Thách thức pháp lý từ sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump

Thứ Năm, 09/02/2017, 08:14
Những lập luận sắc sảo mà Bộ Tư pháp và đại diện tòa án các bang ở Mỹ đưa ra trong hơn một tiếng đồng hồ tranh luận tại tòa án phúc thẩm liên bang có trụ sở tại thành phố San Francisco rạng sáng 8-2 (theo giờ Việt Nam) đã không giúp giải quyết được tranh cãi và thách thức pháp lý từ sắc lệnh cấm nhập cư của tân Tổng thống Donald Trump.

Tòa phúc thẩm khu vực số 9 đã trở thành tòa án đầu tiên xét xử các vụ kiện liên quan đến ông Donald Trump. Tờ Washington Times cho hay, đây là một tòa án nổi tiếng về quan điểm tự do và thường được chọn là nơi xử lý các vụ kiện tụng phức tạp liên quan đến chính quyền.

Lần này, thụ lý vụ kiện giữa Bộ Tư pháp và tòa án các bang có 3 thẩm phán gồm William Canby Jr (85 tuổi), từng tốt nghiệp Đại học Yale và Đại học Luật Minnesota; Michelle Friedland (44 tuổi) mới được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2014 và Richard Clifton (66 tuổi), có thâm niên 15 năm làm việc trong tòa án phúc thẩm này. Dù là những nhân vật ủng hộ đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì cả 3 thẩm phán liên bang này đều mang quan điểm tự do. Và họ sẽ là người đưa ra quyết định có nên dỡ bỏ hoặc giữ sắc lệnh cấm nhập cư của tân Tổng thống.

Sắc lệnh cấm nhập cư là sắc lệnh gây nhiều tranh cãi nhất kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức hôm 20-1. Ảnh: AP

Cũng theo nguồn tin từ hãng Telegraph thì phiên điều trần đầu tiên này đã được thực hiện qua điện thoại dưới sự chứng kiến và chủ trì của cả 3 thẩm phán liên bang. Đại diện bên khiếu nại cấp bang gồm bang Minnesota và Washington là cố vấn luật Washington Noah Purcell. Đại diện cho Bộ Tư pháp là ông August Flentje.

Nội dung chính của cuộc điều trần là lập luận của Bộ Tư pháp và đại diện các bang. Cụ thể, đại diện Bộ Tư pháp bảo vệ sắc lệnh của tân Tổng thống, còn đại diện các bang thì bảo vệ sắc lệnh chặn lệnh cấm nhập cư mà thẩm phán liên bang của thành phố Seattle James Robart đưa ra.

Ông August Flentje lên tiếng đầu tiên, lập luận rằng, lệnh cấm công dân 7 nước đông dân Hồi giáo chỉ là dừng tạm thời đối với những người tới từ các quốc gia "có nguy cơ khủng bố đặc biệt". Lý do là vì 7 quốc gia trên là “thiên đường an toàn của những kẻ khủng bố”.

Theo ông August Flentje, tân Tổng thống có quyền tạm thời ngừng tiếp nhận những người ghét nước Mỹ vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia và rằng quyết định đóng băng sắc lệnh của tân Tổng thống đã đánh đổ sự cân bằng.

Ông August Flentje còn lập luận rằng, rất nhiều đối tượng chào đời ở nước ngoài đã bị kết tội vì những tội ác hậu vụ tấn công khủng bố 11-9-2011 và sắc lệnh tạm hoãn nhập cảnh dựa trên những bằng chứng này.

Sau đó, các thẩm phán liên tục yêu cầu luật sư đại diện cho Bộ Tư pháp đưa ra những bằng chứng được dùng để ban sắc lệnh cấm công dân 7 nước có người theo Hồi giáo chiếm đa số. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ tranh luận, thẩm phán Michelle Friedland cho biết sẽ cố gắng để đưa ra phán quyết sớm nhất có thể, song không nêu thời hạn cụ thể nào.

Trước đó, theo nguồn tin từ phát ngôn viên tòa án phúc thẩm, phán quyết có thể được đưa ra vào cuối tuần này. Telegraph dẫn lời ông David Madden, phát ngôn viên tòa phúc thẩm khu vực số 9 cũng xác nhận thông tin này và nhấn mạnh có thể có thêm các cuộc điều trần với thời lượng dài hơn, phụ thuộc vào yêu cầu của các thẩm phán.

Sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những sắc lệnh gây tranh cãi nhất của chính quyền Washington kể từ khi ông này nhậm chức hôm 20-1.

Hiện có ít nhất 7 bang đồng loạt đệ đơn kiện sắc lệnh này là vi hiến. Đồng thời sắc lệnh này cũng đã tạo nên hố sâu ngăn cách giữa chính quyền liên bang và chính quyền bang ở Mỹ.

Hôm 7-2, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly khi lên tiếng bảo vệ sắc lệnh cũng đã cam kết rằng, chính phủ sẽ không xem xét việc đưa thêm bất cứ quốc gia nào khác vào danh sách này.

Một số nguồn tin khác cho biết, bất chấp sự phản đối, ông Donald Trump vẫn đang dự định nâng số quốc gia có công dân bị cấm nhập cảnh vào Mỹ từ 7 lên 12 nước.

Sông Thương
.
.
.