về Y khoa. Ông trở thành công dân Mỹ năm 1941.

Năm 1930, Claude khám phá ra quá trình phân đoạn tế bào (cell fractionation), một khám phá tiên phong trong thời đó. Năm 1970, ông được Đại học Columbia trao thưởng Giải Louisa Gross Horwitz cùng với George Palade và Keith Porter. Về công trình khám phá liên quan tới việc tổ chức theo cấu trúc và chức năng của tế bào, Claude đoạt Giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1974 cùng với George Palade và Christian de Duve.

+ Maria Goeppert Mayer: Nhà vật lý lý thuyết (1906 - 1972)

Maria Goeppert Mayer.

Maria Goeppert Mayer (née Maria Goeppert) sinh ở Kattowitz, Đức (nay là Katowice, Ba Lan), và học Trường đại học Göttingen, nơi bà lấy bằng Tiến sĩ vật lý năm 1930. Thời điểm đó, bà cùng chồng di cư đến Mỹ và được cấp quốc tịch Mỹ năm 1933.

Goeppert Mayer làm việc cho Dự án Manhattan, nghiên cứu phân hạch đồng vị uranium để phát triển vũ khí hạt nhân. Bà đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1963 cùng với J. Hans D. Jensen nhờ việc đề ra lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp. Đoạt Giải Nobel Vật lý năm đó còn có Eugene Wigner. Bà cùng với Marie Curie trở thành hai người phụ nữ duy nhất giành Giải Nobel ở lĩnh vực này

+ Enrico Fermi: Nhà vật lý (1901 - 1954)

Enrico Fermi.

Fermi rời Ý năm 1938 để tránh bộ luật mới ảnh hưởng tới những người Do Thái, trong đó có vợ ông - bà Laura, và định cư tại Mỹ. Ông được cấp quốc tịch Mỹ năm 1944. Fermi được biết đến như lãnh đạo của nhóm các nhà vật lý học đứng sau dự án tối mật Manhattan, do Chính phủ Mỹ thành lập năm 1941.

Enrico Fermi nổi tiếng với những công trình đóng góp cho cơ học lượng tử, vật lý hạt nhân, vật lý hạt và cơ học thống kê. Cùng với Robert Oppenheimer, ông được coi là một trong những “cha đẻ của bom nguyên tử”. Ông có một số bằng sáng chế liên quan đến năng lượng hạt nhân, và nhận Giải Nobel Vật lý năm 1938 cho lý thuyết phóng xạ cảm ứng và phát hiện ra các nguyên tố siêu urani. Cộng đồng các nhà vật lý đều công nhận Fermi là một trong số rất ít các nhà khoa học vừa giỏi về lý thuyết lẫn thực nghiệm.

+ Hans Bethe: Nhà vật lý (1906 - 2005)

Hans Bethe.

Sinh ở Strassburg, Đức (nay là Strasbourg, Pháp), Hans Bethe học vật lý ở Đại học Frankfurt, lấy bằng Tiến sĩ tại đó năm 1928. Năm 1935, sau khi phát xít lên nắm quyền tại Đức, ông đã rời Đức đến Mỹ và trở thành công dân của nước này năm 1941.

Trong những năm 1950, Bethe cũng đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển bom hyðrô của Mỹ, mặc dù ban ðầu ông tham gia vào chýõng trình nhằm mục đích chứng minh nó không thể chế tạo được. 

Sau đó, Bethe cùng với Albert Einstein tham gia vào Ủy ban Khẩn cấp của các nhà khoa học nguyên tử nhằm chống lại các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và chạy đua vũ trang hạt nhân. 

Ông tác động đến Nhà Trắng để yêu cầu ký vào Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển năm 1963 và Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, SALT I. Những kết quả nghiên cứu khoa học của ông cũng không bị quên lãng ngay cả khi ông về hưu.

Năm 1967, ông được trao giải Nobel Vật lý cho những nghiên cứu về lý thuyết tổng hợp hạt nhân sao. Bethe cũng có nhiều đóng góp quan trọng cho lý thuyết điện động lực học lượng tử, vật lý hạt nhân, vật lý trạng thái rắn và thiên văn vật lý. 

Trong thời gian xảy ra Chiến tranh thế giới thứ 2, ông là lãnh đạo phân nhánh lý thuyết trong chương trình bí mật của Phòng thí nghiệm Los Alamos nhằm phát triển bom nguyên tử. 

Tại đây, ông đóng vai trò quan trọng trong việc tính toán khối lượng tới hạn cho bom nguyên tử, và nghiên cứu trên lý thuyết về phương pháp nổ định hướng vào trong, phương pháp này đều đã được sử dụng tại cuộc thử nghiệm Trinity và trong quả bom nguyên tử “Fat Man” thả xuống Nagasaki, Nhật Bản. Trong phần lớn sự nghiệp khoa học của mình, Bethe là giáo sư giảng dạy tại Đại học Cornell.

+ Elizabeth Stern: Nhà bệnh học (1915 - 1980)

Elizabeth Stern.

