Châu bản triều Nguyễn: Những giá trị lịch sử khẳng định chủ quyền đất nước

Thứ Năm, 16/08/2012, 16:00
Triển lãm lựa chọn 128 phiên bản tài liệu của 10 vị vua, trong khối hơn 700 tập châu bản triều Nguyễn với đặc điểm phần lớn đều là bản gốc, có độ tin cậy cao. Không chỉ giới thiệu đến công chúng các hình thức ngự phê của các vị vua triều Nguyễn, các châu bản còn chứa nhiều thông tin khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ngày 15/8, lần đầu tiên, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia (TTLTQG) I - nơi lưu trữ những tài liệu quý hiếm của Quốc gia từ 1945 trở về trước - khai mạc triển lãm các văn bản quý hiếm với chủ đề“Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn 1802-1945”.

Châu bản là các văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền triều Nguyễn soạn thảo được được nhà vua “ngự lãm” hay “ngự phê” và là đặc điểm độc đáo của châu bản. Trải qua 143 năm triều Nguyễn, số lượng châu bản sót lại còn khoảng 1/5, nhưng càng khẳng định những giá trị lịch sử.

Theo ông Hà Văn Huề, Giám đốc TTLTQG I, châu bản Triều Nguyễn phản ánh tất cả mọi mặt của đời sống xã hội thời kỳ phong kiến. Do đó, có thể nghiên cứu, khai thác nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thời gian qua, Ban Biên giới Quốc gia cũng đã đến Trung tâm để khai thác một số văn bản trong khối châu bản triều Nguyễn để phục vụ việc xác định các vấn đề liên quan tới chủ quyền đất nước.

Các đại biểu tham quan châu bản lần đầu tiên triển lãm.

Hiện ở TTLTQG I có khoảng gần 20 tư liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo, đều là bản gốc, thể hiện ở nhiều góc độ: Có văn bản trực tiếp, có văn bản gián tiếp, như nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò, hoặc bút phê khen thưởng những người có công với Trường Sa-Hoàng Sa… Tư liệu gần đây nhất do gia đình ông Phan Thuận An hiến tặng là châu bản năm 1939 của triều Bảo Đại khen thưởng những người có công trong việc bảo vệ Trường Sa - Hoàng Sa.

Ông Hà Văn Huề cho biết thêm: Trong năm nay, có thể Cục Văn thư và Lưu trữ Quốc gia sẽ tổ chức hội thảo về việc sưu tầm tài liệu và giới thiệu nguồn sử liệu liên quan tới biên giới và biển đảo. Sau đó sẽ chọn lựa các tư liệu của cả 4 Trung tâm để tổ chức triển lãm. Riêng khối tài liệu Hán Nôm, TTLTQG I đã hoàn thiện quy trình lưu trữ, đóng thành từng tập có hiệu đính, dịch ra tiếng Việt để người đọc nếu không rành về tiếng Hán Nôm có thể tra cứu, nghiên cứu bằng tiếng Việt. Trung tâm đang số hóa khối tài liệu này để tạo điều kiện tra cứu thuận tiện và hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Trường, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Quốc gia, cũng cho biết: Cục có 4 trung tâm, nơi nào cũng có các tư liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo của quốc gia, không chỉ hàng chục mà là hàng trăm văn bản, bằng nhiều loại hình, ngôn ngữ khác nhau: Hán Nôm, tiếng Pháp, tiếng Việt v.v… Cục đã phối hợp với Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao lập nên danh mục tài liệu.

Tới đây, có thể Cục sẽ tổ chức triển lãm riêng các tài liệu lịch sử liên quan đến vấn đề chủ quyền đất nước; không chỉ là văn bản, mà còn cả những tập tài liệu, hồ sơ hàng trăm tờ, hay những cuốn sách về tư liệu biển đảo, nhiều nhất là giai đoạn nhà Thanh ký hòa ước với Pháp 1887.

GS.Viện sỹ. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Châu bản có cả giá trị lịch sử lẫn pháp lý

PV: Thưa Giáo sư! Trong khối châu bản triều Nguyễn ở TTLTQG I, có nhiều tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam. Xin Giáo sư cho biết giá trị của chúng?

GS. Phan Huy Lê: Nhà Nguyễn thực thi chủ quyền bằng các văn bản. Tôi đã được tiếp xúc với một số châu bản, trong đó, có 13 tờ đã được công bố và gần đây nhất là tập Kỷ yếu Hoàng Sa của huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng). Chắc chắn, còn nhiều hơn nữa đang được TTLTQG I lưu giữ.

