Mô hình tự quản hiệu quả ở vùng cao biên giới

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:30
Để trấn áp các loại hình tội phạm, đảm bảo tốt tình hình ANTT trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Công an huyện đã triển khai nhiều kế hoạch tăng cường tuần tra, mật phục bắt giữ tội phạm. Các mô hình tự quản trên địa bàn đã được lực lượng Công an huyện thực hiện và duy trì; qua đó đảm bảo tốt tình hình ANTT, giúp thôn bản bình yên và phát triển.

Trung tá Lê Đình Ao, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết, từ năm 2010 đến 2015 trên địa bàn huyện có tổng số 21 mô hình tự quản về ANTT tại 7 xã và 1 thị trấn. 

Trong đó, tại xã Quang Kim có 8 mô hình tự quản, đặc biệt có hai mô hình “Mô hình tự quản đường biên mốc giới” và “Dòng họ Vàng tự quản về ANTT” đã và đang đem lại hiệu quả cao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và đảm bảo ANTT tại địa bàn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Trên địa bàn huyện đường biên giới dài 87,3km nối dài qua 10 xã nên tình trạng mua bán người, buôn bán ma túy diễn ra phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng trên và đảm bảo ANTT trên địa bàn, Công an huyện liên tục mở các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tăng cường lực lượng tuần tra về đêm tại các điểm nóng; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra trên tuyến biên giới. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nắm bắt được các thủ đoạn của đối tượng, nâng cao nhận thức phòng chống và tố giác tội phạm.

Xã Quang Kim, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là xã biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Giáy và Dao sinh sống, kéo theo một số tập tục lạc hậu lâu đời. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng Công an đã thực hiện nhiều giải pháp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình ANTT, phát triển kinh tế được áp dụng đã tạo sự đổi mới tích cực về đời sống, văn hóa và an ninh trong địa bàn xã Quang Kim.

Về Quang Kim những ngày này có thể nhận thấy màu xanh của vườn rừng tre măng Bát độ, chuối cao sản dọc theo những sườn đồi. Dưới chân đồi là những thửa ruộng xen lẫn ao, đầm nuôi cá, tôm… Đời sống của nhân dân nơi đây không ngừng được cải thiện và phát triển.

 
Cán bộ Công an và trưởng dòng họ Vàng đến gia đình trong dòng họ thăm hỏi và động viên.

Đồng chí Đào Mạnh Thắng, Trưởng Công an xã Quang Kim cho biết: Địa bàn xã có 3 thôn tiếp giáp với đường biên giới Trung Quốc với chiều dài 6,5km nên xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, vận chuyển mua bán hàng cấm, chất nổ và ma túy. 

Để đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn, đặc biệt là tuyến đường giáp biên giới, Công an xã đã thành lập nhiều mô hình tự quản về ANTT trong đó có hai mô hình đạt hiệu quả cao “Mô hình tự quản đường biên mốc giới” và “Dòng họ tự quản về ANTT”. Hai mô hình trên đã được thành lập từ năm 2010. Mô hình tự quản đường biên mốc giới tập trung tại 3 thôn có đường biên giới đi qua. 

Qua quá trình thực hiện, được sự giúp đỡ của Công an huyện, mô hình đã phát triển mạnh mẽ, tạo được sự uy tín và lòng tin cho người dân qua công tác giữ thôn bản bình yên, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giảm bớt các trường hợp mua bán người qua đường biên giới.

Nhiệm vụ của tổ công tác là tuần tra trong địa bàn thôn và bảo vệ đường biên giới để đảm bảo tình hình ANTT. Khi tuần tra trên đường biên mốc giới, có sự kết hợp với lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng. Hằng tối tổ công tác đều đi tuần tra tại các điểm nóng trên địa bàn.

Hằng đêm, để đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn, đúng 20h tổ công tác lại đi tuần tra, nắm bắt tình hình tại các điểm nóng trong thôn bản và tại đường biên mốc giới. Để chuẩn bị cho đêm tuần tra, tổ công tác tập trung tại trụ sở Công an xã để nghe đồng chí Trưởng Công an xã phổ biến nhiệm vụ, sau đó sẽ mang theo dụng cụ hỗ trợ như đèn pin, gậy cao su để đi tuần tra.

Ngoài mô hình tự quản đường biên mốc giới, xã Quang Kim còn có mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT", trong đó có nhiều dòng họ như dòng họ Vàng, dòng họ Vương thực hiện rất tốt về công tác đảm bảo ANTT. Con cháu trong gia đình đều nghiêm chỉnh chấp hành tốt pháp luật...

Xuân Bùi
.
.