Gặp những trí thức trẻ lên vùng cao theo Đề án 600:

Hành trình giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Thứ Hai, 21/03/2016, 08:37
Áng mây vần vũ báo hiệu trời bắt đầu tối, mặt đất bao phủ màn sương mỏng, mang theo hơi nước từ lòng hồ thủy điện Bản Chát hắt lên lạnh buốt. Gần 4 năm gắn bó với người dân tái định cư ở Tà Mít, chàng kỹ sư chuyên ngành Lâm sinh của Đại học Tây Bắc giờ đã trở thành dân bản chính hiệu.


Những trí thức trẻ tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn theo Đề án 600 trí thức về làm Phó chủ tịch xã của 63 huyện nghèo mà chúng tôi gặp đang góp phần đưa người dân thoát đói, giảm nghèo.

Gỡ nút thắt cho dân Tà Mít

Nhắc tới Tà Mít, người dân ở tỉnh Lai Châu đã phải rùng mình bởi nơi đây giống như một ốc đảo biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Tà Mít cách trung tâm thị trấn huyện Tân Yên 80km, chỉ đi được ôtô vào mùa khô, mùa mưa đường bộ bị sạt lở, phải đi xuồng máy của dân. Điểm đặc biệt nhất của xã Tà Mít là 100% bản (10 bản) đều nằm trong vùng lòng hồ Thủy điện Bản Chát nên 6 bản phải di dời về tái định cư ở các xã xung quanh, chỉ còn lại 4 bản tái định cư tại chỗ, vén đất lên cho các hộ canh tác. 

Năm 2011, khi đang là sinh viên của Trường ĐH Tây Bắc, anh Lò Văn Diện đã quan tâm đến Dự án thí điểm đưa 600 trí thức có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã của 63 huyện nghèo (Đề án 600). Thế nên, năm 2012 vừa ra trường anh làm ngay hồ sơ đăng ký và trúng tuyển. 

Sinh ra ở xã Phồng Lăng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, khi còn ở nhà anh Diện thường xuống các xã khó khăn nên không cảm thấy lạ lẫm và nghĩ Tà Mít chắc cũng khó khăn hơn quê mình chút thôi. Nhưng không ngờ khi đến nơi, chứng kiến cuộc sống của bà con ở 4 bản với 1.500 khẩu vừa chuyển lên nơi ở mới, tất cả đều tạm bợ, đều thiếu thốn khiến anh Diện thấy ngồn ngộn trước mắt là những khó khăn. Khi đó, Thủy điện Bản Chát vừa được khởi công, trụ sở xã, trường học, trạm y tế đều ở tạm và chung trên một mặt bằng 500m2. Bà con tái định cư không có vườn, đất cằn không trồng cấy được.

Những trí thức trẻ nhận nhiệm vụ ở xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế.

Nắm rõ mục tiêu của Đề án 600 nên khi nhận trọng trách Phó chủ tịch xã Tà Mít, anh Diện bắt tay ngay vào thực hiện mô hình phát triển kinh tế - xã hội để từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Nhưng mình là cán bộ trẻ, một mình không thể giúp cho xã ngay được, điều này làm anh trăn trở, suy nghĩ. Và cuối cùng anh đã tìm được hướng đi. Đó là tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con, để bà con thấy được việc trước mắt là phải có cái ăn, cái mặc. 

“Mình tuyên truyền, vận động bà con đi khai hoang xa. Chỗ nào có mặt bằng là mình lại vận động bà con khai hoang để lấy đất. Những ruộng lúa một vụ thì tuyên truyền bà con trồng thêm cây mầu như khoai, sắn. Khi thủy điện rút nước thì vận động bà con xuống trồng ngô. Khi mới đến mình thấy bà con chỉ biết  thả gia súc vào rừng và bị chết nhiều. Mình đã vận động bà con phát triển đàn gia súc bằng cách nuôi thêm lợn, trâu, dê và tiêm phòng định kỳ. Đến nay tốc độ tăng trưởng gia súc đã đạt 120%. Mô hình nuôi dê bán thịt phát triển mạnh, cả xã đã có trên 600 con” – anh Diện hồ hởi khoe với chúng tôi.

Cuộc sống của người dân Tà Mít tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18%, nhưng diện mạo nông thôn mới đã đổi thay. Mà thay đổi lớn nhất theo anh Lò Văn Diện là nhận thức của bà con đã nâng lên. Đây là thành quả lớn nhất kể từ khi anh tiếp nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã.

Từng bước giúp dân thoát nghèo          

Trong ráng chiều ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, chúng tôi gặp anh Hà Chánh Thảo đang hướng dẫn bà con Pá Hu trồng lúa vụ đông xuân. Anh Thảo quê ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, năm 2012 tốt nghiệp khoa Nông - Lâm ĐH Tây Bắc về làm Phó Chủ tịch xã xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu theo Đề án 600. 

Anh kể, lúc mới về do bất đồng ngôn ngữ nên mọi thứ gặp rất nhiều khó khăn. So với các vùng khác thì kinh tế của Pá Hu chậm phát triển hơn, tập tục lạc hậu, trên 50% dân số là hộ nghèo. Là Phó Chủ tịch xã phụ trách về kinh tế, việc đầu tiên anh phải làm là học tiếng của đồng bào dân tộc. Người dân ở Pá Hu chỉ quen trồng lúa một vụ nên năng suất thấp, thường xuyên thiếu gạo để ăn. Trước tình hình đó, anh đã đề xuất với chính quyền vận động bà con trồng lúa tăng lên 2 vụ/năm. 

“Diện tích lúa 2 vụ giờ đã chiếm trên 90ha. Bà con đang chuyển đổi dần sang trồng lúa nương. Những nơi nào trồng sắn kém hiệu quả, tôi đã vận động bà con chuyển sang trồng ngô. Hiện nay diện tích trồng ngô của xã đạt trên 90ha. Thu hoạch từ ngô cao gấp 3 lần so với trồng lúa nên bà con rất phấn khởi” – anh Thảo chia sẻ.

Theo chia sẻ của anh Thảo thì khi mới tiếp nhận công việc, đội ngũ cán bộ của xã chưa biết máy tính, anh đã tham mưu cho lãnh đạo xã cho cán bộ đi học công nghệ thông tin và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hằng năm. Hiệu quả mang lại lớn nhất sau gần 4 năm anh Thảo nhận nhiệm vụ, đó là kinh tế của Pá Hu đã dần thay da đổi thịt, số hộ nghèo giảm 7% mỗi năm.

Điều mà chúng tôi ghi nhận khi chứng kiến việc làm của những Phó Chủ tịch xã theo Đề án 600, đó là họ nhận được sự yêu mến và niềm tin của nhân dân. Hành trình giúp dân xóa đói, giảm nghèo đó không hề dễ dàng. Dù làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng theo anh Lò Văn Diện chia sẻ, nếu bà con tin yêu muốn anh tiếp tục ở lại Tà Mít thì anh vẫn gắn bó và cống hiến hết sức mình. 

Theo chúng tôi được biết, khi về Tà Mít nhận công tác, anh Diện đã xây dựng gia đình ngay trên mảnh đất Tân Yên. Vợ anh công tác ở ngoài huyện, cách nơi anh làm việc 60km đường rừng, phải thuê nhà để ở, nhưng vượt qua bao trở ngại về khoảng cách, anh vẫn nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho Tà Mít khi đề án kết thúc nếu dân bản vẫn cần anh.

Trần Hằng – Việt Hà
.
.
.