Các Ủy ban APEC trong Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp liên quan họp phiên toàn thể

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:40
Ngày 26-2, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành Đối thoại về mua sắm chính phủ, tập trung trao đổi những điển hình của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong quản lý mua sắm chính phủ.



Ngày 26-2, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan tiếp diễn với hai phiên họp toàn thể của các Ủy ban Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về Thương mại và đầu tư (CTI) và quản lý ngân sách (BMC), cùng sáu hoạt động khác của các Ủy ban, nhóm công tác về Kinh tế (EC), Chính sách an ninh lương thực (PPFS), Nghề cá và đại dương (OFWG), Chính sách và luật cạnh tranh (CPLG) và các Nhóm  bạn Chủ tịch về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và Thuận lợi hoá thương mại (TF). 

Tại các cuộc họp về thương mại và đầu tư và quản lý ngân sách, đại diện các nền kinh tế đã trao đổi kế hoạch công tác năm 2017, tập trung vào các nhiệm vụ chính của thương mại và đầu tư trong điều phối chương trình nghị sự tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư.    

Phát biểu tại các phiên khai mạc, Chủ tịch các quan chức cao cấp (SOM) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang ở giai đoạn quan trọng trong đẩy mạnh nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào 2020, trong đó đóng góp của các Ủy ban vào thành công chung của Năm APEC 2017 sẽ là một bước tiến then chốt trong tiến trình này”. 

Để triển khai hợp tác Năm APEC 2017, Chủ tịch quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 cũng đề nghị các Ủy ban lồng ghép các hướng ưu tiên vào hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017.      

Về phía Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương quốc tế, Giám đốc điều hành Allan Bollard đã cập nhật và thông báo định hướng hoạt động của Ban Thư ký thời gian tới. 

Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ và tâm lý nghi ngại toàn cầu hoá xuất hiện ở một số nơi, một trong những điểm nhấn trong hoạt động của Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ là công tác thông tin truyền thông để người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan có thông tin đầy đủ hơn về hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.   

Ngày 26-2, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành Đối thoại về mua sắm chính phủ, tập trung trao đổi những điển hình của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong quản lý mua sắm chính phủ. 

Trên cơ sở đóng góp của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL)..., đại diện các nền kinh tế đã chia sẻ kinh nghiệm chống tham nhũng, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mua sắm chính phủ điện tử...

PV (Theo TTXVN)
.
.
.