Phát huy vai trò của báo chí CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự

Thứ Năm, 21/06/2012, 00:34
“Báo chí CAND phải giữ vững tôn chỉ mục đích, đảm bảo đúng định hướng chính trị của Đảng, tuân thủ Luật Báo chí và Đạo đức nghề làm báo, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân”.

… “Tuyên truyền chính trị một cách có nghệ thuật, bằng trái tim, tình cảm sâu lắng, đi vào lòng người. Cần nhận rõ điều gì làm nên sức hấp dẫn của tờ báo, phải chăng là nói đúng sự thật một cách truyền cảm, thuyết phục, nói những điều mà người nghe đang cần, không phải cứ nói ngược, nói nhiều tiêu cực, rút tít giật gân… thì mới hấp dẫn. Ngược lại, đó là tầm thường hóa, không phải là nghệ thuật, càng không phải là nghệ thuật chân chính”…

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản ngày 9/6/2012 nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2012).

Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội nước ta. Kể từ khi ra đời đến nay, báo chí cách mạng nước ta luôn đồng hành cùng dân tộc, là phương tiện đấu tranh cách mạng, phục vụ nhân dân, góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong dòng chảy của lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí Công an nhân dân đã được hình thành, phát triển, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, bắt đầu từ những tập san nội bộ mang tên Rèn luyện, Nội san Công an nhân dân, Tập san Công an nhân dân, đến nay lực lượng Công an nhân dân đã có 21 cơ quan báo chí, trong đó có 6 báo in, 14 tạp chí (với 15 ấn phẩm phát hành công khai, 14 ấn phẩm lưu hành nội bộ); Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân với 1 kênh truyền hình ANTV phát sóng 24/24h, 1 chương trình phát thanh “Vì an ninh Tổ quốc”; 5 tờ báo của Công an địa phương; 1 nhà xuất bản. Báo chí Công an nhân dân đã thực sự trở thành phương tiện quan trọng giúp Bộ Công an chỉ đạo các mặt công tác Công an; là diễn đàn trao đổi, học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ; là cầu nối giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự; là phương tiện cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Báo chí Công an nhân dân đã tích cực, chủ động tham gia tuyên truyền, làm sáng tỏ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; tích cực chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản ánh sinh động thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cổ vũ các nhân tố tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Kết quả tuyên truyền của báo chí Công an nhân dân đã có tác dụng rất lớn trong việc động viên cán bộ, chiến sĩ Công an nâng cao lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm trong công tác, chiến đấu và phục vụ nhân dân.

Ngoài hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, báo chí Công an nhân dân còn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; hoạt động từ thiện xã hội, vận động giúp đỡ người nghèo, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… Những nghĩa cử đó làm đẹp thêm hình ảnh nhân văn người cán bộ, chiến sĩ Công an, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và cán bộ, chiến sĩ Công an tham dự buổi làm việc tại Tổng cục XDLL-CAND, ngày 2/4/2012. Ảnh: Công Gôn.

Trong hoạt động, mỗi loại hình báo chí Công an nhân dân đã tìm ra được phong cách riêng, phù hợp. Báo Công an nhân dân và Tạp chí Công an nhân dân là những cơ quan tuyên truyền và thông tin lý luận chủ đạo của Bộ Công an đã phát huy truyền thống, giữ vững chất lượng và uy tín của cơ quan báo chí đầu ngành; các báo của Công an địa phương cũng không ngừng đổi mới, vươn lên trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật.

Với những đóng góp tích cực của mình, báo chí Công an nhân dân thực sự đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam; là lực lượng tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của lực lượng Công an nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo chí Công an nhân dân vẫn còn một số hạn chế, bất cập về năng lực, trình độ làm báo thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hạn chế về phương tiện, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác báo chí. Trong hoạt động nghiệp vụ, mảng bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn ít và tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa cao; lác đác còn một số bài viết phản ánh quá chi tiết các vụ án hình sự đã tác động không tốt đến dư luận nhân dân, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc…

