Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Báo chí cần kết hợp với nhà nghiên cứu, khoa học trong truyền thông về văn hóa ứng xử

Thứ Bảy, 16/03/2019, 17:27
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, ngày 16-3, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự, phát biểu chỉ đạo hội thảo.



Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trịnh Thị Thủy nhận định: Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực và ở địa phương đến nay đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn có những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. 

Vẫn còn có những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp, nhân dân, gây bức xúc dư luận. Bạo lực gia đình, học đường, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm vẫn còn tồn tại. 

Để khắc phục các hạn chế này, cần có những giải pháp kịp thời, thường xuyên, lâu dài… Trong đó, công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong việc hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi cũng khẳng định: Trong hơn 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện tốt sứ mệnh chính trị vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa. 

Những năm gần đây, tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử trong cộng đồng, xã hội nhiều khi đến mức báo động, đã được  báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực. Nhưng vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm đến chuẩn mực văn hóa ứng xử, văn hóa ứng xử, thiếu gương mẫu trong ứng xử văn hóa, thậm chí vi phạm quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của cộng động, tổ chức… 

Trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có những cách tiếp cận tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng đồng.

Về vấn đề này, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phản ánh, thời gian vừa qua, khi viết về các hoạt động tôn giáo, nhiều nhà báo chưa am hiểu về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cũng như quy định pháp luật về lĩnh vực nên đã có những bài viết thông tin lệch lạc. 

Hòa thượng đề nghị, các nhà báo nên tìm kỹ, tham khảo ý kiến những người có uy tín để có những bài viết phản ánh đúng thực tế, thuyết phục bạn đọc, định hướng dư luận một cách đúng đắn, trung thực mà không ảnh hưởng thiếu tích cực đến hoạt động tôn giáo.

Hòa thượng Thích Gia Quang, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao đổi ý kiến về cách thông tin của báo chí về vấn đề tôn giáo.

Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặt vấn đề:  Để các chuẩn mực văn hóa ứng xử trở thành các giá trị văn hóa trong xã hội thì thay vì truyền thông một chiều, cần sự đối thoại giữa người đưa ra thông điệp và người tiếp nhận. 

Truyền thông  về chuẩn mực và hành vi ứng xử văn hóa phải qua nhiều bước, tác động đến nhận thức của con người, cung cấp kiến thức, kỹ năng nhất định để họ hiểu thế nào là chuẩn mực rồi mới đến các hoạt động có tính khích lệ, trải nghiệm…

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Quốc hội thì cho rằng, trước khi truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, cần làm rõ và đưa ra được những nội dung cụ thể, những chuẩn mực cụ thể để từ đó cộng đồng, cá nhân đối chiếu, điều chỉnh.

Tại  hội thảo còn có sự tham gia thảo luận sôi nổi của đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà báo khác. Các đại biểu đã cùng xác định rõ nét những đặc điểm chung của văn hóa ứng xử của người Việt,phân tích thực trạng, đưa ra nhiều  bài học kinh nghiệm về phát vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những thông điệp tốt đẹp để hình thành chuẩn mực trong văn hóa ứng xử.

Lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử là chủ đề rất được quan tâm và là chủ đề rất lớn. Những quy định như thế nào là chuẩn mực văn hóa ứng xử đã được thể hiện qua các văn bản, Nghị quyết, quy định pháp luật, văn hóa ứng xử của các bộ, ngành hay hiệp hội. Nhưng còn có nhiều nội dung khác, không cần văn bản mà ai cũng biết như kính lão đắc thọ, ưu tiên phụ nữ… 

Vấn đề là làm như thế nào cho hiệu quả. Đây không phải là việc làm của riêng báo chí mà là của cả hệ thống. Trước mắt, những gì đã thấy rõ là thiếu văn hóa thì cần tích cực điều chỉnh. Phải đẩy mạnh truyền thông và tập trung sức mạnh chung của cộng đồng, cùng tạo nên những chuyển biến cho những thói quen, hành vi không tốt để làm xã hội tốt hơn lên… 

Như thế, ngoài định hướng dư luận, thay đổi hành vi là nêu gương tốt, phê phán hiện tượng xấu thì báo chí, như Bác Hồ nói là phải làm cho văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân, là đẩy lùi tâm lý lười biếng, tham nhũng, hủ hóa, xa xỉ. 

Muốn thấm sâu vào tâm lý quốc dân thì ngoài lý thuyết về mặt truyền thông hiện đại thì khi đưa tin cũng phải đồng thời phân tích hành vi đấy là như thế nào xét trên giác độ văn hóa và đưa ra khuyến nghị. 

