Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, xóa đói giảm nghèo bền vững

Thứ Ba, 24/05/2016, 08:53
Trong những năm qua, dưới hình thức xây dựng mô hình Dân vận khéo, huyện Kim Bôi (Hoà Bình) đã từng bước phát huy được lợi thế, tận dụng cơ hội để giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Là một xã thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Kim Bôi, với đặc thù đất nông nghiệp ít, chủ yếu là các đồi đá vôi nên nhiều năm nay người dân xã Kim Bôi loay hoay tìm hướng đi chính trong phát triển nông nghiệp hoặc đi làm ăn xa.

Với chủ trương giúp người dân xóa đói giảm nghèo trên chính mảnh đất quê hương, Đảng ủy, chính quyền xã Kim Bôi tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những loại cây trồng phù hợp cho năng suất cao để áp dụng vào đồng đất.

Phát triển kinh tế hiệu quả nhờ cây cam.

Đồng thuận với chủ trương đó, năm 2010, anh Bùi Văn Hiền, đảng viên Chi bộ xóm Vố đã mạnh dạn lên huyện Cao Phong (Hoà Bình) học hỏi kỹ thuật và vay vốn đầu tư trồng cây cam Canh, cam xã Đoài trên toàn bộ diện tích 2.000m2 vườn của gia đình.

Anh Hiền cho biết: Từ thực tế của gia đình và địa phương, nếu chỉ trông chờ vào làm nông mà vườn tạp lại để không thì không thể phát triển kinh tế được. Vì vậy, anh đã mạnh dạn đột phá tiềm năng đất đai đã có để học và trồng cam. Sau 3 năm nỗ lực, vụ cam bói đầu tiên, gia đình anh Hiền đã có thu nhập hơn 40 triệu đồng. Từ năm sau, mỗi vụ gia đình anh thu gần 200 triệu đồng.

Mô hình cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Từ thành công của cây cam, Đảng ủy, chính quyền xã Kim Bôi đã tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình. Đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn áp dụng những cây trồng mới cho năng suất cao hơn từ việc phá bỏ vườn tạp không hiệu quả.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Bôi cho biết: Dân vận khéo là công tác quan trọng để tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và cách tuyên truyền hiệu quả nhất chính là những mô hình cụ thể mà cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với những cá nhân điển hình đã xây dựng nên trong cuộc sống.

Vì vậy, trong khi nắm bắt tình hình cơ sở, biết được các hộ dân có những cách làm mới, chúng tôi hết sức ủng hộ; thường xuyên mở các hội nghị điển hình để báo cáo kết quả và tổ chức cho người dân đến thăm trực tiếp mô hình nhằm nhân rộng ra tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Bùi Thị Miến, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kim Bôi cho biết: Huyện ủy Kim Bôi xác định dân vận khéo không phải là một mô hình chung chung mà trước hết phải mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm góp phần thay đổi đời sống nhân dân nhất là những mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế.

Qua 5 năm triển khai, toàn huyện đã xây dựng được hơn 30 mô hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế. Trong đó, có nhiều mô hình hay được xây dựng kế hoạch nhân rộng tại các xã, thị trấn như mô hình “xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao”; mô hình “trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò tại chuồng”; “trồng mướp đắng, bí đỏ, dưa leo”…

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Đặc biệt, các mô hình trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện Kim Bôi trung bình 7,1%/ năm; 4 xã của huyện đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 1 xã đạt 18 tiêu chí; 15 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 7 xã đạt 5 - 9 tiêu chí.

Đồng thời, phong trào đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và giảm nghèo một cách bền vững trên chính mảnh đất quê hương.

Vũ Hà
.
.
.