Nâng cao hiệu quả đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự trong tình hình mới

Thứ Hai, 09/12/2019, 15:22
Ngày 9-12, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự trong tình hình mới - Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế”.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Cảnh sát và Đại sứ quán của các quốc gia như Úc, Thái Lan, Nhật Bản; đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công an, các Học viện, trường CAND. 

Các đồng chí Thiếu tướng Bùi Minh Giám - Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an; Thiếu tướng Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND; Thiếu tướng Lê Danh Cường - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đồng chủ trì Hội thảo.

Đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo

Trước sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, xu hướng các đối tượng phạm tội lợi dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội ngày càng gia tăng. Do đó, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. 

Trong 7 biện pháp công tác của ngành Công an được quy định trong Luật CAND, biện pháp khoa học - kỹ thuật là một biện pháp có tính đặc thù cao, có liên hệ chặt chẽ với các khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ. Kỹ thuật hình sự là một bộ phận có vai trò, vị trí quan trọng của biện pháp khoa học kỹ thuật. 

Trong những năm qua, công tác kỹ thuật hình sự đã có những đóng góp to lớn trong hoạt động tư pháp, cung cấp kịp thời, chính xác nhiều chứng cứ pháp lý quan trọng phục vụ điều tra, khám phá tội phạm. Tuy nhiên, công tác Kỹ thuật hình sự trong thực tiễn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tiễn trên đã đặt ra nhiều yêu cầu cho công tác đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo và các đồng chí chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước nhằm phân tích, đánh giá trên các khía cạnh, góc độ khác nhau, từ đó đưa ra cái nhìn tổng thể, đầy đủ về công tác đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự tại các trường CAND nói chung, Học viện CSND nói riêng cũng như tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự tại Công an các đơn vị, địa phương. 

Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung tham luận, làm rõ một số vấn đề trọng tâm như xây dựng đội ngũ giảng viên nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Kỹ thuật hình sự; Kinh nghiệm của các nước trong nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự cho sinh viên, đặc biệt sinh viên quốc tế và những vấn đề mới đặt ra cho công tác đào tạo và vấn đề đào tạo gắn lý luận với thực tiễn; Ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự. 

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất một số kiến nghị và giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự. Đó là đề nghị Bộ Công an ây dựng cơ sở pháp lý để giảng viên Khoa nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự các Học viện, trường CAND kiêm nhiệm công tác thực tiễn; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng hiện đại phục vụ công tác đào tạo. 

Các trường CAND cần chú trọng chất lượng, hiệu quả hợp tác trong đào tạo Kỹ thuật hình sự giữa Nhà trường với các đơn vị thực tiễn và hợp tác quốc tế. Xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hình sự mang tính khoa học, gắn với thực tế; trong đó chú ý trau dồi đạo đức nghề nghiệp, giáo dục truyền thống; Chủ động nghiên cứu ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ, tham khảo các chương trình, phần mềm phục vụ công tác giảng dạy và quản lý đào tạo. 

Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo phát biểu tại Hội thảo

Công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Học viện, trường CAND trong tiếp nhận giảng viên luân chuyển công tác thực tế; tham gia báo cáo thực tế, hướng dẫn thực hành; và nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học nhằm giải quyết các vấn đề mà địa phương đang bức xúc, vướng mắc. 

Phân công học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự sau khi tốt nghiệp ra trường làm đúng chuyên ngành được đào tạo; thường xuyên đánh giá chất lượng công tác của sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự sau khi tốt nghiệp ra trường để phản hồi cho các cơ sở đào tạo nhằm hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo.

Phát biểu tại Hội, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo đã đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu tại Hội thảo, đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn của các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế. 

Đồng chí Cục trưởng cũng đề nghị, từ các ý kiến tham luận tại Hội thảo, Học viện CSND khẩn trương tiếp thu, tổng hợp, gửi văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ. Từ đó, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự trong thời gian tới.

Ban tổ chức và các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Đại biểu quốc tế tham luận tại Hội thảo
  
Huyền Thanh
.
.