Bệnh viện 198 cứu sống bệnh nhân suy tim bằng kỹ thuật mới

Thứ Bảy, 12/03/2016, 18:08
Lần đầu tiên Bệnh viện (BV) 198 Bộ Công an đã sử dụng phương pháp tái đồng bộ tim dành cho bệnh nhân suy tim.


Lần đầu tiên Bệnh viện (BV) 198 Bộ Công an đã sử dụng phương pháp tái đồng bộ tim dành cho bệnh nhân suy tim.

Chỉ sau 2 ngày phẫu thuật nội soi lắp thiết bị tái đồng bộ tim, sức khỏe của Trung tá Nông Văn Dương (Công an huyện Hạ Lang, Cao Bằng) đã ổn định.

Ths. Nguyễn Quốc Khánh và các bác sĩ trong kíp mổ thăm hỏi và khám bệnh cho bệnh nhân Nông Văn Dương. 

Anh cho biết, trước khi được điều trị, sức khỏe anh rất yếu, ngủ chập chờn, thường xuyên mệt mỏi, không làm gì được. Giờ đây anh đã dễ thở, ngủ sâu, đỡ mệt mỏi và đi lại, ăn uống bình thường và vài ngày sau là được ra viện. Đây là bệnh nhân đầu tiên của Bệnh viện (BV) 198 Bộ Công an được điều trị bằng phương pháp tái đồng bộ tim dành cho bệnh nhân suy tim.

Trung tá Nông Văn Dương được phát hiện suy tim từ năm 2012, từ đó hầu như năm nào anh cũng phải nằm viện 1-2 tháng và từ 2014 bệnh trở nặng thêm. Sau Tết Bính Thân, anh Dương nhập viện vì suy tim rất nặng. Tim anh bị giãn, to gấp 3 lần bình thường, các thuốc điều trị nội khoa không còn tác dụng.

Lúc này chỉ còn cách thay tim, hoặc dùng phương pháp nội soi lắp thiết bị tái đồng bộ tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch -BV 198 quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi lắp thiết bị tái đồng bộ tim cho bệnh nhân và Ths. Trần Tất Đạt là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này. Nhờ đó, bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời.

Ca phẫu thuật lắp đặt thiết bị thành công có ý nghĩa rất quan trọng, khi là lần đầu tiên một BV trong lực lượng Công an thực hiện được kỹ thuật này. Kết quả trên cũng sẽ mở ra cơ hội điều trị bệnh suy tim nặng cho các bệnh nhân trong và ngoài lực lượng Công an, khi tỉ lệ bệnh nhân bị suy tim ở BV 198 khá cao, mỗi năm có khoảng 120 ca phải chỉ định phẫu thuật.

Ths. Nguyễn Quốc Khánh cho biết phương pháp này có nhiều ưu điểm: Đây là cứu cánh cuối cùng với bệnh nhân suy tim. Nhưng vì là phẫu thuật nội soi, nên ít chảy máu, không phải gây mê, chỉ cần gây tê, độ an toàn cao, thời gian lành vết thương ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Ths. Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng Khoa Nội Tim mạch: Chỉ riêng ngày cuối tuần 11-3-2016, đã có 3-4 ca suy tim nặng nhập viện. Trước đây, chưa có phương pháp này, các bệnh nhân suy tim nặng chỉ được điều trị nội khoa và khi không còn đáp ứng thì hoặc phải được ghép tim, hoặc sẽ tử vong. Tuy nhiên, tỉ lệ ghép tim sống sau 5 năm cũng không cao. Một số bệnh nhân nhẹ hơn được chuyển đến điều trị tại Viện Tim mạch Quốc gia, dĩ nhiên, chi phí cao hơn. Người bệnh sẽ phải lo khoản tiền đóng viện phí rất lớn, khoảng hơn 300 triệu đồng, sau khi ra viện mới được thanh toán, nên với các bệnh nhân là CBCS Công an gặp rất nhiều khó khăn.
Thanh Hằng
.
.