EU đang “tự bắn vào chân mình” khi trừng phạt Nga?

Thứ Bảy, 12/12/2020, 08:16
Ước tính các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga liên quan tới tình hình tại Ukraine từ tháng 3/2014 đã khiến nền kinh tế của liên minh thiệt hại 21 tỷ euro (khoảng 25,4 tỷ USD)/năm. Con số này đối với Đức là 5,45 tỷ euro/năm.


Hôm 10/12, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng 1/2021. 

Theo người phát ngôn của EU Barend Leyts, các biện pháp trừng phạt này sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 và nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga như dầu mỏ, quốc phòng và ngân hàng.

Trước đó, hôm 9/12, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nhấn mạnh ông không thấy có lý do gì để nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Đức từ đảng cực hữu “Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD) Waldemar Gerdt gọi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là hành động “tự bắn vào chân mình”. Ông lưu ý rằng trong bối cảnh kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19, tác động của những biện pháp đó sẽ không giống như các nhà chức trách Đức mong đợi.

Ông nhấn mạnh rằng hiện nay cần tăng cường quan hệ giữa hai nước, phát triển thương mại và hợp tác. Chính trị gia Đức nói thêm rằng nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga càng sớm càng tốt. Theo ông, mọi điều cản trở sự phát triển quan hệ giữa Nga và Đức cần được “loại bỏ khỏi diễn đàn”.

Các nhà lãnh đạo EU đã quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng.

Theo số liệu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Dusseldorf (CCI) của Đức công bố hôm 9-12, ước tính các biện pháp trừng phạt (của EU) đối với Nga khiến kinh tế Đức thiệt hại 5,45 tỷ euro/năm. Đối với EU, mức thiệt hại lên tới 21 tỷ euro/năm. Giám đốc điều hành CCI, ông Gregor Berghausen nhấn mạnh việc EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sẽ khiến hình kinh tế của tất cả các bên thêm khó khăn. Nếu các biện pháp trừng phạt được siết chặt, thiệt hại tài chính sẽ tăng lên.

Ở chiều ngược lại, các hoạt động kinh doanh có thể khởi sắc hơn. Ông cho biết Đức coi Nga là một thị trường dành cho các doanh nghiệp có quy mô trung bình và kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Nga có thể tăng 15% sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Kết quả cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo tại Munich (Đức) thực hiện theo yêu cầu của CCI cho thấy các ngành chế tạo máy, sản xuất ôtô, chế biến và hóa chất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các biện pháp trừng phạt.

Việc EU bị thiệt hại như vậy đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo từ hồi đầu năm nay trong một cuộc phỏng vấn với tờ Rossiiskaya Gazeta. Ông nhấn mạnh: “Các lệnh trừng phạt chống Nga của Liên minh châu Âu (EU) dường như là một sự ám ảnh, trên thực tế nó không liên quan nhiều đến chính trị”, đồng thời lưu ý rằng, hiện chỉ có “một nhóm rất ít các quốc gia” đang hối thúc Brussels tiếp tục đối đầu với Moscow và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga cho đến khi “Moscow thực hiện các thỏa thuận Minsk”.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko muốn kêu gọi EU áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga và “chính quyền mới của Ukraine cũng đang áp dụng chính sách ngoại giao này”. Ông giải thích thêm: “Họ (chính quyền Ukraine - PV) sẽ không làm gì cả và khi họ không làm gì thì các thỏa thuận Minsk sẽ không bao giờ được thực thi.

Vì vậy, theo logic này, EU sẽ giữ nguyên lệnh trừng phạt chống Nga, trong khi đó Ukraine sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây”. Đặc biệt, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp châu Âu đang phải chịu “tổn thất kinh tế tới hàng chục, thậm chí có thể lên tới hàng trăm tỷ euro” từ các lệnh trừng phạt chống Nga. “Nhiều đại diện từ các quốc gia thành viên EU tiết lộ với chúng tôi rằng họ phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga và khẳng định các biện pháp trừng phạt này có hại. Tuy nhiên, họ thực hiện nguyên tắc đoàn kết và đồng thuận về vấn đề này”, ông lưu ý.

Các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Nga lần đầu tiên sau khi máy bay MH17 của hãng Malaysian Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine vào tháng 7/2014 khiến 298 người thiệt mạng. Kể từ đó, các lệnh trừng phạt được gia hạn đều đặn 6 tháng/lần. EU khẳng định chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào Thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Đây là thỏa thuận được Nga và Ukraine ký năm 2015 với mục tiêu chấm dứt xung đột và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho lực lượng phiến quân ở hai vùng Donetsk và Lugansk ở Ukraine.

Theo thống kê, kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, các cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân với quân đội Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người, đồng thời đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Việc này đã khiến các vòng đàm phán song phương về hủy bỏ thị thực và một thỏa thuận cơ bản mới về hợp tác cũng đã bị đình trệ dẫn tới việc một số quan chức Nga bị từ chối nhập cảnh châu Âu và bị đóng băng tài sản. 

Ngoài ra, châu Âu cũng đưa ra một số lệnh hạn chế về thương mại, tài chính và quân sự nhằm vào Nga. Đáp lại, Nga đã ra lệnh cấm nhập khẩu từ các nước EU.

Khổng Hà
.
.
.