Từ thực tiễn hoạt động báo chí trong Công an nhân dân, có thể nêu lên một số kinh nghiệm sau: Phải bám sát định hướng, những nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân; chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí; tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí; coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, nhất là đội ngũ phóng viên, biên tập viên; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, khen thưởng, động viên kịp thời hoạt động báo chí.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những yếu tố tiêu cực của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, cùng với những khó khăn trước mắt về kinh tế, xã hội trong nước, đã và đang tác động đến các mặt công tác Công an… Âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn không thay đổi, trong khi đó những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, đang tác động làm xói mòn lòng tin của cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đang đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn lực lượng Công an nhân dân, trong đó có báo chí Công an nhân dân. Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong thời gian tới, báo chí Công an nhân dân cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản sau đây:

- Phải giữ vững tôn chỉ mục đích, đảm bảo đúng định hướng chính trị của Đảng, tuân thủ Luật Báo chí và Đạo đức nghề làm báo, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân. Nội dung tuyên truyền của báo chí Công an nhân dân phải đảm bảo tính thời sự, phản ánh kịp thời, sâu sắc tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và các mặt hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Cần chống biểu hiện xa rời mục tiêu chính trị, mơ hồ, lệch lạc về nhận thức, thương mại hoá hoạt động báo chí. Hoạt động báo chí phải tuân thủ nguyên tắc, quy định của lực lượng Công an nhân dân, ngăn ngừa biểu hiện coi nhẹ ý nghĩa chính trị, giá trị văn hoá, thẩm mỹ và chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội của báo chí. Các tạp chí trong Công an nhân dân phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của đơn vị; đồng thời, phát hiện những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra để bổ sung vào hệ thống lý luận Công an nhân dân.

Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, chủ trương, giải pháp, biện pháp, đối sách, nghệ thuật bảo vệ an ninh, trật tự. Chú ý phát hiện những vấn đề lý luận không còn phù hợp thực tiễn; những vấn đề chưa thống nhất để làm rõ, điều chỉnh, bổ sung. Thực hiện tốt chức năng thông tin lý luận, hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Lực lượng Công an nhân dân và báo chí Công an nhân dân cần tích cực tham gia và thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta; tham gia tích cực cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự và các quy định của lực lượng Công an nhân dân. Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự để người dân hiểu rõ và tự giác thực hiện; thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác, góp phần vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Báo chí Công an nhân dân phải góp phần xây dựng Đảng trong Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong lực lượng Công an nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời góp phần giải quyết, ổn định các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh trong thực tiễn.

- Tăng cường tuyên truyền các hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, coi trọng hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống; tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, đẩy mạnh phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.558). Tuyên truyền sâu rộng về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân với phương châm gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, nhất là các hoạt động giao lưu kết nghĩa, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động giúp dân, thi đua làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân. Cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân quan tâm, giúp đỡ lực lượng Công an, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân.

Đối với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong Công an nhân dân, báo chí Công an phải phê phán nghiêm túc, nhưng không được để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng, phá hoại sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Quang Bền, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND với đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí CAND. Ảnh: Công Gôn.

- Một trong những mục tiêu tấn công của các thế lực thù địch là phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. Do vậy, đối với các cơ quan báo chí Công an nhân dân, cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, nhất là xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí. Mỗi cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên báo chí Công an nhân dân cần không ngừng học tập, rèn luyện, kiên định bản lĩnh chính trị vững vàng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo theo tấm gương của Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Người: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (Nguyễn Phú Trọng, Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.553); thực sự trở thành chiến sĩ tiên phong của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật và khoa học - kỹ thuật, phấn đấu để báo chí Công an nhân dân ngày càng được bạn đọc trong và ngoài nước trân trọng, tin yêu.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí Công an nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy báo chí Công an nhân dân đảm bảo tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Rà soát, đánh giá lại đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên báo chí Công an nhân dân; kiên quyết đưa những người không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực ra khỏi đội ngũ những người làm báo Công an nhân dân.

Cơ quan quản lý báo chí Công an nhân dân cần thường xuyên định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là những vấn đề phức tạp, quan trọng, nhạy cảm về an ninh, trật tự. Tăng cường phối hợp giữa báo chí Công an nhân dân với các cơ quan báo chí của Đảng, các ngành để học tập kinh nghiệm, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các cơ quan báo chí của các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài để tranh thủ nguồn lực, công nghệ và kỹ năng làm báo thời kỳ hội nhập quốc tế. Tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, báo điện tử ra các nước nhằm giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước và người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam đến nhân dân và bạn bè các nước trên thế giới

T.Đ.Q.
.
.
.