Chủ tịch nước chủ trì phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Thứ Ba, 30/05/2017, 14:48
Sáng 30-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ ba nhằm thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay, đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian tới và dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các địa phương. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, từ khi được thành lập đến nay, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, chế độ làm việc, quan hệ công tác và chính sách cán bộ của Ban chỉ đạo từng bước được bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hơn; đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì phiên họp.

 Cơ quan Thường trực, giúp việc của Ban Chỉ đạo được kiện toàn, bổ sung theo hướng tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách, bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, giúp việc. 2 nhiệm kỳ trước, từ 2001-2006 và 2006-2011, cơ quan Thường trực, giúp việc Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Đầu nhiệm kỳ 2011-2016, Bộ Chính trị cho phép Ban Chỉ đạo được thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách là Văn phòng Ban Chỉ đạo. Chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và cán bộ, công chức văn phòng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Tại phiên họp, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với nội dung của hai bản dự thảo. Liên quan đến mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo, có ý kiến đề nghị từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức của Văn phòng Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký như hiện nay. Vì nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo từ nay đến hết nhiệm kỳ còn rất nặng nề. Nếu giải thể, hoặc sáp nhập với đơn vị khác sẽ mất thời gian sắp xếp lại tổ chức, cán bộ, ảnh hưởng đến tham mưu, giúp việc, khó có thể giúp Ban Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. 

Liên quan đến kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các địa phương, đa số các ý kiến của các đại biểu cho rằng, công tác kiểm tra, nắm tình phải có kế hoạch cụ thể, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân, phương hướng, giải pháp khắc phục từ đó đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đề ra giải pháp pháp.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, dự thảo Báo cáo tổng kết và dự thảo Kế hoạch đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo. Về báo cáo tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay, đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng, cải cách tư pháp là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, cần phải nhận thức đúng đắn về mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ và có quyết tâm cao. Đồng thời phải tiến hành đồng bộ với việc đổi mới hệ thống chính trị, cải cách lập pháp và cải cách hành chính; có lộ trình hợp lý, chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. 

Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các địa phương, Chủ tịch nước cho biết, đây là nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình làm việc năm 2017 của Ban Chỉ đạo. Vì vậy, trước khi triển khai cần được chuẩn bị kỹ về nội dung kiểm tra và thông báo cho các địa phương chuẩn bị nội dung báo cáo để đạt hiệu quả cao nhất.


Nguyễn Hương
.
.
.