Xoá đói giảm nghèo: Người dân cần “cần câu” chứ không phải “con cá”
- Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, xóa đói giảm nghèo bền vững
- Trồng cây dược liệu xóa đói, giảm nghèo
- Cán bộ xóa đói giảm nghèo làm giả hồ sơ để tham ô
- Hành trình giúp dân xóa đói, giảm nghèo
- Xóa đói giảm nghèo phải là nhiệm vụ trọng tâm
- Kiểm soát chặt dịch bệnh tại các đàn bò “xóa đói giảm nghèo”
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương tại các điểm cầu…
Cả nước còn 9,92% hộ chuẩn nghèo đa chiều
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã đạt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.
Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng 1,6 lần so với cuối năm 2011. Riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng 2,5 lần, đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chi đạo hội nghị |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao các cấp, các ngành, đồng bào chiến sỹ cả nước, các tổ chức quốc tế, những nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã quan tâm, chỉ đạo, trực tiếp hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực trong sự nghiệp xoá đói giảm nghèo ở nước ta thời gian vừa qua.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng tới công tác xoá đói, giảm nghèo và coi đây là chủ trương xuyên suốt trong các thời kỳ. Nếu như năm 1993 cả nước có 58% hộ nghèo thì đến năm 2015 số hộ nghèo chỉ còn 4,45% theo tiêu chí cũ, tương đương 9,92% số hộ nghèo chuẩn nghèo đa chiều. Có nghĩa chúng ta đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Để có được những thành tựu trên, Thủ tướng đánh giá đó là nhờ sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, đoàn viên, hội viên, các nhà tài trợ quốc tế như UNDP và WorldBank. Đặc biệt là sự vươn lên thoát nghèo của các địa phương và sự tự lực, tự cường của người nghèo.
Có tình trạng kê khai nhầm chỗ, xác nhận nghèo luân phiên
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế mà các bộ ngành, địa phương cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Nhiều chủ trương về chính sách giảm nghèo một số nơi triển khai chưa tốt, chưa sáng tạo, vận dụng chưa hiệu quả. Hạ tầng, dân trí vùng sâu vùng xa nhiều nơi còn khó khăn. Nhiều tập tục lạc hậu ở một số vùng đã làm cho tỷ lệ nghèo chưa được giải quyết…
Chính sách còn chồng chéo, quá nhiều văn bản, phân tán; sự chỉ đạo, phối hợp các nguồn lực chưa tốt. Một số chính sách chưa khơi dậy tiềm năng, thế mạnh và sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng để cùng nhau vươn lên. “Có tình trạng xác định hộ nghèo không chính xác; xác nhận nghèo luân phiên trong một số địa phương. Có cán bộ có thu nhập nhưng lại kê khai là nghèo, cái này người ta hay gọi là kê khai nhầm chỗ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu nhắn tin ủng hộ người nghèo |
Một số cán bộ ở địa phương còn lạm dụng nhất định chính sách giảm nghèo, gây ảnh hưởng uy tín lãnh đạo địa phương và ảnh hưởng tới công cuộc xoá đói giảm nghèo.
Đề cập đến những kinh nghiệm quý trong thời gian vừa qua để hỗ trợ người dân xoá đói giảm nghèo, Thủ tướng cho rằng trong công cuộc này cần cho người dân “cần câu” chứ không phải “con cá”. Bên cạnh việc giúp đỡ họ, huy động xã hội “cho không” thì cần để người nghèo tự vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1-1,5%/năm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần nhận thức rõ và quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, thực hiện mục tiêu bền vững theo chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất mục tiêu đề ra với tinh thần quyết tâm cao, cả nước chung tay vì người nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị |
Các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, dành nguồn lực ưu tiên cho công tác xoá đói giảm nghèo, đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. “Phải tính toán phát triển bền vững, không để tình trạng thảm hoạ môi trường, gây ảnh hưởng xã hội và ảnh hưởng chỉ tiêu giảm nghèo ở địa phương...”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đã phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 – 1,5%/ theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 -2020.
Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015…
Hưởng ứng phong trào này, ngay tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại 63 điểm cầu đã lấy điện thoại nhắn tin để ủng hộ người nghèo với cú pháp “VNN” gửi 1409, theo chương trình do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.