Các văn bản đều là bản gốc, có ghi ngày giờ, niên đại cụ thể, đặc biệt là có dấu ấn vương triều Nguyễn, tập trung nhiều nhất vào thời vua Minh Mạng. Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi được của nước ta với Trường Sa-Hoàng Sa.

Châu bản chứa 2 nội dung: tư liệu lịch sử và tính pháp lý. Các châu bản cho thấy nhà Nguyễn đã quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa bằng việc quy định Hoàng Sa thuộc về Quảng Ngãi, có hệ thống quản lý hành chính nhà nước của Hoàng Sa, đồng thời, cho thấy chủ trương của nhà Nguyễn thực thi chủ quyền của mình như thế nào? Ở đây là các văn bản phái các đội Hoàng Sa và kết hợp với các đội cựu quân đi Hoàng Sa - Trường Sa khảo sát Trường Sa - Hoàng Sa và lập các bản đồ, tài liệu.

Hay là các tờ “sức” điều các đội, các dân phu đi Trường Sa – Hoàng Sa; các báo cáo của các tỉnh đã hoạt động ở Trường Sa. Đấy là những tư liệu lịch sử gốc phản ánh tổ chức hành chính và khao khát không chỉ sở hữu Trường Sa - Hoàng Sa, mà còn thực thi chủ quyền Trường Sa-Hoàng Sa như thế nào. Tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh khác của châu bản ở đây. Ta có rất nhiều tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa. Ví dụ các bản đồ cổ, trong đó sớm nhất là bản đồ Hoàng Sa thế kỷ XVII, hay bản ghi chép của cụ Lê Quý Đôn.

PV: Thưa Giáo sư! Chúng ta có cần công bố trước nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế những tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của đất nước?

GS. Phan Huy Lê: Tôi nghĩ đã đến lúc phải công bố. Tôi có đề nghị TTLTQG I cần tổ chức triển lãm giới thiệu một cách cơ bản nhất về các châu bản triều Nguyễn.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Dạ Miên (thực hiện)

NGND.GS.Đinh Xuân Lâm: Châu bản và đời sống văn hóa đều thể hiện Trường Sa - Hoàng Sa là một bộ phận của Việt Nam

PV: Thưa Giáo sư, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang lưu giữ nhiều châu bản liên quan đến vấn đề chủ quyền đất nước, trong đó có châu bản: Ngày 3/2/1939 triều đình nhà Nguyễn truy tặng Huy chương Long tinh cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất đội lính khố xanh, trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời trong khi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa; vua Bảo Đại ngự phê việc thưởng Huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung Kỳ, vì có công trong phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. Xin Giáo sư cho biết ý nghĩa của 2 châu bản này?

GS. Đinh Xuân Lâm: Châu bản là văn bản gửi về cho vua trực tiếp đọc và có ý kiến giải quyết, thể hiện tinh thần rất nghiêm túc. Do đó, 2 châu bản này đã khẳng định Trường Sa - Hoàng Sa là một bộ phận không tách rời của Nhà nước Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn coi đấy là đất của mình, nên có trách nhiệm với vùng đất ấy. Cũng vì thế, chính quyền Sài Gòn trước đây đã đụng độ vũ trang với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền.

Sự kiện về đội lính khố xanh, tôi được nghe từ chính ông y sĩ Đông Dương là Phạm Vũ Dõng, người được cử đi lo liệu về y tế cho đội lính khố xanh của triều đình bảo vệ Trường Sa - Hoàng Sa khoảng năm 1939-1940, kể: Pháp làm cho đội lính cái hầm có nắp sắt trên đảo Trường Sa- Hoàng Sa, khi nào lính Nhật đổ bộ lên thì tất cả chui xuống hầm và kéo cái máy đậy nắp lại. Có lần, lính Nhật lên, đứng trên nắp hầm, gõ báng súng, ở dưới còn nghe rầm rầm. Đợi khi bọn Nhật xuống tàu, đội lính lại trở về vị trí. Như vậy, khi thống trị Việt Nam, người Pháp cũng ý thức rằng, Trường Sa - Hoàng Sa là mảnh đất thuộc quyền của Việt Nam.

PV: Trong quá trình nghiên cứu, Giáo sư có thấy thêm những tài liệu trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo nữa không ạ?

GS. Đinh Xuân Lâm: Những lễ hội thay thế lính ở Trường Sa - Hoàng Sa trở về để đưa lính mới ra đảo, đã cho thấy đời sống văn hóa cũng thể hiện rất rõ sự gắn bó giữa Trường Sa - Hoàng Sa với đất liền và Trường Sa - Hoàng Sa là một bộ phận không tách rời của Việt Nam.

PV: Xin cám ơn Giáo sư!

PV (thực hiện)

Thanh Hằng
.
.
.