Tìm giải pháp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học mạnh mẽ vào cuộc sống

Thứ Sáu, 16/11/2018, 17:25

Lần đầu tiên, diễn đàn “Kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp” đã được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 16-11, nhằm tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế -xã hội. 


Diễn đàn khoa học này do Học viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của GS. Phan Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Giám đốc Học viện KHCN; Viện sĩ, GS. Nguyễn Văn Hiệu cùng hơn 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện các bộ, ngành vv… 

GS. Phan Ngọc Minh nhấn mạnh: Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, các trường đại học và các chuyên gia về việc tiếp cận thị trường KHCN, thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

GS. Phan Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Trao đổi về mô hình kết hợp đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ, TS. Nguyễn Văn Thao -Tổng giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ cao đề xuất tập trung đầu tư cho một số hướng hỗ trợ khởi nghiệp có tiềm năng, từ đó hỗ trợ để khởi nghiệp các doanh nghiệp KHCN.

Còn TS. Hà Quý Quỳnh - Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết những kết quả nghiên cứu khoa học mà Viện Hàm lâm đã chuyển giao thành công những năm qua đã đóng góp đáng kể cho việc đổi mới công nghệ và ra đời các sản phẩm mới. Hiện, Viện còn gần 200 công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực sẵn sàng chuyển giao.

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để ứng dụng KHCN vào cuộc sống

 Phân tích những kết quả nghiên cứu công nghệ mới trong nông nghiệp, GS. TS. Nguyễn Quang Thạch - Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất là hướng đi quan trọng và tất yếu cho phát triển nông nghiệp. Yếu tố quyết định thành công là ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong thời kỳ 4.0 phải là đầu ra của sản phẩm.

Nhà khoa học trẻ Đỗ Hoàng Tùng (Viện Vật lý) chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn bằng việc mạnh dạn đầu tư để đưa máy Plasma lạnh chữa lành vết thương hở thay cho dùng thuốc kháng sinh vào các bệnh viện. 

Các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam 

Theo TS. Dương Trọng Hải (Đại học Nguyễn Tất Thành), vấn đề quan trọng để kết nối nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp là cần có đơn vị trung gian là sàn giao dịch KHCN, vì việc gặp trực tiếp giữa 2 bên thường ít thành công vì thiếu tiếng nói chung.

Là người có kinh nghiệm trong chuyển giao thành công nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, TS. Hà Phương Thư (Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ: Nhà khoa học và doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, tìm kiếm thông tin, cũng như cần có tổ chức trung gian để đinh giá công nghệ, tạo sự tin cậy, công bằng cho 2 bên. Đặc biệt là cần có sự vào cuộc của các kênh truyền thông chính thống để kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp.

GS. Nguyễn Sơn Bình (Đại học North Western (Mỹ) cho rằng, việc kết hợp giữa Viện nghiên cứu và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Ở các nước phát triển, đây là yếu tố cốt lõi để ứng dụng KHCN nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho 2 bên và cho xã hội. Ở Việt Nam điều này còn lỏng lẻo, nên không tốt cho sự phát triển bền vững của nền công nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Việc hợp tác còn thiếu thông tin cả từ 2 phía. Vì thế, cần phải xây dựng hệ thống mạng thông tin giao tiếp nhằm giúp các Viện nghiên cứu nắm được đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp trong ứng dụng kết quả KHCN vào thực tế sản xuất; giúp doanh nghiệp có thông tin về các kết quả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu.


Thanh Hằng
.
.
.