Phải kiên trì, kết hợp chặt chẽ báo chí, truyền thông với văn hóa, giáo dục, các hội, hiệp hội, nên có khuyến khích các tác giả, nhà báo, chuyên mục có đóng góp làm thay đổi hành vi thiếu văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi phát biểu tại hội thảo.

Phó Thủ thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý là thời gian gần đây, có nhiều biểu hiện, hành vi thiếu văn hóa có chiều hướng lan rộng nhưng đấy không phải là bản chất của dân tộc Việt Nam mà là do quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, chúng ta đã không chú ý đúng mức đến văn hóa. Đây là căn bệnh chung của các nền kinh tế mới phát triển. Vì quá chú trọng, bị sức ép về mặt phát triển kinh tế mà không chú ý đến vấn đề môi trường, văn hóa. Hệ quả là phải mất nhiều chục năm, thậm chí là hàng thế hệ mới khắc phục được. Vì vậy, chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn cho văn hóa. 

Các báo đài, kể cả địa phương nên hình thành các chuyên mục, tăng lượng bài viết về các hành vi ứng xử văn hóa, nhằm vào những thứ thiết thực, cụ thể, tạo sức lan tỏa lớn. Cần có sự kết hợp, tham gia của các nhà văn hóa, khoa học để phân tích, nghiên cứu, truyền thông, một cách dễ hiểu, có sức thuyết phục, làm cho những hành vi ứng xử có văn hóa dần quen với mọi người, đi vào cuộc sống; hành vi thiếu văn hóa, chưa phù hợp với văn hóa thì ai cũng biết, cũng tránh, nếu đã lỡ làm rồi thì tự điều chỉnh. 

Làm được như thế, chắc chắn công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng con người sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, phát triển đất nước mới thực sự bền vững và người Việt Nam hôm nay mới xứng đáng với di sản văn hóa rất đáng tự hào mà tổ tiên đã để lại.

Nhà báo Lê Thư, Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội:  Báo chí có nhiều cách để định hướng ứng xử văn hóa trong cộng đồng

Mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ, cụ thể trong đó là môi trường mạng xã hội đang có những tác động tiêu cực đến đạo đức cá nhân và xã hội, tạo ra nhiều thách thức nhất là trong việc định hướng chuẩn mực văn hóa ứng xử. 

Vì thế, báo chí với sức mạnh và tầm ảnh hưởng rộng lớn của mình phải có trách nhiệm tuyên truyền, tác động vào suy nghĩ, nhận thức của công chúng, từ đó tác động vào hành vi, để mỗi người có cách ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. 

Báo chí có thể phát huy vai trò của mình bằng cách lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử giữa con người. 

Báo chí cũng cần đăng tải thông tin mang tính chất cảnh báo về hậu quả cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể, từ đó, giúp cộng đồng nhận thức, loại bỏ những hành vi thiếu văn hóa trong quá trình tham gia môi trường mạng. 

Báo chí còn có thể sử dụng chính mạng xã hội để truyền thông về ứng xử trên mạng xã hội. Nhưng muốn làm được điều này, trước tiên mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt là bản thân mỗi nhà báo phải có trách nhiệm làm rõ thông tin, đứng ở góc nhìn khách quan, để giúp bản thân và người dân không bị vô tình hay cố ý cuốn theo những cuộc tranh luận có chủ đích xấu khi tham gia mạng xã hội...

Nhà  báo Trần Thị Thanh Thùy, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội: Báo chí không nên tuyên truyền theo kỳ cuộc

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền và định hướng của báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhận thức và hành vi của cộng đồng. 

Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, công tác tuyên truyền về chuẩn mực ứng xử trong xã hội phải thực hiện liên tục, trong thời gian dài, không thể ngắt quãng hay theo kỳ cuộc. 

Như thế sẽ định hình tốt hơn những chuẩn mực ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, giúp những quy tắc  ứng xử ăn sâu và bám rễ chặt chẽ trong cuộc sống của người dân. 

Ngoài ra, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan thực thi pháp luật, tăng các chế tài xử phạt và tiến tới loại bỏ những hành vi lệch chuẩn ra khỏi đời sống xã hội. 

Cần tăng cường kinh phí tuyên truyền cho các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng để việc tuyên truyền được thường xuyên, chương trình tuyên truyền có quy mô lớn hơn, có thêm sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng…

N.H (ghi)


Ngọc Nguyễn
.
.
.