Già làng, trưởng bản góp phần đảm bảo ANTT ở nông thôn

Thứ Sáu, 01/07/2022, 08:08

Để giữ vững an ninh nông thôn, địa bàn miền núi, vùng biên giới của tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công an 2 huyện Nam Đông và A Lưới đã không ngừng phối hợp với lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp. Đặc biệt, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tham gia tố giác tội phạm…

Xã Thượng Long, huyện Nam Đông là một địa phương nơi có nhiều già làng, trưởng bản phát huy tốt vai trò của mình trong công tác giáo dục, vận động con cháu và người dân tích cực tham gia gìn giữ ANTT, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Các già làng, trưởng bản đã cùng chính quyền địa phương vận động sức người, sức của trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi.

Điển hình, già làng Phạm Văn Tâm ở thôn 4, Thượng Long, vận động quần chúng, con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong thôn, bản tự nguyện hiến đất, hiến cây, tạo điều kiện thuận lợi thi công các công trình xây dựng chương trình nông thôn; tham gia vận động các hộ gia đình tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, tuyên truyền làm giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở các bản làng.

Thượng tá Nguyễn Nam Sinh, Trưởng Công an huyện Nam Đông, chia sẻ: “Các già làng, trưởng bản trên địa bàn huyện đã từng bước làm chuyển biến nhận thức người dân, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của bà con đồng bào vùng cao, đặc biệt là góp phần đảm bảo ANTT ở nông thôn. Nhờ sự phối hợp, giúp đỡ của các già làng, thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng, săn bắt động vật quý hiếm trên địa bàn đã giảm rất nhiều. Đáng quan tâm, nhiều già làng còn cung cấp cho lực lượng Công an những nguồn tin giá trị, giúp cơ quan Công an sớm đấu tranh làm rõ nhiều vụ án”...

1.jpg -0
Cán bộ Công an xã Hương Nguyên trao đổi công việc với già làng Lê Văn Thời.

Tại xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) có đường biên giới dài hơn 15km, giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có đến 99% là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Trung tá Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Công an xã Hương Nguyên cho hay, từ khi Công an chính quy về xã, các cán bộ, chiến sĩ tích cực bám địa bàn, tìm hiểu và nắm rõ phong tục, tập quán của người dân địa phương. Nhờ sự giúp đỡ, tuyên truyền, phối hợp của các già làng nên tình hình ANTT trên địa bàn xã luôn được giữ vững. Người dân bản địa hầu hết mưu sinh bằng nghề trồng rừng. Vì vậy, họ thường mua phụ tùng để lắp ráp các loại xe gắn máy tự chế để đi lại. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại xe tự chế luôn tiềm ẩn gây mất ATGT, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trước thực trạng này, già làng Lê Văn Thời, ở thôn Giồng, già làng Trần Văn Gà, ở thôn A Rý… đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giải thích, vận động người dân không nên sử dụng xe tự chế để lưu thông trên các tuyến giao thông. Từ đó, người dân đã chấp hành nên TNGT trên địa bàn xã giảm hẳn. Bên cạnh, các già làng còn vận động người dân tham gia vào các phong trào tự quản về ANTT, tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép…

Đến xã Đông Sơn (huyện A Lưới), chúng tôi cũng nghe người dân nhắc đến già làng Quỳnh Thông ở thôn Ka Vá là người có uy tín của xã. Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn nói rằng, già làng Quỳnh Thông là một trong những già làng mẫu mực, đi đầu trong mọi lĩnh vực như tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, giải quyết các vụ mâu thuẫn giữa các hộ trong làng. Đặc biệt, tham gia tuyên truyền về Nghị định 34 về quy chế biên giới khu vực đất liền. Quá trình xây dựng nông thôn mới, già làng Quỳnh Thông còn hiến đất để làm đường giao thông, thủy lợi, vận động nhân dân trong thôn đưa trẻ đến trường đúng tuổi, không nên cho con em bỏ học…

Các già làng, trưởng bản ở huyện A Lưới đã giúp nhiều hộ dân bỏ dần các phong tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, hủ tục thách cưới như trước đây. Đặc biệt còn tuyên truyền thanh, thiếu niên trong làng không vi phạm ATGT khi lái xe, nếu phát hiện người lạ vào địa bàn thì báo ngay với lực lượng Công an.

Già làng Hồ Văn Hạnh, ở thôn Lê Triêng, xã Trung Sơn (A Lưới) trải lòng: “Là những già làng, chúng tôi luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để vận động bà con trong thôn, bản thực hiện xây dựng nông thôn mới vùng miền núi. Quá trình vận động, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất mở đường, xây dựng đường bê tông nông thôn. Chúng tôi cũng luôn vận động bà con hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm, bình yên”.

Bên cạnh đó, già làng Hồ Văn Hạnh còn được biết đến như một nghệ nhân văn hóa dân gian khi đã có công sưu tầm, lưu giữ các điệu múa cổ của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô như: Cha chấp, Boi bói, Ca lơi. Già Hạnh cũng là một trong số ít người biết cách chế tác nhạc cụ của người Pa Cô…

Tại buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của 180 trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vào cuối tháng 6/2022, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khẳng định: Các trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín trên địa bàn tỉnh là những người gương mẫu, cốt cán đi đầu trong thực hiện các phong trào của địa phương, là người “giữ lửa” ở các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố; là những tuyên truyền viên tích cực trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín trên địa bàn tỉnh, nhất là 2 huyện Nam Đông và A Lưới cần vận động bà con thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà biết phấn đấu vươn lên. Tính gương mẫu, tiên phong các trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín là nguồn cảm hứng giúp cho thế hệ trẻ ý thức hơn, sống tốt hơn, đẹp hơn.

Theo ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 11.530 hộ, với gần 55.100 khẩu, sinh sống ở 12 xã biên giới và 33 xã vùng miền núi của các địa phương Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà, gồm các dân tộc: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy và một bộ phận nhỏ các dân tộc khác, chiếm hơn 5,2% dân số toàn tỉnh. Việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên cánh tay nối dài của chính quyền, góp phần đắc lực vào việc ổn định tình hình an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của tỉnh.

Hải Lan
.
.