Báo chí góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch vững mạnh

Thứ Ba, 06/06/2017, 19:03
Sáng ngày 6-6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức buổi gặp mặt, tọa đàm "Vai trò của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân". 


Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Mai Văn Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Chính trị Công an nhân dân...

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Thanh Nam khẳng định hơn 70 năm qua, Công an nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc và luôn được báo chí động viên, cổ vũ. 

Bước sang giai đoạn cách mạng mới, trước yêu cầu đòi hỏi mới đặt ra cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự trên các lĩnh vực, mặt trận, lực lượng Công an mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan báo chí, sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ những người làm báo.

Là người đầu tiên phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ nhắc lại dấu mốc quan trọng về sự phối hợp giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Công an từ cách đây hơn nửa thế kỷ, đó là ngày 24-12-1965, chương trình phát thanh "Vì an ninh Tổ quốc" đã chính thức phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong dòng chảy thông tin đa dạng của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình "Vì an ninh Tổ quốc" đã lập tức khẳng định được vị trí bản sắc riêng trong lòng bạn nghe đài.

"Nếu có một điều tra về chương trình được yêu thích nhất trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong hơn 70 năm qua, thì có lẽ tiết mục "Kể chuyện cảnh giác" sẽ đứng trong tốp đầu", nhà báo Nguyễn Thế Kỷ khẳng định.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, những năm qua nội dung về bảo vệ an ninh trật tự còn được thông tin trên nhiều loại hình báo chí mà Đài Tiếng nói Việt Nam đang có (gồm 8 kênh phát thanh, 18 kênh truyền hình, 2 báo điện tử và 1 báo in). Bộ Công an và Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều chương trình phối hợp công tác, nhất là tuyên truyền bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ mong muốn trong thời gian tới, Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Công an tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung chương trình đã ký kết. Đồng chí cũng đề nghị đối với các vụ việc nhạy cảm, liên quan tới an ninh quốc gia, Bộ Công an chủ động cung cấp sớm hoặc phối hợp với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện để thông tin kịp thời tới nhân dân; đặc biệt có một số nội dung cần tăng cường tuyên truyền sâu đậm hơn là thành tích, chiến công của lực lượng Công an gương người tốt, việc tốt trong Công an nhân dân, xây dựng người chiến sĩ Công an "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm này, một nội dung được nhiều đại biểu đề cập tới đó là những đóng góp rất lớn của lực lượng Công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân. 

Là người đã nhiều năm trực tiếp làm báo, nổi tiếng là cây bút bình luận quốc tế, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhìn nhận những chiến công của lực lượng Công an qua con mắt của một nhà bình luận quốc tế. 

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, trong khi nhiều nước trên thế giới hiện nay đang lâm vào khủng hoảng, xã hội hỗn loạn, người dân bất an thì Việt Nam luôn là một đất nước thanh bình; bình yên đang trở thành một giá trị đặc biệt của Việt Nam. Sự bình yên đó có đóng góp rất lớn của lực lượng Công an. 

Vì vậy với tư cách lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, ông mong muốn Bộ Công an và các đơn vị trong toàn lực lượng phát hiện và giới thiệu những tấm gương điển hình của lực lượng Công an để các nhà báo tuyên truyền trên báo chí. Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo "Vì bình yên cuộc sống".  

Nhà báo Song Hà, Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chính trị - Xã hội Báo Nhân Dân, chia sẻ rằng ông đã cố dịp đến nhiều đơn vị Công an và điều khiến ông ấn tượng nhất chính là sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ Công an trong cuộc đấu tranh với tội phạm.

"Tôi đã nhiều lần đến trụ sở Cục Cảnh sát điiều tra tội phạm về ma túy và luôn bị ấn tượng mạnh với tấm bảng ghi tên các liệt sĩ là cán bộ chiến sĩ Công an đã hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy. 

Không những thế, các anh lãnh đạo cục nói rằng cứ vài năm lại phải thay tấm bảng khác vì có thêm những dòng tên mới. Quả thực chỉ nhìn vào tấm bảng ấy cũng đã thấy cuộc chiến cam go, khốc liệt mà các cán bộ, chiến sĩ Công an đang hàng ngày phải đối mặt", nhà báo Song Hà nói. 

Theo nhà báo Song Hà, mảng đề tài về Công an luôn là "mỏ vàng" thông tin của báo chí và ông cũng muốn các đơn vị Công an tạo điều kiện để các nhà báo được tiếp cận, khai thác.

