Để nghiên cứu khoa học không còn “tụt hậu” so với yêu cầu thực tế

Thứ Năm, 25/04/2019, 15:47
Trong những năm qua, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã có bước chuyển biến ban đầu tích cực. Minh chứng là so với 5 năm trước, số công bố quốc tế trong các cơ sở GDĐH của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, góp phần giúp xếp hạng khu vực, quốc tế của các trường tăng lên đáng kể...


Hiện nay, trong “2 chân” là đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học (ĐH) vẫn chú trọng chủ yếu là đào tạo; còn nghiên cứu khoa học, dù đã có cải thiện lớn trong thời gian qua, nhưng so với “chân” đào tạo thì vẫn yếu. Bởi vậy, việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trong các cơ sở giáo dục ĐH là cấp thiết. Đây là ý kiến được nhiều nhà khoa học đặt ra tại Hội thảo “Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 25-4.

Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gấp 5 lần

Trong những năm qua, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã có bước chuyển biến ban đầu tích cực. Minh chứng là so với 5 năm trước, số công bố quốc tế trong các cơ sở GDĐH của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, góp phần giúp xếp hạng khu vực, quốc tế của các trường tăng lên đáng kể. 

Theo thống kê mới đây nhất của nhóm nghiên cứu độc lập thuộc Trường ĐH Duy Tân, tính đến tháng 6-2018, chỉ riêng công bố quốc tế của 30 trường ĐH Việt Nam hàng đầu trong danh sách này đã đạt 10.515 bài. Con số này hơn cả giai đoạn 5 năm trước đó (2011-2015), khi toàn Việt Nam mới có 10.034 bài. Nếu chỉ tính riêng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây (2009-2018) đã tăng gần 5 lần so với giai đoạn trước đó.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, nếu so với yêu cầu, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế, thì phát triển GDĐH, trong đó có vị thế xếp hạng và vấn đề khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế chính sách và nguyên nhân từ ý thức về vai trò KHCN trong phát triển nhà trường của chính các trường ĐH. 

Sơ lược một số nguồn thu chính từ khoa học công nghệ trong các cơ sở GD ĐH, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, để thực hiện được điều này, nhất thiết phải thay đổi cơ chế chính sách phát triển KHCN trong các cơ sở GD ĐH. Những hạn chế về nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm, khởi nghiệm và đổi mới sáng tạo hiện nay trong các cơ sở GD ĐH cũng cần sự khơi thông, thay đổi về chính sách.

Là trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức-Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho biết: Kết quả khảo sát ở ĐHQG Hà Nội cho thấy, 80% các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ của trường, nhờ trưởng thành trong các nhóm nghiên cứu nên khi bảo vệ luận án TS đều đã có công bố quốc tế ISI. 100% các nhóm nghiên cứu ở ĐHQG Hà Nội có công bố quốc tế đều tham gia trong các nhóm nghiên cứu.  

“Sự gia tăng của các nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng công bố quốc tế. Nhóm nghiên cứu chính là một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, ngâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ nhân lực KH&CN cũng như nâng cao xếp hạng của trường ĐH”-GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Nghiên cứu khoa học là một trong những thuộc tính tạo nên giá trị của trường ĐH đối với xã hội

Ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm và phòng thí nghiệm hiệu quả

GS Nguyễn Văn Minh-Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của phòng thí nghiệm với các nghiên cứu thực nghiệm. Đưa đề xuất trên quan điểm cá nhân, GS Minh cho rằng cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực của đất nước từng giai đoạn và đặt yêu cầu đối với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; từ đó đưa ra nhiệm vụ đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu, đào tạo; gắn kết nghiên cứu, đào tạo và chuyển gia công nghệ. 

Cần chấm dứt tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, không đầu tư khi thiếu các luận cứ cốt yếu. Trong đó, nên tập trung ưu tiên xây dựng các cơ sở nghiên cứu liên ngành phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là nông nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, thủy sản và công nghệ thông tin. Đồng thời, lấy đó làm nền tảng ban đầu để đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu có tính chuyên sâu. 

Xây dựng chuỗi liên kết: cơ sở nghiên cứu-cơ sở thử nghiệm (pilot) và cơ sở sử dụng. Với những lĩnh vực ưu tiên, sau khi đầu tư có trọng điểm, cần có cơ chế quản lý, cơ chế tài chính để cơ sở chủ động hội nhập nhằm đem lại kết quả nhanh và tốt nhất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội...

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn đưa ra đề xuất: Trên cơ sở tham khảo tính hiệu quả của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc tế và trong nước, cần tổ chức tốt việc xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của các phòng thí nghiệm trọng điểm trong từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở các tiêu chí này, các phòng thí nghiệm sẽ thực hiện, đánh giá hoạt động của mình, từ đó chọn ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả.

Những phòng thí nghiệm được coi là trọng điểm được nhà nước ưu tiên đầu tư tài trợ phải là nơi thể hiện được một định hướng phát triển  khát vọng cống hiến. Năng lực, kinh nghiệm nhất thiết phải được minh chứng qua những sản phẩm nghiên cứu cụ thể. “Tóm lại, việc xác định đầu ra cho một phòng thí nghiệm trọng điểm là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp cho việc xác định các nhóm nghiên cứu có xứng đáng được đầu tư hay không” - PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ nêu quan điểm.

Huyền Thanh
.
.
.