Đánh trúng “tín dụng đen” góp phần kiềm chế, làm giảm tội phạm
- Nhiều bà con dân tộc thiểu số sập bẫy “tín dụng đen”
- Con vay tín dụng đen, nhà bị tạt chất bẩn, cha buồn rầu tự tử
- Tạm hoãn phiên tòa xét xử các đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” Nam Long
- Công an Tây Ninh phá hơn 20 vụ liên quan tội phạm “tín dụng đen”
- Kinh hoàng lãi suất tín dụng đen
Từ việc nhận diện, đánh giá đúng hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Kế hoạch 231 đã được Công an TP Hà Nội chủ động xây dựng. Qua 3 năm triển khai, những kết quả đạt được đã cho thấy đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện quyết tâm của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhằm giải quyết tình hình tội phạm được lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao.
Đây còn là cơ sở thực tiễn quan trọng để Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng trong phạm vi cả nước; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 ngày 25-4-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Từ ý tưởng đến hành động
Trước năm 2016, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bất hợp pháp trên địa bàn Hà Nội diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ án nghiêm trọng trên địa bàn xảy ra xuất phát từ hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như: Giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, khủng bố tinh thần bằng các hình thức đổ chất bẩn chất thải, bom xăng, đặt vòng hoa tang..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ, “tín dụng đen” hình thành đã nảy sinh mâu thuẫn trong kinh doanh, kéo theo tranh chấp địa bàn... Thậm chí đã xuất hiện tình trạng các đối tượng ở Hà Nội liên kết với các đối tượng ở những địa bàn giáp ranh thực hiện hành vi phạm tội. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, các đối tượng tập trung đông người, mang theo hung khí và sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực.
Đối tượng Quang Rambo và đồng bọn bị bắt giữ . |
Trung bình hàng năm, trên địa bàn TP xảy ra gần 500 vụ đổ chất bẩn, chất thải, hủy hoại tài sản…; trong đó trên 90% các vụ việc bắt nguồn từ các mâu thuẫn có liên quan đến kinh doanh tài chính, các hoạt động cho vay nợ "tín dụng đen", cầm đồ, chậm trả hoặc không có khả năng chi trả đã bỏ trốn dẫn đến việc các đối tượng có hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa...
Xác định “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma tuý và tệ nạn xã hội, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch 231. Đây là bước đầu tiên, ghi dấu ấn quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hình sự nói chung và hoạt động “tín dụng đen” nói riêng.
Một kế hoạch chi tiết, cụ thể từ khâu nắm tình hình, điều tra cơ bản đến tổ chức phân công, quản lý, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” được xây dựng để thống nhất xác định các bước tiến hành đấu tranh. Công an TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1946/QĐ-CAHN-PV11 thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc; Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện Kế hoạch 231...
Theo đó, các đồng chí cấp trưởng các đơn vị phải ký cam kết, chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc CATP trong công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng, cơ sở, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”.
Công an TP đã triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đội nghiệp vụ; chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, lập danh sách quản lý các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” để có biện pháp đấu tranh, xử lý, không để các đối tượng hoạt động công khai, lộng hành...
Xương sống góp phần làm giảm tội phạm
Sau 3 năm triển khai thực hiện, các đơn vị trong CATP Hà Nội đã tập trung, quyết liệt đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; triệt phá được nhiều ổ nhóm cộm cán. Công an TP Hà Nội đã phát hiện 1.004 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen; tổng kiểm tra 7.098 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, phát hiện xử lý 585 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính tổng số tiền 1.114.700.000 đồng. Triệt phá 44 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, 114 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, xác lập nhiều chuyên án trinh sát đấu tranh triệt phá như: Ổ nhóm Hải “bay”, Phùng Văn Lợi, Hải “bát giới”, Quang “rambo”, Tiến “trắng”... không để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động công khai, lộng hành.
Điển hình ngày 9-8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội triệt phá, bắt giữ ổ nhóm 5 đối tượng hoạt động “tín dụng đen” do Đỗ Văn Quang (tức Quang “rambo”, SN 1984, HKTT: Tổ 20 Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cầm đầu. Quang là đối tượng hình sự cộm cán, quy tụ nhiều đàn em từ tỉnh ngoài (Thanh Hoá, Hưng Yên,…) về Hà Nội hoạt động cho vay lãi nặng và nhận đòi nợ thuê.
Quang có quan hệ thân thiết với Huấn “hoa hồng”, Khá “bảnh” và thường xuyên sử dụng facebook đăng các hình ảnh xăm trổ, đầu trọc, đeo kính đen, dây chuyền… để khuếch trương thanh thế. Đầu năm 2019, Quang câu kết với Nguyễn Đức Nhân (SN 1986, HKTT: tổ 6 Giang Biên, Long Biên) là đối tượng lưu manh cộm cán để mở cửa hàng cầm đồ cho vay nặng lãi, tổ chức đời nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản. Ổ nhóm này bị triệt phá, góp phần đem lại niềm tin của nhân dân.
Một trong những kinh nghiệm mang lại thành công của Kế hoạch 231, đó là việc làm tốt công tác điều tra cơ bản. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội đã chủ động triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đội nghiệp vụ, Công an các phường, đồn, trạm, thị trấn và từng cán bộ chiến sỹ tổ chức điều tra cơ bản, quản lý các cơ sở, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyển biến nhận thức của mỗi CBCS về nhận diện nguy cơ từ các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Qua đó, đã dựng được “bức tranh toàn cảnh” về hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn toàn TP.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích số lượng, tính chất, biểu hiện hoạt động của các cơ sở, cá nhân, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”, từ đó áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức phân cấp quản lý rõ ràng từ cấp TP - chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự, đến Công an quận, huyện, thị xã, Công an phường xã, đồn, trạm, thị trấn... tạo hệ thống quản lý đồng bộ và thống nhất. Trong quá trình này, Công an TP Hà Nội đã phát hiện ra phương thức và thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội.
Đó là các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có xu hướng cấu kết với nhiều đối tượng hình sự, lưu manh, cộm cán hình thành các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động khép kín, lưu động trên phạm vi địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn “núp bóng doanh nghiệp” thành lập các công ty, doanh nghiệp hợp pháp làm bình phong che giấu các hoạt động “tín dụng đen” phía sau.
Đó còn là sự liên kết giữa các cán bộ công chức và nhân viên ngân hàng biến chất trong việc tiếp tay cho tội phạm... Để từ đó, phối hợp giữa các đơn vị địa phương trong quản lý đối tượng lưu động; trao đổi thông tin về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng giữa các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh, không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động tín dụng đen” trên nhiều địa bàn mà không được quản lý.
Bên cạnh đó là việc xử lý nghiêm, tuyệt đối không dung túng đối với số cán bộ có hành vi bảo kê, móc ngoặc với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” hoặc để hoạt động kinh doanh, làm ngơ cho tội phạm hoạt động...
Theo Công an Hà Nội, Kế hoạch 321 sẽ được được nâng tầm thành Chuyên đề 231. Công an TP Hà Nội sẽ quy chế phối hợp với 11 tỉnh, thành phố để phòng, ngừa, đấu tranh, trao đổi thông tin, quản lý với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” là người tỉnh ngoài, hoạt động lưu động; quy chế phối hợp với ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” câu kết, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng... Đây sẽ là chìa khóa góp phần đảm bảo an ninh trật tự nói chung, ngăn chặn “tín dụng đen” nói riêng trên địa bàn. |