Elizabeth Stern sinh ở Ontario, Canada, học Trường Y khoa tại Đại học Toronto và nhận quốc tịch Mỹ năm 1943. Bà trở thành giáo sư Dịch tễ học Đại học California năm 1963 và là một trong những người đầu tiên nghiên cứu đặc biệt về tế bào bị bệnh.

Stern công bố một nghiên cứu mô tả quan hệ giữa bệnh giộp da không đau và ung thư cổ. Khám phá của bà là nghiên cứu đầu tiên về sự liên quan giữa một loại virus đặc biệt với một loại bệnh ung thư. Bà là người đầu tiên liên kết việc uống thuốc tránh thai với ung thư cổ, và công trình của bà nghiên cứu các tế bào ung thư cổ và phân chúng ra làm 250 mức khi tế bào khỏe mạnh chuyển thành tế bào ung thư, giúp việc chẩn đoán ung thư và điều trị dễ dàng hơn.

+ Rita Levi-Montalcini: Nhà thần kinh học (1909 - 2012)

Rita Levi-Montalcini.

Rita Levi-Montalcini sinh ở Turin, Ý và học Y khoa tại Đại học Turin. Trong Thế chiến 2, bà bị cấm hoạt động khoa học và phải lẩn trốn vì là người gốc Do Thái. Bà phải thực hiện nghiên cứu về thần kinh học trên phôi gà trong phòng thí nghiệp tại gia. Levi-Montalcini đến St. Louis, Missouri, năm 1947 và giảng dạy tại Đại học Washington. Bà nhập quốc tịch Mỹ năm đó, và có 2 quốc tịch.

Levi-Montalcini được trao Huân chương Cavaliere di Gran Croce, OMRI. Cùng với đồng nghiệp Stanley Cohen, bà đã đoạt Giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1986 cho công trình phát hiện ra nhân tố tăng trưởng thần kinh (Nerve Growth Factor, NGF). Từ năm 2001, bà cũng là Thượng nghị sĩ suốt đời ở Thượng nghị viện Ý. Cho tới nay, bà là người đầu tiên đoạt Giải Nobel sống hơn 100 tuổi.

+ Chien-Shiung Wu: Nhà vật lý thực nghiệm (1912 - 1997)

Chien-Shiung Wu.

Chien-Shiung Wu (Ngô Kiện Hùng) sinh năm 1912 tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc trong một gia đình gốc gác Thái Thương, Giang Tô. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm nữ số 2 ở Tô Châu, bà tham gia dạy học tại Thượng Hải một năm trước khi nhập học tại Khoa Vật lý, Đại học quốc lập Trung ương tại Nam Kinh (sau năm 1949, là Đại học Nam Kinh) vào năm 1929. Bà tốt nghiệp đại học năm 1934 và tiếp tục học sau đại học cũng như làm trợ giảng tại Đại học Chiết Giang. Bà đến Mỹ năm 1936 để học vật lý tại Đại học California ở Berkeley, chuyên khoa phân rã hạt nhân và lấy bằng Tiến sĩ năm 1940. Bà được cấp quốc tịch Mỹ năm 1954.

Sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ, bà Ngô làm việc tại Smith College, Đại học Princeton từ năm 1942 đến 1944, và sau đó là Đại học Columbia ở New York từ năm 1944 đến khi bà nghỉ hưu năm 1980. 

Năm 1957, trong một bài báo đăng trên Physical Review có tựa đề “Experimental Test of Parity Conservation in Beta Decay” (Kết quả thực nghiệm về sự bảo toàn tính chẵn - lẻ trong phân rã beta), bà Ngô đã đưa ra kết quả thực nghiệm mang tính quyết định trong việc chứng minh lý thuyết về vi phạm tính chẵn - lẻ do Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh đưa ra trước đó. 

Kết quả này đã giúp Lý và Dương được trao Giải Nobel Vật lý 1957, một quyết định khiến Ủy ban trao giải Nobel gặp phải nhiều chỉ trích vì người đưa ra thí nghiệm đột phá giúp kiểm chứng lý thuyết, bà Ngô, lại không có tên trong danh sách nhận giải.

Sau thí nghiệm năm 1956, bà Ngô Kiện Hùng tiếp tục có các công trình về phân rã beta, tác phẩm “Beta Decay” xuất bản năm 1965 của bà Ngô cho đến nay vẫn là quyển sách tham khảo cơ bản của ngành vật lý hạt nhân về loại phân rã này.Sau này, bà Ngô chuyển sang nghiên cứu lĩnh vực liên quan tới y học. Năm 1975, bà được Hội Vật lý Mỹ bầu làm Chủ tịch hội. Bà là người phụ nữ đầu tiên có được vinh dự này. 

Bà cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Princeton và được trao một số giải thưởng và học vị khoa học danh giá khác như: chức viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (1958), Giải thưởng Nhà nước về khoa học, Mỹ (1975), Giải Vật lý Comstock (1964) và Giải Wolf Vật lý đầu tiên (1978).

Bà Ngô được gọi là “Đệ nhất phu nhân vật lý” (First Lady of Physics), “Marie Curie của Trung Quốc” hay đơn giản là “Madame Wu” (“Bà Ngô”).

Hòn Rồng
.
.
.