Cũng như nhà báo Song Hà, nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết; Đại tá, nhà báo Trần Anh Tuấn, Báo Quân đội nhân dân; nhà báo Nguyễn Lương Phán, Báo điện tử Dân Trí đề nghị Bộ Công an và các đơn vị trong lực lượng Công an tạo điều kiện để nhà báo có được thông tin nhanh và chính xác nhất khi có những vụ việc xảy ra, nhất là những vụ án thu hút sự quan tâm của xã hội. Việc cung cấp thông tin nhanh, chính xác từ cơ quan Công an sẽ góp phần định hướng dư luận xã hội.  

Đại diện cho những người làm báo của lực lượng Công an, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an, khẳng định trong những năm qua Báo Công an nhân dân đã làm tốt việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chiến công của lực lượng Công an đến bạn đọc trong và ngoài nước, qua đó đã góp phần đưa hình ảnh người chiến sĩ Công an đến gần hơn với nhân dân. Báo Công an nhân dân còn là cầu nối các nhà hảo tâm với đồng bào nghèo trong cả nước. 

Con số 150 tỷ đồng từ thiện các nhà hảo tâm đã đóng góp và đồng hành cùng Báo Công an nhân dân đến với đồng bào nghèo những năm qua đã khẳng định vị thế của Báo Công an nhân dân trong lòng bạn đọc. 

Báo Công an nhân dân đã được Chính phủ xác định là một cơ quan truyền thông đa phương tiện, vì vậy để phát huy hết thế mạnh là cơ quan báo chí của Bộ Công an, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đề nghị Tổng cục Chính trị Công an nhân dân và Bộ Công an sớm đề xuất Chính phủ cấp phép cho Kênh truyền hình An ninh thế giới chính thức được phát sóng, qua đó có thêm một kênh thông tin tuyên truyền về lực lượng Công an. 

Thiếu tướng Phạm Văn Miên cho biết Giải báo chí "Vì bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ vẫn được duy trì 2 năm 1 lần. Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an sẽ sớm trình Tổng cục Chính trị Công an nhân dân để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an tổ chức giải lần thứ 4.  

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Mai Văn Ninh khẳng định những năm qua đất nước ta luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là chiến công lớn của lực lượng Công an. Vì vậy báo chí cần ưu tiên có nhiều bài viết về thành công của lực lượng Công an, về những tấm gương cán bộ chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ sự bình yên của nhân dân. 

Theo đồng chí Mai Văn Ninh, Bộ Công an có hệ thống các cơ quan báo chí mạnh, vì vậy cần phát huy tối đa thế mạnh này để cung cấp thông tin cho nhân dân; đặc biệt là trước những vụ việc được dư luận quan tâm, báo chí Công an phải là kênh cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định đối với lực lượng Công an nhân dân, trong suốt hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành luôn có sự đồng hành, giúp đỡ của các cơ quan báo chí và đội ngũ đông đảo những người làm báo cách mạng. Báo chí đã thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an với nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự cũng như xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Báo chí cũng tích cực tham gia giám sát các hoạt động, công tác của lực lượng Công an nhân dân; kịp thời phát hiện, phản ánh những hành vi sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ trong công tác cũng như sinh hoạt, quan hệ với quần chúng nhân dân. Qua đó, giúp cho lãnh đạo công an các cấp kịp thời xử lý, chấn chỉnh góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị công an các đơn vị, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong quá trình tác nghiệp.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định luôn mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong thăm dò, định hướng dư luận xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự. Tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng chức năng nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, chiến lược “Diễn biến hòa bình”, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; vạch trần âm mưu phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; xung kích, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. 
Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu.

Bên cạnh đó, báo chí cần quan tâm tuyên truyền về kết quả, thành tích trong bảo đảm an ninh, trật tự; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ và có hình thức trao đổi, phản ánh phù hợp, trên tinh thần xây dựng để giúp lãnh đạo, chỉ huy công an các đơn vị, địa phương có hình thức chấn chỉnh, xử lý nghiêm. 

Xuất phát từ đặc thù lĩnh vực công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân chứa đựng nhiều yếu tố bí mật, phức tạp, nhạy cảm, trong những giới hạn, chừng mực, thời điểm nhất định chưa thể tiếp cận, công khai tuyên truyền ngay được. 

Do đó, lãnh đạo tòa soạn, trực tiếp là nhà báo, phóng viên cần có cách nhìn khách quan, cởi mở hơn trong việc tiếp cận thông tin, định hướng tuyên truyền để bạn đọc hiểu và thông cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ và của Ngành; nhất là trong thông tin, tuyên truyền liên quan đến vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự cần có hình thức tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo để một mặt vừa bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí, vừa phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các biện pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an.

Bộ trưởng Tô Lâm tin tưởng sâu sắc rằng, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan báo chí và của nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, không ngừng đổi mới, phát triển, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Thiêm
.
.