Yêu cầu phát huy tốt nhất giá trị khối tài liệu lưu trữ quốc gia
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 119/TB-VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về khối tài liệu quốc gia do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước bảo quản, gìn giữ cũng như một số chính sách liên quan về tổ chức lưu trữ, chế độ đãi ngộ người làm công tác lưu trữ. Đây cũng là kết luận của Phó Thủ tướng sau buổi làm việc với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước vào cuối tháng 2-2018.
- Bảo quản, giữ gìn và phát huy các tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt
- Đón nhận Bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn
- Giới thiệu hơn 100 Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn đặc sắc
- Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới
- Châu bản triều Nguyễn: Những giá trị lịch sử khẳng định chủ quyền đất nước
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ hiện đang quản lý một khối tài liệu lưu trữ quốc gia đồ sộ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III Những tài liệu này phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như kiến thức, kinh nghiệm và bài học quá khứ từ thế kỷ XIX đến nay. Trong đó, nhiều tài liệu quý giá là bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của quốc gia.
Khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2009 và năm 2017. Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945-1946 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Khối tài liệu này đã được bảo vệ, bảo quản an toàn, bước đầu phát huy giá trị. Tuy nhiên, thời gian qua, việc công bố tài liệu lưu trữ còn hạn chế, các hoạt động triển lãm, giới thiệu còn lẻ tẻ, chưa chuyên nghiệp và khoa học. Việc khai thác giá trị khối tài liệu lưu trữ để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Khối Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I |
Nhằm phát huy khối tài liệu quý nói trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng bảo vệ an toàn các hồ sơ lưu trữ, tài liệu Châu bản, Mộc bản và triển khai các giải pháp khoa học có hiệu quả để bảo quản, gìn giữ các tài liệu này. Cục cũng cần chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá lại các Đề án, Dự án về bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đã triển khai, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch công bố, khai tác tài liệu lưu trữ một cách chuyên nghiệp, khoa học, có quy trình chặt chẽ, thường xuyên. Khối tài liệu chữ Hán, tài liệu tiếng Pháp cần rà soát, thống kê lại để có phương án, tổ chức nghiên cứu biên dịch đầy đủ, thẩm định công bố chính thức.
Về đề nghị giữ ổn định tổ chức lưu trữ địa phương, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, việc kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Nghị định số 24/2014NĐ-CP và Nghị định số 37/2014NĐ-CP. Chế độ bồi dưỡng hiện vật cho người làm lưu trữ tuân thủ theo quy định hiện hành. Riêng phụ cấp ưu đãi theo nghề, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu trong Đề án cải cách chính sách tiền lương, dự kiến trình Trung ương vào tháng 4-2018. Đề xuất xây dựng không gian trưng bày tài liệu lưu trữ quốc gia, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, làm việc với các Bộ liên quan để có giải pháp phù hợp, có xã hội hóa, huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia…